Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa thông qua đề nghị thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm và 8 đảng viên.
Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Khánh Hòa đã quyết định thi hành kỷ luật đối với các ông Nguyễn Tấn Đạt, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Cam Lâm; Huỳnh Quốc Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lâm với hình thức cảnh cáo; đồng thời thi hành kỷ luật đối với ông Mai Như Chi, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lâm với hình thức khiển trách.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Khánh Hòa đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm và các ông Lương Dự, nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lâm; Nguyễn Hữu Hảo, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân, nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2020 - 2025, nguyên Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm nhiệm kỳ 2016 – 2021; Nguyễn Trí Tuân, Phó Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lâm nhiệm kỳ 2016 – 2021; Lê Anh Tùng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cam Lâm và bà Lê Phạm Thùy Ngân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cam Lâm.
Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Khánh Hòa, từ ngày 1/1/2018 đến ngày 30/6/2021, Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lâm nhiệm kỳ 2015 - 2020 và nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã vi phạm quy chế làm việc. Cũng như thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để UBND huyện tự đặt ra thủ tục “hiến đất” làm đường không đúng thẩm quyền của UBND cấp huyện, không nghiêm túc chấp hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh, vi phạm quy định pháp luật về đất đai.
Từ đó cho phép 114 trường hợp tặng cho đất, tự nguyện trả lại đất cho nhà nước để tự làm đường, tách thửa và đã tách tổng cộng thành 2.350 thửa với tổng diện tích đất hơn 57 ha. Cũng như để nhiều cán bộ chủ chốt của huyện thiếu gương mẫu, vi phạm nghiêm trọng pháp luật đất đai đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Những khuyết điểm, vi phạm nêu trên, theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Khánh Hòa đã làm ảnh hưởng đến quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật và tính đồng bộ trong quy hoạch trên địa bàn huyện. Cũng như ảnh hưởng lâu dài đến công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng, đến sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Cũng như gây hậu quả rất nghiêm trọng, bức xúc trong dư luận xã hội và nguy cơ gây thất thu cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm nêu trên trách nhiệm thuộc về các ông, bà trên.
Trước đó, ngày 28/6, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã thông tin về kết luận số 24 của UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ ra những vi phạm trong việc phân lô, bán nền trên địa bàn huyện Cam Lâm.
Theo kết luận của UBND tỉnh Khánh Hòa, trong quy định của Luật Đất đai không có khái niệm về “hiến đất", mà chỉ có quy định trường hợp Nhà nước thu hồi đất do người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất hoặc người sử dụng đất tặng cho quyền sử dụng đất xây dựng công trình công cộng. Việc người sử dụng đất có đơn đề nghị “hiến tặng” đất cho Nhà nước sau đó người sử dụng đất tự đầu tư xây dựng hạ tầng về giao thông, thoát nước, dựng trụ điện trên đất đã “hiến tặng” theo phương án đầu tư xây dựng đã được UBND huyện Cam Lâm chấp thuận, để từ đó thực hiện việc tách thửa.
Cụ thể, đoàn liên ngành phát hiện trường hợp thửa đất số 24, tờ bản đồ số 03 tại tổ dân phố Bãi Giếng 1 (thị trấn Cam Đức) do bà Trần Thị Phương Hà đứng tên với diện tích hơn 5,801m2, đất trồng cây lâu năm thời hạn sử dụng đến ngày 1/7/2020.
Tháng 7/2019, bà Hà có văn bản hiến tặng một phần quyền sử dụng đất của mình cho nhà nước để xây dựng công trình công cộng và được UBND thị trấn Cam Đức xác nhận. Sau đó người này tiến hành các thủ tục để tách thửa 23 thành 3 thửa, cụ thể một thửa xin hiến đất làm đường giao thông và một thửa chuyển nhượng cho ông Lương Công Danh.
Sau đó, bà Hà và ông Danh nộp hồ sơ đề nghị tách 2 thửa thành 6 thửa rồi tiếp tục tách các thửa lớn thành các thửa nhỏ và nộp hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất toàn bộ thửa nói trên từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở đô thị.
Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại huyện Cam Lâm tiến hành tách 6 thửa trên thành 55 thửa theo đề nghị của người sử dụng đất. Sau đó các thửa đất này được ông Danh, bà Hà chuyển nhượng cho người khác.
Tương tự tại khu đất ở thôn Bãi Giếng 2 thuộc thửa đất số 270 tờ bản đồ 22 với diện tích hơn 4.406m2 và thửa số 11 tờ bản đồ số 22 với diện tích hơn 5.375m2 do bà Hà sở hữu đã hợp thành thửa đất số 271 tờ bản đồ số 22 cũng thực hiện hiến đất làm đường để thực hiện phân lô tách thửa.
Theo đó, từ thửa đất 271, bà Hà đã tách thành 67 thửa nhỏ và chuyển nhượng thành công 42 thửa cho các chủ sử dụng khác; 11/67 thửa còn lại đang được Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Cam Lâm giải quyết.
Ngoài ra, ông Lương Công Dân và Vũ Đình Chinh với diện tích hơn 6.977m2 (tại thửa đất 656, tờ bản đồ số 12 ở xã Cam Hải Tây), chủ yếu là đất nuôi trồng thủy sản đã chuyển đổi thành đất ở nông thôn. Sau đó, ông Dân và ông Chinh đã hiến đất làm đường và tách thành 74 thửa nhỏ chuyển nhượng cho các chủ sử dụng khác.
Do đó, đoàn kiểm tra cho rằng, mục đích việc “hiến đất” nhằm phục vụ nhu cầu lợi ích của cá nhân để thực hiện phân lô, bán nền, không phải là việc tặng cho quyền sử dụng đất để nhà nước thực hiện các công trình công cộng vì mục đích chung theo quy định. Cũng như việc hiến đất làm đường cũng không phù hợp với quy định về trường hợp người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất do không còn nhu cầu sử dụng theo luật Đất đai.
Việc UBND huyện Cam Lâm chấp thuận phương án tách thửa với số lượng lớn nhưng không xem xét đến quy định về kinh doanh bất động sản, không yêu cầu người sử dụng đất thực hiện việc lập doanh nghiệp khi thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các thửa đất được tách là không phù hợp với quy định của pháp luật về bất động sản…
Trước những tồn tại, hạn chế trên, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu UBND huyện Cam Lâm tiến hành hủy các quyết định chuyển mục đích sử dụng đất và các văn bản chấp thuận cho phép hiến đất làm đường giao thông đối với các trường hợp nêu trên; đồng thời tiến hành, kiểm tra xử lý về quản lý trật tự xây dựng đối với các khu vực đã xây dựng hạ tầng…