Chạy đua với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giá điện gió
Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Đăk Lăk, tính đến ngày 22/3/2021 trên địa bàn tỉnh này đã có 40 dự án điện gió đã trình hồ sơ bổ sung quy hoạch phát triển điện lực, 4 dự án đã tổ chức lấy ý kiến hiện đang xem xét đưa vào quy hoạch, 6 dự án đang nghiên cứu khảo sát đo gió, 6 dự án nhà đầu tư đăng ký nghiên cứu khảo sát ở khu vực có tiềm năng phát triển điện gió…
Tại một văn bản báo cáo UBND tỉnh Đăk Lăk mới đây của Sở Công thương Đăk Lăk do Giám đốc Lưu Văn Khôi ký đề xuất: Từ đây đến ngày 1/11/2021 không còn nhiều (ngày 1/11/2021 là ngày hết hiệu lực mua giá điện gió theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Tuy nhiên trình tự thủ tục về đầu tư xây dựng dự án mất nhiều thời gian và do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên công tác đàm phán, mua sắm thiết bị, sản xuất thiết bị tuabin gió bị chậm tiến độ. Đề nghị UBND tỉnh Đăk Lăk báo cáo Thủ tướng, Bộ Công thương xem xét, cho kéo dài thời gian áp dụng mua giá điện gió.
Dư luận cho rằng, chính áp lực về thời gian chạy đua với Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ mà UBND tỉnh Đăk Lăk đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho các nhà đầu tư thực hiện dự án khi chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý.
Ông Nguyễn Ngọc Thông, Trưởng phòng Kỹ thuật An toàn Môi trường (Sở Công thương Đăk Lăk) cho biết: Bộ Công thương đã có quy định rõ về việc thực hiện dự án điện gió, đầu tiên nhà đầu tư phải xin chủ trương khảo sát dự án. Trước đây ở Đăk Lăk đầu mối qua Sở kế hoạch - Đầu tư, tuy nhiên sau đó các chủ đầu tư xin nhiều quá nên tỉnh giao lại một phần cho Sở Công thương.
Sau khi có chủ trương khảo sát, nhà đầu tư nghiên cứu, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch, cơ quan chủ trì lấy ý kiến của các sở ngành về năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm của nhà đầu tư, ý kiến về quy hoạch đất đai, xây dựng nông thôn mới, quốc phòng an ninh…
Sau đó UBND tỉnh có Tờ trình Bộ Công thương, Chính phủ bổ sung quy hoạch để làm căn cứ cấp Quyết định Chủ trương đầu tư để triển khai.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Thông, trước khi lập dự án Bộ Công thương yêu cầu nhà đầu tư phải lắp đặt cột đo gió, có kết quả đo gió tối thiểu trong vòng 12 tháng. Tuy nhiên, thực tế ở tỉnh Đắk Lắk, nhà đầu tư nào xin được chủ trương khảo sát dự án sẽ được cấp Quyết định Chủ trương đầu tư.
Điều đó có nghĩa là UBND tỉnh Đăk Lăk đã tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư thực hiện dự án khi cấp Quyết định Chủ trương đầu tư trong bối cảnh các nhà đầu tư chưa đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định.
Điển hình như việc cấp chủ trương đầu tư thực hiện 4 dự án điện gió trên địa bàn huyện Krông Búk gồm: Nhà máy điện gió Cư Né 1, Nhà máy điện gió Cư Né 2, Nhà máy điện gió Krông Búk 1 và Nhà máy điện gió Krông Búk 2.
UBND tỉnh Đăk Lăk yêu cầu cả 4 dự án trên phải hoàn thiện các thủ tục pháp lý đảm bảo đủ điều kiện khởi công dự án trước tháng 3/2021 để hoàn thành xây dựng, hòa lưới điện quốc gia trước tháng 11/2021 (đúng vào thời điểm hết hiệu lực mua giá điện gió theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
Việc ưu ái cho nhà đầu tư thể hiện ở chỗ, UBND tỉnh Đăk Lăk đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và yêu cầu các doanh nghiệp khởi công khi chưa hoàn thiện hồ sơ kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương thực hiện dự án, chưa thực hiện các thủ tục thu hồi đất, chưa đánh giá điều kiện năng lực tài chính của nhà đầu tư.
Đặc biệt, quyết định cấp chủ trương đầu tư khi chưa hoàn chỉnh hồ sơ dự án gửi Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 để xin thỏa thuận độ cao của các tuabin gió và tuyến đường dây điện theo quy định.
Mặt khác, theo quy định của Bộ Công thương về điều kiện khởi công và thi công xây dựng công trình dự án điện gió: Dự án điện gió chỉ được khởi công và thi công xây dựng khi đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, yêu cầu về bảo vệ môi trường và đảm bảo các điều kiện sau: Hồ sơ thiết kế xây dựng được thẩm định và phê duyệt theo quy định hiện hành; Hợp đồng mua bán điện đã ký với Bên mua điện; Có hợp đồng cung cấp tài chính và cam kết về nguồn vốn để bảo đảm tiến độ xây dựng công trình đúng với tiến độ đã được phê duyệt trong dự án đầu tư xây dựng công trình…
Mặc dù vậy, chính đại diện nhà đầu tư 4 dự án điện gió trên địa bàn huyện Krông Búk thừa nhận với Báo Nông nghiệp Việt Nam: Đến thời điểm hiện tại còn thiếu một số hồ sơ, thủ tục, căn cứ pháp lý. Hồ sơ thiết kế cơ sở, thẩm định cơ sở và đang chờ phê duyệt của Bộ Công thương. Về độ cao tĩnh không, chủ đầu tư cũng mới trình lên Bộ Quốc phòng và đến thời điểm này vẫn đang trong tình trạng chờ kết quả.
