Lý Sơn là huyện đảo nằm phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý, với diện tích hơn 10km, dân số khoảng 22.000 người. Không những có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh, đảo tiền tiêu Lý Sơn còn là điểm đến kỳ bí, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Có những thời kỳ, du lịch đảo phát triển nóng, thu hút rất đông du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Bên cạnh việc mang lại lợi ích kinh tế rõ ràng cho địa phương, du lịch Lý Sơn cũng đứng trước hậu quả của việc tự phát làm du lịch, thiếu bài bản, chuyên nghiệp, giá cả thả nổi, cạnh tranh không lành mạnh, vệ sinh môi trường chưa bảo đảm.
Từ thực tế này, năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) và UBND huyện Lý Sơn đã triển khai mô hình du lịch cộng đồng “Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn”. Mục đích hướng tới khai thác toàn diện tiềm năng, thế mạnh của hòn đảo này để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch phục vụ du khách; góp phần giảm các hoạt động du lịch tự phát, thiếu chuyên nghiệp.
Mô hình du lịch cộng đồng “Kỳ bí đảo núi lửa Lý Sơn” được xây dựng dựa trên ưu thế về hoạt động nông nghiệp đặc trưng của đảo như thu hoạch hành, tỏi, đánh bắt hải sản truyền thống; ẩm thực phong phú và các điểm tham quan kỳ bí ở quanh đảo núi lửa.
Cùng vói đó là khai thác những câu chuyện kỳ bí từ thiên nhiên, văn hóa, con người Lý Sơn; tìm hiểu sâu sắc về lịch sử phát triển nơi đây. Mô hình tạo thành một chuỗi liên kết phục vụ du khách, bao gồm các dịch vụ hướng dẫn viên, vận chuyển, nhà hàng, khách sạn, homestay, dịch vụ trải nghiệm.
Ngoài việc phục vụ du khách bài bản và chuyên nghiệp hơn, lần đầu tiên, bà con được trang bị từ đồng phục đến bộ thuyết minh điểm đến chuyên sâu cũng như hình thành sản phẩm du lịch riêng như: lễ chào cờ ở quảng trường Hoàng Sa để cảm nhận sự thiêng liêng trên biển đảo tiền tiêu, tìm hiểu về tục thờ cá Ông, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa…
Nhưng hơn một năm qua, mô hình hoạt động chưa thật sự hiệu quả vì nhiều lý do chủ quan, khách quan. Do đó, cần nhìn lại và đánh giá cụ thể để đề ra giải pháp thiết thực. Mô hình đã có sự chung tay lần đầu tiên của 120 thành viên nhưng rất cần sự ủng hộ của các cấp chính quyền từ việc hỗ trợ chính sách, đầu tư kinh phí quảng bá, truyền thông, tập huấn nghiệp vụ cho đến việc nâng cao nhận thức cộng đồng, ngăn ngừa cạnh tranh không lành mạnh giữa các hoạt động du lịch tự phát.
Kinh nghiệm cho thấy ở đâu có sự hỗ trợ của địa phương, du lịch dễ phát triển hơn. Ngoài ra, mô hình cần được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đưa vào chuỗi liên kết nội và ngoại vùng cũng như định hướng phát triển mô hình giai đoạn tới.
Ngoài chính quyền các cấp, không thể thiếu sự đồng hành của các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh thông qua việc kêu gọi, khuyến khích từ các nhà quản lý du lịch địa phương. Đồng thời giới thiệu sâu rộng hơn tại các chương trình xúc tiến du lịch, các roadshow, các hội chợ trong và ngoài nước. Cùng với đó là tinh thần ủng hộ của chính những người con Quảng Ngãi, các “đại sứ du lịch địa phương” để sản phẩm du lịch Lý Sơn được phát huy hết hiệu quả, giúp bà con nơi đây vững lòng cùng nhau làm du lịch.