Những sự trùng hợp kỳ lạ của 4 doanh nghiệp điện gió đầu tư vào Krông Búk
Theo thông tin Sở Công thương tỉnh Đăk Lăk cung cấp, hiện trên địa bàn huyện Krông Búk đã có 4 dự án được UBND tỉnh Đăk Lăk cấp quyết định chủ trương đầu tư bao gồm: Nhà máy điện gió Cư Né 1, Nhà máy điện gió Cư Né 2, Nhà máy điện gió Krông Búk 1 và Nhà máy điện gió Krông Búk 2.
Điều trùng hợp là cả 4 doanh nghiệp này đều được thành lập ở Hà Nội và cùng được Sở Kế hoạch - Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vào ngày 2/8/2019, cùng được UBND tỉnh Đăk Lăk cấp Quyết định chủ trương đầu tư cùng ngày 26/2/2021, cùng do những người quốc tịch Trung Quốc đại diện theo pháp luật…
Cụ thể, nhà máy điện gió Cư Né 1 do Công ty TNHH Đầu tư Năng lượng tái tạo Cư Né làm chủ đầu tư, người đại diện doanh nghiệp là ông Zhang Ji, sinh năm 1982, quốc tịch Trung Quốc với chức danh Tổng giám đốc. Dự án có công suất thiết kế là 50Mw, vốn đầu tư 2.209 tỷ đồng.
Nhà máy điện gió Cư Né 2 được UBND tỉnh Đăk Lăk quyết định chủ trương đầu tư vào 26/2/2021 và dự án này thuộc Công ty TNHH Đầu tư và quản lý điện gió Cư Né làm chủ đầu tư, người đại diện của doanh nghiệp là ông Liu LiFei, sinh năm 1987, quốc tịch Trung Quốc.
Dự án có công suất thiết kế là 50Mw với tổng vốn đầu tư 1.952 tỷ đồng. Dự án thứ ba là Nhà máy Điện gió Krông Búk 1 có sơ bộ tổng chi phí thực hiện 1.784 tỷ đồng, được thực hiện trên khu đất 17,5ha tại xã Cư Pơng, xã Chư Kpô, huyện Krông Búk.
Đối với Nhà máy điện gió Krông Búk 2, dự án có công suất thiết kế 50Mw do Công ty TNHH Năng lượng gió Krông Búk làm chủ đầu tư và người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp là ông Zhang DongYang, sinh năm 1990, quốc tịch Trung Quốc. Dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 1.867 tỷ đồng. Các dự án đều được chấp thuận chủ trương đầu tư với thời gian hoạt động là 50 năm.
Căn cứ các tài liệu tại tỉnh Đăk Lăk, cả 4 dự án trên phải hoàn thiện các thủ tục pháp lý đảm bảo đủ điều kiện khởi công dự án trước tháng 3/2021 để hoàn thành xây dựng, hòa lưới điện quốc gia trước tháng 11/2021.
UBND tỉnh Đăk Lăk cũng yêu cầu chủ đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ dự án gửi Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 để xin thỏa thuận độ cao của các tuabin gió và tuyến đường dây điện theo quy định.
Hoàn tất các thủ tục về bảo vệ môi trường, đất đai, xây dựng và các thủ tục có liên quan theo đúng quy định trước khi triển khai thực hiện dự án…
Mặt khác, đây là dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất, cho thuê đất nên UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh này đánh giá điều kiện về năng lực tài chính của nhà đầu tư để đảm bảo việc sử dụng đất theo tiến độ dự án trước khi tiến hành thủ tục cho nhà đầu tư thuê đất theo quy định.
Tuy nhiên, dường như các chủ đầu tư dự án điện gió ở Krông Búk đã phớt lờ yêu cầu của UBND tỉnh Đăk Lăk. Đặc biệt, 4 dự án điện gió dự kiến chuyển đổi hơn 50 ha đất, nhưng khi chưa thực hiện xong các thủ tục pháp lý của việc chuyển đổi, chủ đầu tư đã tiến hành mua đất của người dân để thực hiện.
Đã hơn một tháng kể từ thời hạn mà UBND tỉnh Đắk Lắk giao tiến độ khởi công dự án nhưng nhiều cơ quan quản lý ở Krông Búk vẫn chưa tiếp cận đầy đủ hồ sơ về các dự án điện gió trên địa bàn. Ông Vũ Văn Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Krông Búk thậm chí còn tỏ ra gay gắt khi đề cập đến các dự án trọng điểm của huyện: “Điện gió giờ đang triển khai, chưa có hồ sơ giấy tờ gì hết, mới có chủ trương đầu tư thôi”. Thậm chí ở các xã như Cư Pơng, xã Chư Kpô, lãnh đạo địa phương còn chưa nắm được vị trí nào nằm trong phạm vi dự án.
Trong khi đó, theo điều tra của Báo Nông nghiệp Việt Nam, các chủ đầu tư điện gió ở Krông Búk đã đưa người Trung Quốc vào để triển khai dự án. Tại khu nhà điều hành ở xã Cư Né, các doanh nghiệp trên đã thuê lại nhà đất, xây dựng các khu nhà ở cho các chuyên gia, mỗi ngày đều có hàng chục người Trung Quốc làm việc ở đây.
Còn ở xã Cư Né, nơi thực hiện các dự án điện gió Cư Né 1 và Cư Né 2, ông Lục Duy Phương, Chủ tịch UBND xã này cho biết, mặc dù hồ sơ thủ tục pháp lý để thực hiện dự án chưa đầy đủ nhưng phía chủ đầu tư đã tiến hành thu mua đất của người dân và thực hiện giải phóng mặt bằng để tiến hành xây dựng ở một số vị trí.
