| Hotline: 0983.970.780

Kỹ thuật nhân giống vô tính cây hồng không hạt

Thứ Năm 31/10/2024 , 09:34 (GMT+7)

Hồng không hạt là cây ăn quả á nhiệt đới, có khả năng chịu hạn, chịu lạnh tốt, trồng trên chân đất nghèo dinh dưỡng vẫn cho năng suất, chất lượng quả cao.

1. Vật tư và dụng cụ dùng nhân giống

Vật tư và dụng cụ dùng nhân giống vô tính cây hồng không hạt gồm: Hạt quả cậy hoặc hạt quả hồng cổ để gieo lấy cây làm gốc ghép; cành hồng không hạt (tuỳ giống) để lấy mắt hoặc cành ghép; đất ruộng khô ải, trấu trắng, lân supe và chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma làm giá thể đóng bầu; cát sạch để làm nền ươm cây gốc ghép; túi nilon chuyên dụng kích thước 11 x 13cm để làm vỏ bầu giiá thể; dao, kéo và nilon ghép; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho chăm sóc cây giống.

Kỹ thuật ghép đoạn cành nhân giống cây hồng không hạt tương tự như cách ghép nêm trên cây ổi. Ảnh: Hải Tiến.

Kỹ thuật ghép đoạn cành nhân giống cây hồng không hạt tương tự như cách ghép nêm trên cây ổi. Ảnh: Hải Tiến.

Yêu cầu: Cành giống phải là cành bánh tẻ lấy từ những cây hồng không hạt đầu dòng, khoẻ mạnh, sạch bệnh, nhiều quả, được các cơ quan chức năng công nhận và cho phép phổ biến ra sản xuất đại trà. Mỗi cành hồng giống phải có từ 12 - 15 mắt ngủ đã nhô lên bằng bằng hạt gạo ở các lách lá. Cành giống mang về phải cắt bỏ hết lá và phần non của ngọn rồi dùng khăn tắm ẩm bọc kín, để nơi thoáng mát, sau lấy ra cắt lấy mắt giống để ghép, bảo quản cành giống theo cách này vừa thuận tiện cho vận chuyển đi xa, vừa cho phép sử dụng mắt ghép được tới 12 - 15 ngày.  

2. Giá thể đóng bầu

Lấy đất mặt ruộng khô ải làm nhỏ, trộn đều với trấu trắng (tỷ lệ 1 : 10 về thể tích) và chế phẩm Trichoderma (dùng theo khuyến cáo của nhà sản xuất). Sau đó vun hỗn hợp này thành nấm, dùng màng phủ nông nghiệp bao kín 2 - 3 tháng, mở ra đảo đều với lân supe rồi đóng bầu, liều lượng trộn 20kg lân/m3 giá thể.

3. Ươm cây gốc ghép

Thời vụ gieo ươm cây gốc ghép vào tháng 10 âm lịch. Làm luống trên ruộng hoặc vườn nhà, đảm bảo tiêu thoát nước tốt, sau đó san phẳng mặt luống, rải 1 lớp cát sạch dày đều 5 - 7cm lên trên rồi tiến hành gieo hạt cậy hoặc hạt hồng, sau đó tưới đẫm nước, phủ thêm lớp cát mỏng lấp kín hạt giống. Làm vòm nilon che mưa và tưới giữ ẩm thường xuyên cho vườn ươm.

Khi các cây gốc ghép ra được 2 lá thật đã chuyển màu bánh tẻ (25 - 30 ngày sau gieo), bứng lên trồng vào các bầu giá thể, mỗi bầu trồng 1 cây rồi xếp lần lượt từng bầu giáp nhau trên luống và chăm sóc. Khoảng 3 tháng sau, cây trong bầu sẽ phát triển cao 18 - 22cm, tiến hành giãn thưa bầu cây để các lá không giao nhau, kết hợp vun đất và bón thúc phân vào giữa các bầu giá thế nhằm giúp cho cây phát triển nhanh, liều lượng bón/sào 360m2 gồm 20kg NPK + 400kg phân gia cầm hoai mục.

Vườn cây cậy gieo làm cây gốc ghép giống hồng không hạt. Ảnh: Hải Tiến.

Vườn cây cậy gieo làm cây gốc ghép giống hồng không hạt. Ảnh: Hải Tiến.

4. Ghép giống

Có hai phương pháp chính cho nhân giống cây hồng không hạt gồm ghép đoạn cành (còn gọi là ghép khúc, ghép nêm) và ghép mắt nhỏ (thường gọi ghép lưỡi gà, vì hình dáng mắt ghép và vết ghép giống như cái lưỡi gà). Trong đó phổ biến nhất là ghép đoạn cành vì kỹ thuật ghép đơn giản, tỷ lệ sống của giống sau ghép đạt cao. Ghép lưỡi gà đỡ tốn mắt giống nhưng đòi hòi nhiều công đoạn sản xuất phức tạp, cây giống sau ghép cũng không khoẻ bằng cây giống ghép đoạn cành.

