Với hơn 1.000m2 nhà lưới, nhà màng, anh Nguyễn Trọng Tú ở thị trấn Nông Trường (huyện Mộc Châu, Sơn La) đã sản xuất được trên 3 triệu cây rau giống/năm, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng
Sản xuất được số lượng ”khủng” các loại rau giống nêu trên là do anh Tú được Dự án Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) chuyển giao kỹ thuật, chọn mua hạt giống khỏe, gieo ươm rau trên giá thể sạch trùng trong nhà kính, kết hợp ghép giống cho những cây rau có giá trị kinh tế cao... Nhờ vậy, tỷ lệ nảy mầm của hạt giống đạt gần 100%, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu, không bị nấm, virus, vi khuẩn, tuyến trùng gây hại.
"Có được nguồn thu nhập cao như hiện nay tôi cũng phải trải qua rất nhiều lần thất thu lớn, lần đầu do gieo hạt trực tiếp trên đất, không có nhà kính bao che, cây giống bị mưa, nắng và nấm bệnh hại gần hết. Lần 2, tôi được FAO Việt Nam hỗ trợ nhà kính và khay, giá gieo hạt, nhưng không lường trước sự chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm quá lớn (trên 10 độ C) khiến cây giống mới ghép không đủ sức thích ứng, bị chết mất hơn 50.000 cây giống cà chua, ớt chuông và dưa lê Happy 7. Lần 3 do đưa cây giống từ trong nhà kính bán ngay cho người dân, không qua giai đoạn huấn luyện nên sau trồng rau bị chết nhiều, phải đền bù thiệt hại khá lớn cho các hộ đã mua", anh Tú trải lòng.
Sau khi được tập huấn kỹ thuật từ FAO, anh Tú biết, khí hậu Mộc Châu (Sơn La) cũng như Đà Lạt (Lâm Đồng), trong cùng ngày có thể xảy ra 4 trạng thái thời tiết khác nhau, thậm chí trong cùng địa bàn bản, xã cũng có chỗ mưa, chỗ nắng hoặc sương giăng mù mịt, làm cho các mạch dẫn trong cây rau mới ghép không thể tiếp hợp, bị sốc phản vệ, chết hàng loạt.
Sau khi được tập huấn, để ghép rau giống, anh Tú phải nghe dự báo thời tiết khu vực dài hạn, chỉ tiến hành gieo, ghép giống vào những ngày khô ráo, chênh lệch nhiệt độ không khí ngày/đêm thấp, đồng thời còn phải huấn luyện cho cây giống thích ứng dần với môi trường tự nhiên, tới khi cây sống khoẻ, thuần thục mới xuất bán cho người trồng.
Theo anh Tú, kỹ thuật ghép rau giống rất đơn giản, chỉ cần nhanh mắt nhanh tay, vát bỏ ngọn gốc ghép, luồn ống cao su chuyên dùng vào thân gốc rồi cắt ngọn cây giống cắm vào ống cao su sao cho 2 vết cắt trùng khớp nhau, không để nước thấm vào bên trong vết ghép là đạt yêu cầu.
Hạt cây gốc ghép cần gieo trước hạt cây lấy ngọn giống ghép từ 5 - 30 ngày. Chú ý, phải chọn cây giống ghép có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu bệnh và chịu nhiệt tốt, cây gốc ghép cũng phải chọn giống chống chịu tốt nấm, vi khuẩn và tuyến trùng sinh ra từ đất. Tại khu vực Mộc Châu cho phép trồng cây rau giống ghép quanh năm, tốt nhất trồng bằng giống cà chua ghép lên gốc cà chua Potan (Hàn Quốc).
Ông Giàng A Kia ở bản Phiêng Tiến, xã Phiêng Luông (Mộc Châu) mua cây giống bắp cải và cà chua của anh Tú về trồng, đạt tỷ lệ sống gần 100%, cây rau sinh trưởng, phát triển khoẻ, chất lượng cao, đạt lợi nhuận 1 - 1,2 tỷ đồng/ha (tuỳ mùa vụ).
Ông Giàng A Kia cho biết, trồng cây rau giống ghép cho khả năng chống chịu tốt những bệnh khó phòng trị, chưa có thuốc phun trừ đặc hiệu như héo xanh, héo vàng và tuyến trùng sinh ra từ đất. Qua đó giúp kéo dài thời gian cho thu hoạch quả, tăng năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả trồng trọt.
Ông Giàng A Sư ở bản Bó Bun (thị trấn Nông Trường) kể, do không có nhiều đất canh tác, ông luôn phải chọn mua những giống rau quả ghép sẵn và có giá trị kinh tế cao để trồng như dưa lưới và cà chua sinh trưởng vô hạn. Nhờ đó, cây rau sau trồng ít bị nhiễm bệnh, sai hoa, nhiều quả, cho thu nhập cao (gần 2 tỷ đồng/ha canh tác/năm)...
"Sản xuất rau giống trong nhà kính sẽ rút ngắn được thời gian sinh trưởng của giống khoảng 5 - 7 ngày, giúp tăng vụ sản xuất và tăng sản lượng giống xuất vườn. Chỉ nên ghép giống đối với những cây rau có giá trị kinh tế cao như dưa lê Happy 7, cà chua sinh trưởng vô hạn... Các giống rau khác như bắp cải, su hào, súp lơ, cần tây, cải thảo, cải xoăn, ớt cay... chỉ cần gieo thực sinh", theo anh Tú.