Cụ thể, tại vị trí thửa đất số 70, tờ bản đồ số 79 thuộc thôn 6 xã Cư Né đã có một nhóm người đào bới, san lấp mặt bằng. Theo ghi nhận, vị trí này trước đây là khu đất của một hộ dân dùng vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Vào khoảng tháng 3, sau khi mảnh đất được chủ vườn bán cho một số người lạ thì nơi này được nhóm người huy động máy đào, máy ủi, xe ben, xe lu đến để giải phóng mặt bằng. Khoảng giữa tháng 4, hiện trạng khu đất đã được thay đổi hoàn toàn so với ban đầu và diện tích bị tác động, san phẳng lên đến hàng nghìn mét vuông.
Tương tự, tại thôn Ea Nguôi của địa phương này, vườn cà phê của các hộ dân cũng được một số người lạ vào mua lại và sau đó một nhóm người khác dùng máy móc san gạt, thay đổi hiện trạng. Theo kế hoạch, 4 dự án điện gió sẽ xây dựng khoảng 73 trụ tuabin. Thống kê sơ bộ đến thời điểm này phía chủ đầu tư đã thu mua đất của người dân được 44 trụ, còn lại 29 trụ chủ yếu thuộc đất nông lâm trường của Công ty Cà phê Phước An.
Mặc dù các chủ đầu tư dự án điện gió thông tin trong tuần sẽ làm việc với Công ty Cà phê Phước An, tuy nhiên, trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Dương Kim Nhung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê Phước An khẳng định, đến thời điểm hiện tại chưa có bất cứ thông tin gì về việc thu hồi đất của công ty để thực hiện dự án điện gió cả.
Ở vị trí khác, công trình trạm trộn bê tông của dự án điện gió cũng được hình thành và các hoạt động xây dựng, sản xuất tại đây đã diễn ra.
Theo ông Lục Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Cư Né, trong hai ngày 16 và 17/3, chính quyền kiểm tra tại 2 vị trí mà các nhóm người tổ chức đào bới, san gạt, qua đó xác định nhóm này được dự án điện gió cử đến để thi công công trình.
Trong vụ việc này, có một phụ nữ là bà Lại Thu Trang cùng một người nước ngoài đến UBND xã Cư Né làm việc và nhận mình là chủ đầu tư các công trình điện gió trên địa bàn xã Cư Né. Ông Lục Duy Phương cho rằng, hồ sơ lưu trữ tại UBND xã đối với các công trình điện gió thời điểm đó là chưa đầy đủ về trình tự, chưa thực hiện công tác thu hồi đất, chưa đảm bảo hồ sơ liên quan nên chính quyền đã yêu cầu chủ đầu tư và tổng thầu dừng ngay các hoạt động thi công.
Về vấn đề người Trung Quốc trên địa bàn, theo ông Phương, nếu dự án sử dụng chuyên gia nước ngoài thì bắt buộc các chuyên gia phải ở tại các cơ sở lưu trú được phép kinh doanh, không được ở tại các nhà dân.
“Thời gian gần đây, có khoảng 7-9 chuyên gia nước ngoài về làm việc trong các dự án điện gió và chủ yếu là quốc tịch Trung Quốc”, ông Phương nói.
Xác định phải làm bằng mọi giá
Để tìm hiểu rõ thông tin về cơ sở pháp lý thực hiện dự án trên địa bàn huyện Krông Búk, PV Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có buổi làm việc với Công ty TNHH đầu tư năng lượng tái tạo SGTNDL. Đây là một doanh nghiệp có địa chỉ tại Singapore, góp vốn trực tiếp vào cả 4 dự án điện gió trên địa bàn huyện Krông Búk.
Theo đại diện Công ty TNHH đầu tư năng lượng tái tạo SGTNDL, doanh nghiệp này góp vốn vào các dự án điện gió ở Krông Búk và xác định vấn đề nhức nhối nhất của các dự án là đất đai nên trong quá tình thực hiện đã lựa chọn hình thức thỏa thuận với người dân để thu mua trước khi cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục thu hồi và cho thuê đất.
Phía chủ đầu tư 4 dự án điện gió ở Krông Búk cũng thừa nhận, đến thời điểm hiện tại còn thiếu một số hồ sơ, thủ tục, căn cứ pháp lý. Hồ sơ thiết kế cơ sở, thẩm định cơ sở và đang chờ phê duyệt của Bộ Công thương. Về độ cao tĩnh không, chủ đầu tư cũng mới trình lên Bộ Quốc phòng và đến thời điểm này vẫn đang trong tình trạng chờ kết quả.
“Các dự án điện gió ở Krông Búk được doanh nghiệp xác định là chiến lược dài hơi nên chúng tôi xác định phải làm bằng mọi giá”, đại diện Công ty TNHH đầu tư năng lượng tái tạo SGTNDL cho hay.
Cũng theo Công ty TNHH đầu tư năng lượng tái tạo SGTNDL, nếu cả 4 dự án điện gió ở Krông Búk triển khai thì cần số lao động người nước ngoài lên đến 300 người, chủ yếu yếu là người Trung Quốc.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, quá trình khảo sát 4 dự án điện gió ở huyện Krông Búk vốn do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Hamek thực hiện. Doanh nghiệp này vốn là một công ty hoạt động trong lĩnh vực điện gió trong nước, sau đó, bằng các thủ tục góp vốn, cả 4 dự án điện gió ở Krông Búk đều trở thành các dự án chịu sự chi phối của Công ty TNHH đầu tư năng lượng tái tạo SGTNDL.