4.1. Ghép đoạn cành

Thời vụ tốt nhất, ghép trong 11 âm lịch. Cắt cành giống thành từng đoạn ngắn, mỗi đoạn cành có chứa 2 - 3 mắt ngủ (đốt lá). Dùng dao ghép cắt vát bỏ đi một góc đoạn cành giống dài khoảng 2cm để mở ra một đầu ghép hình nêm lệch, có góc nghiêng 55 - 60 độ, đồng thời trên cây gốc ghép tiến hành cắt bỏ ngọn tại vị trí thân cây có màu bánh tẻ và cách mặt bầu cây khoảng 40cm.

Dùng dao ghép chẻ nhẹ mở ra một miệng ghép sâu 2cm tại vị trí 1/4 đường kính vết cắt ngang vừa mở ra trên cây gốc ghép. Cắm đầu đoạn cành giống hình nêm vào miệng ghép, dùng băng nilon quấn chặt vết ghép và toàn bộ đoạn cành giống sao cho nước và không khí không thể thẩm thấu vào trong vết ghép. Cách ghép này cũng như ghép nhân giống các cây nhãn, vải, ổi, hồng xiêm...

Giống hồng không hạt LT -1 trồng ở Na Rì (Bắc Cạn). Ảnh: Hải Tiến.

Giống hồng không hạt LT -1 trồng ở Na Rì (Bắc Cạn). Ảnh: Hải Tiến.

4.2. Ghép lưỡi gà

Thời vụ tiến hành trong tháng 7 âm lịch. Dùng dao ghép khía và tách nhẹ lấy một mắt ngủ trên cành giống theo hình lưỡi gà và dùng dao mở ra một miệng ghép tại vị trí cách gốc 35 - 40cm và ở giữa 2 đốt lá, kích thước vừa bằng mắt ghép mới lấy ra trên cành hồng giống. Áp mắt ghép vào miệng ghép rồi dùng băng nilon quấn chặt 1 vòng quanh vết ghép, tiếp tục quấn mở rộng lên trên và dưới vết ghép để đảm bảo nước và không khi không thể thấm lọt vào vết ghép.   

Cách ghép này cũng giống như kỹ thuật ghép mắt nhỏ có gỗ trên các cây ăn quả có múi, có khác biệt là mắt giống phải lấy trên những cành trẻ về tuổi sinh lý (cành tơ) để dễ bóc tách và không làm giập vỡ mắt giống. Tuyệt đối không để dính bất kỳ một lát gỗ mỏng nào vào mắt giống, phải sử dụng băng nilon ghép dày hơn và chỉ được quấn 1 vòng quanh vết ghép. Sau ghép khảng 25 - 30 ngày, mắt giống đã tiếp hợp gắn liền với thân cây gốc ghép phải gỡ bỏ nilon bao quanh vết ghép, đồng thời cắt bỏ ngọn cây gốc ghép để mắt giống nhanh ra mầm và vươn cành khoẻ.

Chăm sóc: Tưới dưỡng ẩm thường xuyên cho vườn cây giống, ngắt bỏ sớm các mầm (dại) mọc ngoài mắt ghép hoặc đoạn cành ghép, theo dõi để phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu hại chính gồm bọ trĩ và sâu ăn lá.

5. Xuất vườn

Từ gieo ươm cây gốc ghép tới cây giống đủ tiêu chuẩn xuất vườn cần thời gian từ 14 - 15 tháng. Trong đó từ khi ghép mắt giống tới xuất vườn cây giống chỉ cần hơn 2 tháng. Yêu cầu cây giống xuất vườn phải cao 60 - 70cm, đường kính gốc khoảng 1cm, cành giống dài 25 - 35cm, các lá trên cành đã chuyển màu bánh tẻ và sạch sâu bệnh.

Chú ý: Hồng không hạt là giống cây á nhiệt đới, đòi hỏi hàng năm phải có hơn 1 tháng nhiệt độ không khí xuống thấp 8 - 11 độ C để cây phân hoá mầm hoa, đậu quả hữu hiệu. Theo đó, chỉ một số địa phương ở Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc nước ta mới trồng được hồng không hạt.

Kỹ thuật ghép này áp dụng chung cho nhân giống vô tính các giống hồng không hạt như hồng vuông (Sơn La), hồng Bảo Lâm (Lạng Sơn), hồng Gia Thanh (Phú Thọ), hồng TL -1 (Viện Nghiên cứu Rau quả)...

Xem thêm
Khó tháo nút thắt môi trường trong chăn nuôi tập trung

Nghệ An Huyện Yên Thành có thế mạnh về chăn nuôi tập trung với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, tuy nhiên điều này cũng làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Cải tạo đồi cằn trồng na trái vụ, giá trị hơn 1 tỷ đồng/ha

Lào Cai Từ những vùng đất đồi cằn cỗi, nhờ dày công cải tạo đất, áp dụng đồng bộ kỹ thuật chăm sóc, cây na đã cho ra quả trái vụ, giá trị hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.