| Hotline: 0983.970.780

Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975

[Kỳ 2] Người canh giữ nội các Tổng thống Dương Văn Minh

Thứ Sáu 30/04/2021 , 07:04 (GMT+7)

Đại tá Phạm Ngọc Sơn kể lại những giờ phút ông được giao nhiệm vụ canh giữ Nội các của Tổng thống Dương Văn Minh trong ngày 30/4/1975.

Đại tá Phạm Ngọc Sơn, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 1, sĩ quan tác chiến Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 tại Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Chỉ huy vệ binh Quân đoàn 2 canh giữ nội các Sài Gòn

Hơn 12 giờ trưa ngày 30 tháng 4, Sở Chỉ huy Tiền phương Quân đoàn 2 vào dinh Độc Lập. Mọi người nhanh chóng xuống xe. Tư lệnh Nguyễn Hữu An, Phó Tư lệnh Hoàng Đan, Phó Chính ủy Nguyễn Công Trang và Thiếu tướng Nam Long - Phái viên Tác chiến của Bộ Quốc phòng cùng đứng ở giữa dinh Độc Lập trao đổi công tác chiến sự.

Nội các Tổng thống Dương Văn Minh (30/4/1975). Ảnh: Tư liệu.

Nội các Tổng thống Dương Văn Minh (30/4/1975). Ảnh: Tư liệu.

Vốn con nhà tác chiến, ông Phạm Ngọc Sơn vội chạy thẳng lên tầng 2 tìm kiếm. Trên đường đi, ông gặp một người mặc thường phục áo trắng quần âu từ trong phòng đi ra, liền chặn lại hỏi: “Ông đi đâu?”. Ông ta trả lời: “Tôi xuống xe ô tô, lấy đồ dùng”. Không cho người đó đi xuống, ông Sơn hỏi tiếp: “Ông Dương Văn Minh đâu?”.

“Mấy ông giải phóng đưa đi đâu tôi không rõ” - người mặc thường phục nói. Ông Sơn lại hỏi “Thế chính quyền các ông đâu cả?”. Người này liền đưa ông lên phòng họp trên tầng 2: “Dạ họ ngồi cả đây”. Ông Sơn quan sát một lượt Nội các Sài Gòn, thấy họ ngồi trên các hàng ghế xung quanh, một số người ngồi cả dưới sàn nhà, còn bộ đội binh đoàn thọc sâu (gồm Lữ đoàn xe tăng 203 và Trung đoàn 66 Sư đoàn 304) đứng gác các cửa ra vào.

Tôi chạy xuống dưới báo cáo các đồng chí trong Bộ Tư lệnh - Đại tá Phạm Ngọc Sơn nhớ lại. Nghe tôi báo cáo tình hình, đồng chí Hoàng Đan hỏi tôi: “Thế Dương Văn Minh đâu?”.

“Tôi không rõ lắm. Chỉ thấy mọi người ngồi đấy”, tôi trả lời. Ông Hoàng Đan dậm chân: “Tại sao anh không biết?”.

“Báo cáo thủ trưởng, tôi cũng vào đây cùng các thủ trưởng, ông ấy đi lúc nào thì tôi không biết được”.

Lúc đó Tư lệnh Nguyễn Hữu An mới quay lại, ông ôn tồn nói: “Bây giờ Sơn lên trên ấy, dùng vệ binh của Quân đoàn thay cho anh em Trung đoàn 66 để cho anh em về đơn vị chiến đấu. Và Sơn trực tiếp ở đấy chỉ huy vệ binh của ta canh giữ Nội các chính quyền Sài Gòn”.

Đại tá Phạm Ngọc Sơn. Ảnh: Kiều Mai Sơn.

Đại tá Phạm Ngọc Sơn. Ảnh: Kiều Mai Sơn.

Theo lệnh đồng chí Nguyễn Hữu An, tôi chạy lên, cử anh em vệ binh của Quân đoàn 2 thay cho anh em Trung đoàn 66.

Khoảng 13 giờ, Tổng thống Dương Văn Minh từ đài phát thanh về. Thấy ông Minh bước vào, tất cả mọi người trong Nội các đều đứng dậy chào. Đang ngồi ở đầu dãy ghế, thấy cảnh nghiêm trang đó, ông Phạm Ngọc Sơn cũng hơi giật mình nhưng sau đó ông chấn tĩnh lại rồi đề nghị tất cả mọi người cùng ngồi xuống. Tổng thống Dương Văn Minh đi vào chỗ ngồi có Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Hảo.

Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc lịch sử

Một lúc sau thì ông Hàm - Cục phó Cục chính trị và ông Hân - Trưởng phòng Bảo vệ nói với ông Sơn: “Bây giờ ta đi ghi danh sách Nội các chính quyền Sài Gòn. Ghi toàn bộ họ tên, chức vụ, cấp bậc, quê quán… Tôi với anh Hân hỏi tới đâu - ông Hàm nói - thì anh Sơn có trách nhiệm ghi tên lại”.

Giây phút lịch sử đó, có nhà báo quân đội chụp ảnh lại và ảnh này được đăng trên báo Quân đội Nhân dân trong bài viết của nhà báo Bùi Tín (bút danh Thành Tín). Đại tá Phạm Ngọc Sơn giữ gìn tờ báo suốt 46 năm.

