| Hotline: 0983.970.780

Đằng sau cơn sốt điện gió ở Tây Nguyên

[Kỳ 6] Bất thường những thương vụ 'lướt sóng' các dự án điện gió nghìn tỷ

Thứ Tư 05/05/2021 , 13:49 (GMT+7)

Nhiều doanh nghiệp năng lực rất hạn chế, không có kinh nghiệm làm điện gió, lập công ty, xin dự án chóng vánh rồi bán chóng vánh để kiếm lời.

Dự án điện gió của nữ đại gia Nguyễn Thị Sen đã bán cho doanh nghiệp nước ngoài.

Dự án điện gió của nữ đại gia Nguyễn Thị Sen đã bán cho doanh nghiệp nước ngoài.

Với tốc độ gió ở nhiều khu vực đạt từ 6 - 8 m/s, Gia Lai đang sở hữu nguồn năng lượng gió dồi dào để thu hút những nhà đầu tư. Tuy nhiên, thay vì đầu tư xây dựng bài bản, các doanh nghiệp lại lợi dụng chính sách phát triển năng lượng sạch của Chính phủ để xin dự án rồi bán lại ngay khi được cấp phép để kiếm lời.

Những nghi ngại được đặt ra về năng lực nhà đầu tư, có hay không sự tiếp tay của chính quyền, nhất là trong bối cảnh các dự án điện gió nhanh chóng được cấp phép.

Nữ đại gia Nguyễn Thị Sen “lướt sóng” 2 dự án ngay sau cấp phép

Thời gian qua, câu chuyện về nữ đại gia phố núi Nguyễn Thị Sen “lướt sóng” 2 dự án điện gió đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Việc dự án Nhà máy Điện gió phát triển Miền Núi (Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai) và dự án Nhà máy Điện gió chế biến Tây Nguyên (Công ty cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai) hoàn tất bán cho tập đoàn Thái Lan đã giúp nữ đại gia này thu về hàng trăm tỷ đồng.

Trước đó vào khoảng tháng 9/2020, 2 dự án nhà máy điện gió chính thức được khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư 3.600 tỷ đồng.

Dự kiến, 2 dự án sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành trong năm 2021. Theo đó, 2 dự án sẽ cung cấp tổng sản lượng điện 319,5 triệu kW/năm, doanh thu 627,6 tỷ đồng, nộp ngân sách 125 tỷ đồng mỗi năm.

Được biết, 2 Công ty Điện gió Chư Prông Gia Lai và Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai được thành lập vào tháng 4/2020 với vốn điều lệ 25 tỷ đồng, trụ sở cùng đặt tại 18 Hùng Vương, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Cả hai công ty đều có chung một cổ đông lớn là bà Nguyễn Thị Sen.

Ngày 25/6/2020, dự án điện gió Chế biến Tây Nguyên và Phát triển Miền núi được chấp thuận bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực, theo công văn số 795/TTg-CN của Thủ tướng Chính phủ.

Chưa đầy một tháng sau, ngày 21/7/2020, UBND tỉnh Gia Lai có các quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư hai dự án này.

Điều đáng nói, ngay khi 2 dự án này được phê duyệt chủ trương đầu tư được ít ngày, EPVN W2 (HK) Company Limited - một công ty con của Tập đoàn Eastern Power Group của Thái Lan (trụ sở tại Hong Kong) đã thông qua chủ trương mua 2,25 triệu cổ phần, tương đương 90% cổ phần Năng lượng Gió Chư Prông Gia Lai với giá phí 7,875 triệu USD. Đồng thời, công ty này cũng mua 2,5 triệu cổ phần, tương đương 100% cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai với giá phí 8,75 triệu USD. Tiến độ mua cổ phần sẽ được tiến hành qua 5 giai đoạn tính từ thời điểm được cấp phép đầu tư đến khi đưa vào vận hành.

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 15/4/2021, EPVN W2 (HK) Company Limited đã sở hữu 53,9% tại Năng lượng Gió Chư Prông Gia Lai và 60% tại Điện gió Chư Prông Gia Lai.

Chuyên gia “lướt sóng” HBRE Việt Nam bán “đứt” cho SUPER  Thái Lan

Cũng với hình thức xin dự án rồi bán lại cho doanh nghiệp nước ngoài phải kể đến Công ty cổ phần phong điện HBRE Gia Lai với dự án Trang trại Phong điện HBRE Chư Prông.

Dự án điện gió HBRE cũng đã bán cho tập đoàn Thái Lan.

Dự án điện gió HBRE cũng đã bán cho tập đoàn Thái Lan.

Vào tháng 11/2019, HBRE đã tổ chức lễ động thổ giai đoạn 1 dự án Trang trại Phong điện HBRE Chư Prông có tổng mức vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, với công suất 50MW.

Theo thông tin mà Báo Nông nghiệp Việt Nam có được, trước 10 tháng khi dự án được động thổ, HBRE Gia Lai đã bán 99% cổ phần cho tập đoàn SUPER của Thái Lan. Hiện ông Jormsup Lochaya, Chủ tịch HĐQT của SUPER cũng là người đại diện pháp luật của Công ty HBRE Gia Lai thay cho ông Hồ Tá Tín như đăng ký lần đầu.

Được biết, tập đoàn HBRE Việt Nam là doanh nghiệp trong nước rất ưa thích với các dự án điện gió, nhất là việc xin chủ trương đầu tư rồi bán lại cho doanh nghiệp nước ngoài dưới hình thức chuyển nhượng cổ phần.

Phong điện Gia Lai bán cho BB Power Holdings

Ở một diễn biến mới nhất, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển phong điện Gia Lai với dự án điện gió Hưng Hải Gia Lai cũng đã bất ngờ đổi chủ sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành đã ký quyết định số 464 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai.

Dự án được thực hiện trên diện tích 47ha, công suất lắp đặt 100MW, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 3.706 tỷ đồng, trong đó vốn góp nhà đầu tư là 800 tỷ đồng, vốn vay 2.906 tỷ đồng. Dự kiến dự án khởi công vào tháng 4/2021 và sẽ đưa vào nghiệm thu và vận hành từ tháng 11/2021 - 5/2022.

Các dự án điện gió đang bị thôn tính bởi các doanh nghiệp nước ngoài.

Các dự án điện gió đang bị thôn tính bởi các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo tìm hiểu được biết, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phong điện Gia Lai được thành lập ngày 16/7/2020  bởi nhóm nhà đầu tư Hưng Hải Group với vốn điều lệ 800 tỷ đồng. Trong đó, Hưng Hải Group trực tiếp nắm giữ 29,5% vốn, ông Nguyễn Văn Tuyền sở hữu 49,5% và ông Nguyên Xuân Kiên có 21% còn lại.

Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 1 tháng được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án,  Phong điện Gia Lai bất ngờ xuất hiện cổ đông là Công ty cổ phần BB Power Holdings chiếm 51% cổ phần. Ông Vũ Quang Bảo cũng đã thay ông Nguyễn Xuân Kiên làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty.

Theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, trong số 17 dự án được tỉnh Gia lai phê duyệt chủ trương đầu tư thì có đến 10 dự án đã được bán lại theo hình thức nhượng quyền cổ phần.

Vốn điều lệ vài chục tỷ, xin dự án vài ngàn tỷ

Quyết định 39/2018/QĐ-TTg với nhiều chính sách ưu đãi về phát triển năng lương sạch, đặc biệt là giá bán điện: Mức giá 8,5 UScent/kWh cho dự án điện gió trên bờ và 9,8 UScent/kWh với dự án điện gió ngoài khơi đã tạo ra một cơn sốt cho các doanh nghiệp chạy đua đầu tư.

Tuy nhiên, chính điều này đã tạo ra hệ lụy khi nhiều nhiều nhà đầu tư xin được dự án, lại không tiến hành xây dựng và vận hành như cam kết. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp dù không có năng lực và kinh nghiệm nhưng vẫn đầu tư dự án rồi bán lại kiếm lời.

Minh chứng cho điều này phải kể đến 2 dự án điện gió của nữ đại gia phố núi Nguyễn Thị Sen. Đầu tiên, dự án nhà máy điện gió phát triển miền núi thuộc Công ty cổ phần điện gió Chư Prông Gia Lai được thành lập vào tháng 4/2020 với vốn điều lệ 25 tỷ đồng. Trong đó, cổ phần của bà Nguyễn Thị Sen chiếm 80%, Lê Thị Giang Hà 10% và Nguyễn Hồng Minh 10%.

