Ngày 7/5, TAND tỉnh Gia Lai đã tuyên án đối với Lê Thị Tường Vân (SN: 1978, trú tại tổ 6, phường Yên Đỗ, TP.Pleiku, Gia Lai) 13 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đây là vụ án kéo dài hơn 10 năm, trải qua nhiều lần xét xử, từng gây xôn xao dư luận trong thời gian qua. Vụ án bị đình chỉ vào năm 2015 vì không có cơ sở buộc tội bị can.
Giữ nguyên bản cáo trạng
Theo cáo trạng, từ năm 2008 đến đầu tháng 11/2009, bà Tường Vân có quan hệ vay mượn tiền lãi ngày với các bị hại là Nguyễn Thị Phượng Tường (SN 1968), Huỳnh Thị Thúy Vân (SN 1966), Hồ Thị Xuân Dung (SN 1975, cùng trú TP. Pleiku).
Từ ngày 2 đến 4/11/2009, bà Tường Vân nói cần nhập lô hàng 20 ô tô về cho Công ty Tuấn Tài do ông Mai Anh Tuấn (chồng bà Vân) làm Giám đốc, bán trong dịp tết và đặt vấn đề vay tiền của các bị hại. Ngày 6/11/2009, bà Tường Vân cùng chồng đến nhà 3 bị hại vay tổng cộng 15,25 tỷ đồng, hẹn sau 4 ngày sẽ trả. Đến hẹn, bà Tường Vân không trả tiền nên 3 bị hại làm đơn tố cáo bà Vân lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên cơ quan công an. Sau đó, bà Tường Vân mới trả cho ba bị hại 970 triệu đồng.
Cùng thời gian này, bà Tường Vân tố cáo bà Nguyễn Thị Thùy Dương (SN 1980, trú TP. Pleiku) vay của mình hơn 25 tỷ đồng nhưng tuyên bố vỡ nợ, bỏ trốn. Trong số tiền này có 15,25 tỷ đồng vay của các bị hại.
Ngày 11/5/2010, Công an tỉnh Gia Lai tạm giam bà Tường Vân để điều tra. Sau nhiều lần hoãn và 2 lần xét xử sơ thẩm TAND tỉnh Gia Lai tuyên phạt bà Tường Vân lần lượt 15 năm và 19 năm tù. Tuy nhiên, các bản án sơ thẩm đều bị cấp phúc thẩm là TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên hủy, trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Đến ngày 12/8/2015, VKSND tỉnh Gia Lai ra Quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can. Tuy nhiên, ngày 26/7/2017, VKSND tỉnh Gia Lai ra hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án, khôi phục điều tra vụ án.
Điều đáng nói, trước khi bị truy tố, vợ chồng bà Tường Vân đã trả một phần tiền cho 3 bị hại và các bị hại đã đồng ý làm biên bản xoá nợ, hiện không còn tranh chấp về mặt dân sự.
Bỏ qua nhiều tình tiết để buộc tội?
Trước đó, Báo NNVN đã đưa tin, bà Tường Vân nhiều lần gửi đơn kêu oan lên các đồng chí lãnh đạo Trung ương; VKSND Cấp cao; TAND Cấp cao và các cơ quan tố tụng của tỉnh Gia Lai vì cho rằng mình không phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trong phần tranh luận tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo cho biết, đây là vụ án dân sự thể hiện việc cho vay lãi giữa 5 người trong vụ án.
Bản thân 3 người cho bà Tường Vân vay cũng thừa nhận việc cho vay này diễn ra liên tục trong thời gian dài. Sau đó, bà Vân cho bà Dương vay lại để hưởng chênh lệch. “Một sự việc rõ ràng như vậy nhưng rất tiếc trong cáo trạng của VKSND tỉnh Gia Lai không hề đề cập chuyện này. Cáo trạng này không nói đúng thực tế và cố tình muốn buộc tội bị cáo” – vị luật sư cho biết.
Cũng theo luật sư, trong cáo trạng, VKSND cũng không hề nói đến lãi vay giữa các bên mà chỉ nói vay để mua ô tô. Rồi hành vi lừa đảo chỉ nói về việc nói dối để mua 20 xe ô tô bán dịp tết. Với lãi suất 3%/ngày, thử hỏi làm sao mà vay để kinh doanh ô tô được. Việc vay giữa các bên là vì tin tưởng nhau chứ không phải hành vi nói dối như VKSND đã nêu.
Dựa trên các chứng cứ cũng có thể khẳng định, bà Tường Vân không nhận tiền của 3 người bị hại vào ngày 6/11/2009 mà chỉ viết giấy vay tiền mới cho số tiền còn nợ cho đến ngày 5/11/2009. Giấy vây tiền này bà Tường Vân đã viết ở nhà và đem giao cho từng người vào chiều ngày 5/11/2009. Rõ ràng VKSND đang dựng lên câu chuyện theo lời khai của 3 người cho vay để bẻ sang hướng khác.
Trong tin nhắn cũng đã thể hiện rất rõ, ngày 7/11/2009, bà Dung và Vân có nhắn tin vận động bà Tường Vân trả tiền. Thử hỏi, nếu ngày 6/11/2009 bà Tường Vân vay tiền thì sao có chuyện mới một ngày mà 3 người bị hại đã nhắn tin đòi tiền.
Từ chứng cứ lập luận cho thấy, giấy ghi nợ ngày 6/11/2019 là tiền cộng dồn của nhiều lần và không có chuyện bà Tường Vân lấy lý do vay tiền mua ô tô như bị truy tố. Bằng chứng là ngày này bà Tường Vân có mặt tại phòng công chứng số 1 (TP. Pleiku) để làm thủ tục chuyển nhượng tài sản cho người thân.
Đối với bà Nguyễn Thị Thùy Dương còn nợ bà Tường Vân hơn 25 tỷ đồng, dù đã có nhiều bằng chứng như: 101 tờ lịch ghi chép vay nợ; chứng từ chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng; băng ghi âm... nhưng vẫn không được cơ quan điều tra, tòa án chứng nhận.
Điều đáng nói, bà Tường Vân đã gửi đơn tố cáo bà Dương chiếm đoạt hơn 25 tỷ đồng nhưng không được các cơ quan tố tụng giải quyết.
“Rõ ràng VKSND tỉnh Gia Lai đang cố tình bỏ qua nhiều tình tiết để buộc tội bà Tường Vân” – vị luật sư khẳng định.