Đại tá Phạm Ngọc Sơn và bức ảnh lịch sử trên Báo Quân đội Nhân dân. Ảnh: Kiều Mai Sơn.

Đại tá Phạm Ngọc Sơn và bức ảnh lịch sử trên Báo Quân đội Nhân dân. Ảnh: Kiều Mai Sơn.

Đang canh gác nghiêm ngặt toàn bộ Nội các Tổng thống Dương Văn Minh, thì ông Hoàng Đan gọi ông Phạm Ngọc Sơn xuống, căn dặn:“Bây giờ anh vào cho ông Dương Văn Minh đi gặp vợ con. Phải nói với ông ấy là khi đi gặp vợ con gia đình thì nói với gia đình rằng yên tâm, Quân giải phóng sẽ bảo đảm an toàn tính mạng, không có lo ngại gì cả”.

“Tôi đi lên - Đại tá Phạm Ngọc Sơn kể tiếp - tới trước chỗ ông Dương Văn Minh ngồi, tôi nói: Bây giờ theo lệnh của cấp trên Quân giải phóng cho ông Dương Văn Minh được phép đi gặp gia đình trong thời gian 15 phút và yêu cầu ông khi gặp gia đình thì cho gia đình biết Quân giải phóng sẽ bảo đảm an toàn tính mạng, không có lo ngại gì cả”.

Ông Minh ngước lên nhìn, ánh mắt tỏ rõ vẻ nghi ngại. Ông Phạm Ngọc Sơn nhắc lại: “Ông yên tâm, đây là được phép của cấp trên Quân giải phóng, ông được đi gặp vợ con trong 15 phút. Không có vấn đề gì đâu, ông đừng lo”.

Tổng thống Dương Văn Minh nhìn sang bên phía các ông Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Văn Hảo xong, ông đứng dậy đi ra...

Ông Minh gõ cửa. Một lúc thì có một người phụ nữ trên 50 tuổi ra mở cửa, ông Phạm Ngọc Sơn đoán là người giúp việc. Ông Dương Văn Minh vào nhà rồi cánh cửa khép lại.

“Tôi đứng bên ngoài chờ đợi. Đúng 15 phút tôi theo dõi đồng hồ, đúng 15 phút không sai, ông Minh đi ra. Ông đặt tay phải lên ngực, hơi cúi người và nói: - Cám ơn. Tôi đưa ông ấy quay trở về”.

Một lúc sau, Tư lệnh Nguyễn Hữu An gọi tôi xuống, ông chỉ thị tôi tìm một phòng riêng tách Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu và Nguyễn Văn Hảo sang đó, để có điều kiện cho họ nghỉ ngơi.

Tôi đến trước mặt mấy người đó nói: “Để bảo đảm cho các ông nghỉ ngơi, mời ông Minh, ông Huyền, ông Mẫu và ông Hảo theo tôi sang phòng bên nghỉ”. Nghe tôi nói mấy ông nhìn nhau tiếp tục tỏ vẻ nghi ngờ, tôi nói ngay: “Các ông yên tâm, đây là sự ưu đãi đối với các ông, sang phòng có giường để các ông nằm nghỉ”. Ông Dương Văn Minh đứng dậy và mấy ông cũng đứng dậy đi theo… 

23 giờ ngày 30/4/1975, Quân đoàn 2 bàn giao toàn bộ Nội các Sài Gòn và dinh Độc Lập cho Quân đoàn 4, rồi di chuyển ra Trường Cảnh sát Quốc gia Thủ Đức.

Lời chứng của sĩ quan tác chiến

“Người viết bản tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh là đồng chí Bùi Văn Tùng - Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203. Về tổng kết chiến tranh ở Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), tôi là sĩ quan Tác chiến tổng hợp của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 tại Chiến dịch Hồ Chí Minh nên tôi được chỉ định làm thư ký ghi chép cùng một số anh em sĩ quan Chính trị của Quân đoàn 2, đều xác định bản viết để cho Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng Quân giải phóng là đồng chí Bùi Văn Tùng. Những năm tổng kết và những năm kỷ niệm 5 năm, 15, 20 năm, 25 năm thì vẫn là Bùi Văn Tùng. Cho đến kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, lúc bấy giờ ông Phạm Xuân Thệ đã là Tư lệnh Quân khu 1 rồi, thì mới nói rằng Phạm Xuân Thệ. Một số chi tiết ông Phạm Xuân Thệ kể viết lời tuyên bố đầu hàng xong rồi cho ông Dương Văn Minh đọc rồi vò bỏ vào trong túi là không hợp lý.

Sau khi nghe việc này, tôi có viết một bài phản bác, tôi nói đầy đủ, và gửi Báo Quân đội Nhân dân, gửi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, gửi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm ấy.

Là sĩ quan tác chiến, tôi nói đúng sự thật. Tôi khẳng định bài viết ấy của đồng chí Bùi Văn Tùng lúc đó là Chính ủy của Binh đoàn thọc sâu và Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 mới có trình độ viết được như thế. Nhớ rằng lúc đấy ông Bùi Văn Tùng còn cử ông Phạm Xuân Thệ ngồi tháp tùng trên xe chở ông Dương Văn Minh đến đài phát thanh. Sự thật là như thế đấy!” (Đại tá Phạm Ngọc Sơn, nguyên sĩ quan Tác chiến Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 tại Chiến dịch Hồ Chí Minh, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 1).

Xem thêm
Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất