Với diện tích hơn 300ha, sản lượng tỏi (khô) bình quân 2.000 tấn/năm, tỏi Lý Sơn đã quen thuộc với người tiêu dùng. Tuy nhiên, tỏi Lý Sơn phần lớn chưa được chế biến sâu. Từ khi Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) dùng tỏi Lý Sơn để làm nguyên liệu chính trong chế biến nhiều mặt hàng thực phẩm, tỏi Lý Sơn đã có bước ngoặc mới cả trong sản xuất lẫn tiêu thụ.
Giám đốc Marketing cấp cao Masan Consumer Đinh Hồng Vân cho biết, nhiều người biết tỏi Lý Sơn qua tên gọi, hình ảnh chứ chưa có cơ hội thưởng thức. Với việc sử dụng 100% tỏi Lý Sơn trong chế biến các sản phẩm nước chấm, Masan Consumer không chỉ giúp người tiêu dùng trong và ngoài nước có cơ hội thưởng thức đặc sản của đảo tiền tiêu, mà còn nâng cao giá trị thương hiệu tỏi Lý Sơn.
Việc Masan Consumer kí kết hợp tác tiêu thụ dài hạn tỏi Lý Sơn cũng đã giúp người dân ổn định thu nhập, yên tâm sản xuất. Bà Mai Thị Giàu, thôn Tây An Hải (Lý Sơn, Quảng Ngãi) cho biết, từ khi có doanh nghiệp kí kết hợp đồng thu mua, giá tỏi luôn ở mức 110 - 120 nghìn đồng/kg, cuộc sống gia đình cũng ổn định hơn.
"Vụ tỏi vừa rồi, tôi chỉ sử dụng phân bón và thuốc vi sinh, không dùng các loại thuốc diệt cỏ hoặc thuốc trừ sâu. Cách làm này vừa giúp gia đình tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa bảo vệ sức khỏe bản thân, không gây ô nhiễm môi trường mà năng suất tỏi cũng tăng", bà Giàu phấn khởi.
Giám đốc Marketing cấp cao Masan Consumer Đinh Hồng Vân bày tỏ, thị trường xuất khẩu yêu cầu khắt khe về chế tài an toàn thực phẩm, nhất là các chỉ tiêu về dư lượng thuốc BVTV, hàm lượng chất gây ô nhiễm... Nếu hàng hóa không đáp ứng thì có nguy cơ bị trả về hoặc tiêu huỷ tại chỗ, thiệt hại không chỉ là kinh tế mà hơn hết là uy tín.
Chính vì vậy, nếu muốn tỏi Lý Sơn ổn định và vươn xa ra thị trường thế giới, ngoài chiến lược xây dựng và quảng bá thương hiệu bài bản, cần phải thay đổi khâu sản xuất theo quy trình an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn GlobalGAP, HACCP…
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, bà Phạm Thị Hương cho rằng, để giải quyết bài toán trên, việc đầu tiên phải làm ngay là nông dân thay đổi thói quen sản xuất, chính quyền địa phương gấp rút quy hoạch vùng trồng đủ điều kiện để được cấp mã số nhằm đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, huyện cũng ưu tiên nguồn lực và thu hút nhà đầu tư hệ thống logistics, hạ tầng vùng sản xuất chuyên canh tỏi an toàn, thân thiện với môi trường gắn với du lịch sinh thái, cộng đồng...