Tương tự, tại Dự án Nhà máy Điện gió Ea Nam của Tập đoàn Trung Nam. Vào ngày cuối cùng của năm 2020, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk đã ký cấp Quyết định Chủ trương đầu tư cho nhà đầu tư thực hiện dự án điện gió16.500 tỷ đồng, khởi công vào quý I/2021, hoàn thành, đưa dự án vào hoạt động tháng 10/2021 (ngay trước thời điểm hết hiệu lực mua giá điện gió theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
Điều đó dẫn đến việc Tập đoàn Trung Nam triển khai thực hiện dự án khi chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng và môi trường…
Thậm chí Công ty Trung Nam còn thi công xây dựng trụ tuabin trên diện tích đất lâm nghiệp của xã Ea Nam khi tự ý thỏa thuận với các hộ dân nhận khoán để san ủi, làm móng trụ số 61 tại thôn 4 với với diện tích 4.378,7m2 đồng thời mở đường qua đất lâm nghiệp vào trụ số 24 thuộc lô rừng tại thôn Ea Đen.
Đang thành lập đoàn kiểm tra việc đưa người Trung Quốc vào làm điện gió
Theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, mặc dù chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, tuy nhiên nhiều chủ đầu tư các dự án điện gió ở khu vực Tây Nguyên đã đưa người Trung Quốc vào để thực hiện dự án.
Tại xã Cư Né, huyện Tại khu nhà điều hành ở xã Cư Né (huyện Krông Búk) các doanh nghiệp trên đã thuê lại nhà đất, xây dựng các khu nhà ở cho các chuyên gia, mỗi ngày đều có hàng chục người Trung Quốc làm việc ở đây. Theo đại diện chủ đầu tư, nếu cả 4 dự án điện gió ở Krông Búk triển khai thì cần số lao động người nước ngoài lên đến 300 người, chủ yếu yếu là người Trung Quốc.
Tương tự, tại xã Thuận Hà (huyện Đắk Song, tỉnh Đăk Nông), nơi các dự án điện gió của ông Đỗ Lê Quân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tài Tâm đang thực hiện trên khoảng gần 200 ha đất, nhiều người Trung Quốc đã vào khu vực này để thực hiện dự án. Ông Trần Công Nhất, Chủ tịch UBND xã Thuận Hà cho biết, hiện có nhiều người Trung Quốc ra vào trên địa bàn, đều là người của các dự án điện gió.
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Minh Lý, Trưởng phòng Lao động, việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đăk Lăk) cho biết đơn vị đang xây dựng phương án kiểm tra tất cả các lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh này.
Theo bà Trần Thị Minh Lý, đúng là có các chuyên gia Trung Quốc đang thực hiện dự án điện gió. Tuy nhiên do là chuyên gia nên không phải đăng ký với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, còn đối với các lao động phổ thông thì chủ đầu tư, đơn vị thi công mới phải làm thủ tục đăng ký.
“Vừa qua chủ đầu tư dự án điện gió tại các huyện Ea H’leo, Krông Búk có liên hệ sở hỏi về thủ tục để đưa công nhân Trung Quốc vào địa phương thực hiện các dự án điện gió. Theo quy định, muốn đưa lao động nước ngoài vào địa phương thì các nhà thầu phải đăng ký nhu cầu. Lúc này, UBND tỉnh sẽ có văn bản chấp thuận thì đơn vị này mới làm thủ tục đăng thông báo tuyển dụng trên địa bàn. Trong trường hợp không mà đơn vị thi công không tuyển được lao động địa phương thì mới tuyển công nhân nước ngoài”, bà Trần Thị Minh Lý nói.
Cũng theo Trưởng phòng Lao động, việc làm và Giáo dục nghề nghiệp, bước đầu Sở lao động Thương binh và Xã hộ Đăk Lăk có nắm được nhu cầu sử dụng lao động Trung Quốc cho 4 dự án điện gió ở Krông Búk là khoảng 400 người. Tuy nhiên đây mới là dự kiến vì đơn vị thi công phải đăng thông báo tuyển công nhân địa phương. Khi không tuyển được mới tuyển công nhân Trung Quốc.
“Hiện tại sở có tiếp nhận thông tin trên báo về việc công nhân Trung Quốc lao động trên địa bàn, nên đơn vị đang thành lập đoàn đi kiểm tra. Từ đó xác định được đây là chuyên gia hay là lao động mới phối hợp với cơ quan chức năng xử lý”. Bà Lý nói thêm và lo ngại các nhà thầu sẽ đưa ra những tiêu chí khiến công nhân trong nước không thể đáp ứng và đưa công nhân từ Trung Quốc sang.
“Số lượng công nhân Trung Quốc đến địa phương nhiều thì việc quản lý sẽ gặp ít nhiều khó khăn. Sau khi cấp phép, đơn vị sẽ báo cho công an và chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra số lượng công nhân này”, bà Trần Thị Minh Lý khẳng định.