Sau đây xin giới thiệu bà con nông dân phương pháp kỹ thuật ghép xoài để bà con tham khảo.
Làm vườn ươm cây gốc ghép: Chọn ruộng đất cát pha, tưới tiêu thuận lợi. Cày ải và làm đất nhỏ mịn. Thu dọn sạch cỏ dại, kết hợp lên luống rộng 1m, cao 20cm, rãnh luống rộng 25-30cm. Hạt giống lấy từ các loại xoài bản địa, tốt nhất là lấy hạt quả quéo. Loại bỏ phần vỏ gỗ bên ngoài và bóc lột lớp vỏ lụa bao hạt.
Gieo lần lượt từng hạt giống trên mặt luống cách nhau 2-3cm, sau vét đất ở rãnh phủ kín hạt, dày khoảng 3cm. Cuối cùng, làm vòm lưới tản quang che mưa nắng cho từng luống ươm cây và tưới giữ ẩm thường xuyên.
Khoảng 20-30 ngày sau, tùy theo thời tiết, hạt giống nảy mầm đều dỡ bỏ lưới nilon che luống. Khi cây cao khoảng 20cm, các lá lộc trên ngọn chuyển màu xanh lục, tiến hành ra ngôi ngay (nhổ từng cây đưa trồng vào bầu giá thể). Xoài là cây đa phôi, 1 hạt giống gieo cho từ 3-5 cây con. Nên cần ra ngôi theo thứ tự, cây già, cứng, khỏe ra ngôi trước, cây non, yếu, mềm ra ngôi sau.
Chú ý: Ra ngôi ngay khi lộc cây vừa chuyển màu xanh lục (lộc già), không nên để cây ra lộc lần 2 mới ra ngôi. Nhổ cây trồng lên bầu nhẹ nhàng, tránh làm đứt bộ rễ. Có thể mua hạt đã tách vỏ từ các cơ sở chuyên doanh hạt giống xoài ở miền Nam, để gieo ươm cho nhu cầu nhân nhanh lượng lớn cây giống.
Làm bầu ra ngôi cây gốc ghép: Chọn túi bầu nilon đen kích thước 12 x 14 có lỗ thoát nước ở đáy. Giá thể đóng bầu gồm đất thịt nhỏ ải, phối trộn đều với phân hữu cơ vi sinh, định lượng, 1m3 đất ải + 120 -150kg phân hữu cơ vi sinh.
Đóng giá thể đầy cách miệng bầu 2cm, bứng nhẹ từng cây gốc ghép trồng vào giữa bầu, sau phủ đất đầy bầu lấp kín rễ cây, rồi xếp từng bầu giáp nhau trên mặt luống cao, thoát nước. Bón phân, tưới giữ ẩm và phòng trừ sâu bệnh cho vườn ươm, tới khi cây cao chừng 1m mới tiến hành ghép giống.
Chọn giống ghép: Tùy theo nhu cầu thị trường hoặc hợp đồng sản xuất giống với đối tác, để tiến hành khai thác mắt ghép từ các cây xoài giống Úc, Thái Lan, 4 mùa hoặc xoài Yên Châu,… Yêu cầu mắt giống phải được lấy từ những cây mẹ sạch sâu bệnh, sai quả, chất lượng tốt. Và chỉ lấy mắt ghép trên các cành mọc ngang tán trở xuống, không lấy cành chỏng, cành ngọn, cành mọc lòa xòa tưới tán.
Cành giống thu về, cần được cắt chia thành từng khúc/đoạn cành có từ 3-4 đốt lá/mắt ngủ. Và cũng chỉ lấy những đoạn cành giống mang màu bánh tẻ. Không lấy các đoạn cành giống quá già. Tốt nhất lấy đoạn búp cành già, sau ghép mắt giống sẽ bật mầm nhanh.
Lưu ý: Các đoạn cành giống sau phân cắt, cần buộc thành từng bó, gốc, ngọn cùng chiều, sau bọc trong khăn vải cotton ẩm, bảo quản nơi thoáng mát, để ghép dần trong 1-2 ngày.
Kỹ thuật ghép: Tốt nhất là áp dụng kỹ thuật ghép đoạn cành. Thời vụ tiến hành, nên bắt đầu từ tháng 2-3 hoặc tháng 7-11 Âm lịch. Trước ghép giống 25-30 ngày, phải tăng chăm bón cho cây gốc ghép khỏe mạnh, nhiều nhựa, tượng tầng hoạt động tốt, tăng khả năng tiếp hợp giữa mắt ghép và gốc ghép.
Cách ghép: Trên cây gốc ghép, cắt bỏ đoạn ngọn tới vị trí thân gốc mang màu bánh tẻ (dài khoảng 40cm), nhưng cần để lại 1 số lá cho cây quang hợp. Sau dùng dao chuyên dụng cắt vát từ phía gốc lên, mở ra một miệng ghép dài 2,5-3,0cm, góc cắt rộng 25-30 độ.
Trên gốc của đoạn cành giống cũng cắt mở ra một miệng ghép tương tự, nhưng ở chiều ngược lại và góc cắt rộng 65-60 độ. Áp các miệng ghép của đoạn cành giống và cây gốc ghép trùng vào nhau, vừa kéo dài vừa kết hợp vê dải nilon ghép xoắn như sợi thừng và quấn 5-6 vòng thật chặt quanh vết ghép, cuối cùng kéo phẳng dải băng nilon ghép, bao kín toàn bộ đoạn cành giống và vết ghép, sao cho mưa và không khí không thấm lọt vào bên trong. Sau ghép khoảng 20-30 ngày tùy thời vụ, mắt giống sẽ bật mầm.
Chăm sóc cây giống sau ghép: Sau ghép giống khoảng 2 tháng, mầm ghép dài 15-25, các lá lộc đã chuyển màu xanh lục, có thể cho xuất vườn. Trong thời gian này cần tưới nước đủ ẩm, bón cân đối NPK, tỉa bỏ triệt để các mầm dại mọc ngoài mắt ghép. Theo dõi phòng trừ kịp thời một số đối tượng sâu bệnh hại như thán thư, đốm lá, rầy xoài.