Chỉ chưa đầy 2 tháng sau, cơ cấu sở hữu cổ phần tại công ty này có sự thay đổi khi Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền núi Gia Lai trở thành công ty mẹ chiếm giữ 55%, bà Nguyễn Thị Sen giảm cổ phần xuống còn 25%. Cần biết rằng, Công ty Miền núi Gia Lai cũng do chính bà Nguyễn Thị Sen Thành lập năm 2007.

Công ty này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn nông, lâm sản, nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống. Năm 2019, đăng ký vốn điều lệ là 21,1 tỷ đồng, trong đó bà Nguyễn Thị Sen nắm cố phần chi phối lên đến 94,44%. Theo tìm hiểu được biết, chỉ trong 2 năm 2018 và 2019, hoạt động kinh doanh của công ty này liên tục thua lỗ với mức âm lần lượt 797 triệu đồng và 5,47 tỷ đồng.

Việc lướt sóng các dự án điện gió đã giúp nữ đại gia Nguyễn Thị Sen kiếm lời hàng trăm tỷ đồng.

Việc lướt sóng các dự án điện gió đã giúp nữ đại gia Nguyễn Thị Sen kiếm lời hàng trăm tỷ đồng.

Còn với dự án điện gió chế biến Tây Nguyên thuộc Công ty cổ phần năng lượng gió Chư Prông Gia Lai cũng được thành lập vào tháng 4/2020 với vốn điều lệ 25 tỷ đồng. Trong đó, 55% thuộc về Công ty TNHH Kinh doanh và Chế biến Tây Nguyên, bà Nguyễn Thị Sen nắm giữ 15% cổ phần. Được biết, Công ty Chế biến Tây Nguyên có vốn điều lệ 35 tỷ đồng, với ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn gạo.

Cũng giống như Công ty Miền núi Gia Lai, Công ty Chế biến Tây Nguyên kinh doanh trong 2 năm 2018 và 2019 không phát sinh doanh thu, còn lỗ sau thuế lần lượt là 28,4 triệu đồng và 88,26 triệu đồng.

Vào tháng 6/2020, 2 dự án điện gió này mới được chấp thuận bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực, theo công văn số 795/TTg-CN của Thủ tướng Chính phủ. Và chỉ gần một tháng sau, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai có các quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng, trong đó phần vốn tự có bắt buộc của mỗi dự án là 383 tỷ đồng. Trong khi, vốn điều lệ của 2 Công ty sở hữu 2 dự án này quá thấp, lần lượt là 21,1 tỷ đồng và 35 tỷ đồng.

Nhìn vào những con số thông kê và việc UBND tỉnh Gia Lai nhanh chóng phê duyệt chủ trương đầu tư cho đại gia phố núi Nguyễn Thị Sen đã khiến dư luận hoài nghi về năng lực yếu kém của chủ đầu tư nhưng lại xin dự án giỏi?

"Rào cản lớn nhất của các dự án điện gió là công tác quy hoạch và bổ sung quy hoạch. Việc này đúng lý ra nhà nước phải làm, nhưng với việc kinh phi đầu tư dự án quá lớn nên Chính phủ đã khuyến khích tư nhân thực hiện.

Việc các doanh nghiệp nước ngoài vào xin thủ tục đầu tư điện gió sẽ rất khó nên họ chờ các doanh nghiệp trong nước có quyết định chủ trương đầu tư sẽ nhảy vào góp vốn. Theo tôi được biết, đại sứ Hàn Lan và Đan Mạch đã đến Gia Lai làm việc và sẵn sàng rót vốn vào lĩnh vực điện gió.

Thời gian qua tôi cũng nghe rất nhiều về việc người nước ngoài mua lại dự án nhưng trên thực tế họ chưa đăng ký với Sở Công Thương. Hiện các dự án điện gió vẫn do người đăng ký kinh doanh ban đầu điều hành và chưa thực hiện điều chỉnh gì cả", ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Ô tô kinh doanh chở trẻ mầm non, học sinh phải sơn vàng đậm

Bắt đầu từ 1/1/2025, Nghị định 151/2024/NĐ-CP bắt buộc thi hành điều này đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.