Ông đã "khai sinh" cuộc đời mới cho họ sau mất mát, đau thương.
Mất mát, đau thương
Năm 1999, tỉnh Thừa Thiên - Huế là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận lũ lịch sử. Sự cố vỡ đập Hòa Duân đã xóa sổ làng Hải Thành với 64 ngôi nhà, 14 người dân thiệt mạng.
Trong tâm trí của những người dân làng Rồng giờ đây, dường như không ai muốn nhắc đến kí ức kinh hoàng ấy, thế nhưng họ chẳng bao giờ quên được.
Bà Trịnh Thị Điểm (50 tuổi), một trong những người đã may mắn sống sót trong cơn lũ dữ năm ấy bàng hoàng kể lại: Lúc đó, khoảng 11h đêm đầu tháng 11/1999, nước lũ bỗng nhiên tràn về dữ dội, nước mạnh đổ xô về làm vỡ toang thân đập Hòa Duân và cuốn phăng đi tất cả. Nhà cửa và người dân bị nước lũ cuốn trôi.
Lúc đó, bà Điểm đang ở trong ngôi nhà của mình, nước chảy mạnh đã kép sập ngôi nhà của bà. Bà Điểm cùng đứa con 5 tháng tuổi trong bụng cũng bị nước cuốn trôi. Giữa dòng lũ dữ, bà may mắn vớ được cây dương và sống sót.
“Lúc ấy tôi cố gồng hết sức lực để bám chặt vào thân cây dương. Gần 1 tiếng vật lộn dưới nước, người ngợm, chân tay bủn rủn vì đuối sức, nước lạnh nên đứa con trong bụng đạp liên tục. Trong suy nghĩ lúc đó là mình không thể sống sót, nhưng may mắn có người phát hiện gọi bộ đội tới dùng dây thừng kéo tôi vào”, bà Điểm bàng hoàng nhớ lại.
Anh Hoàng Kha Ngọc (48 tuổi) một người dân khác ở làng Rồng cũng ngậm ngùi nhớ lại: "Lúc đó, cả làng ai cũng lo thu dọn để tránh lũ nhưng nước dâng lên quá nhanh nên một số người đã không kịp trở tay. Không còn một thứ gì sót lại trên mặt đất sau khi lũ đi qua. Dù không còn nhà cửa nhưng gia đình tôi còn may mắn giữ được mạng sống".
Không được may mắn như gia đình bà Điểm hay ông Ngọc, vào cái đêm định mệnh ấy, 12 người gia đình ông Trần Văn Thu (55 tuổi) gồm cha mẹ, vợ con, em trai, em dâu và đứa cháu đã vĩnh viễn ra đi vì nước lũ. Giờ đây, dù đã chai sạn vì sương gió, ông Thu vẫn không thể nên lời mỗi khi nhắc lại.
Hồi sinh trên vùng đất mới
Những ngày sau khi cơn lũ đi qua, cảnh tan hoang và đau thương bao trùm khắp ngôi làng Hải Thành. Sau đó, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, những người lính Quân khu 4 đã khẩn cấp tái thiết cuộc sống mới cho 64 gia đình bằng một ngôi làng mới tọa lạc ngay tại thị trấn Thuận An (là làng Rồng hiện nay).
Theo người dân nơi đây kể lại, năm 2000, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã về thăm làng mới, lúc đó làng tái định cư vẫn chưa có tên. Có người nói hay đặt tên là làng lũ, làng Hải Thành... nhưng Tổng Bí thư thấy tên vậy nghe buồn, ông đã đặt tên là làng Rồng với mong muốn người dân hãy mạnh mẽ đứng lên sau đau thương, mất mát.
Nhờ sự giúp đỡ của các cấp chính quyền và đặc biệt là sự quan tâm, động viên tinh thần của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, người dân làng Rồng đã không ngừng nỗ lực vươn lên nên đời sống ngày càng được cải thiện.
Giờ đây, hơn 20 năm sau trận lũ kinh hoàng đó, ở làng Rồng nhiều nhà cao tầng kiên cố mọc bên những con đường nhựa phẳng lì. Cách không xa, rặng phi lao nơi ngôi làng năm xưa giờ là những bãi tắm với bờ cát trắng mịn và hàng quán mọc lên san sát. Người dân làng Rồng hôm nay, ai nấy đều có công việc làm ăn thuận lợi, cuộc sống của người dân đang đi lên từng ngày.
“Toàn thôn có 11 nhà 2 tầng, 9 em đỗ đại học, 6 em cao đẳng. Cả làng hiện không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân khoảng 3,5 triệu đến 5 triệu đồng/tháng, nhiều hộ đã khá giả. Vui mừng nhất là người dân luôn yêu thương đùm bọc lẫn nhau, không có tệ nạn xã hội xảy ra” ông Nguyễn Sáu, Tổ trưởng làng Rồng vui vẻ cho biết.
Thương nhớ bác Lê Khả Phiêu
Có mặt tại làng Rồng trong những ngày này, dưới cái nắng nóng, oi bức của tiết trời lập thu, người dân về tập trung tại nhà văn làng Rồng dọn dẹp, sửa sang để làm lễ dâng hương, dâng hoa, tưởng nhớ bác Lê Khả Phiêu, người đã "khai sinh" cuộc đời mới cho người dân nơi đây, trên khuôn mặt ai cũng hiện một nỗi buồn.
Theo những người dân làng Rồng, từ sau ngày đặt tên làng, cứ mỗi dịp tết hay lễ, bác Lê Khả Phiêu cũng đều về thăm làng hoặc gửi quà tặng cho bà con nơi đây.
“Năm nào cũng vậy, bác về thăm cũng mang theo những thùng quà gồm bánh, kẹo và mứt. Khoảng vài năm trở lại đây do sức khỏe yếu nên bác không vào thăm được, nhưng bác vẫn gửi quà. Chúng tôi đang định ra thăm bác nhưng do dịch chưa đi được, không ngờ nhận được hung tin bác mất”, bà Trần Thị Hoa, một người dân làng Rồng ngậm ngùi.
Cũng có mặt tại nhà văn hóa làng Rồng, bà Huỳnh Thị Mân (56 tuổi) nhớ lại, cứ mỗi lần bác Lê Khả Phiêu vào thăm là dân làng Rồng chúng tôi lại vui mừng tập trung đến nhà nhà văn hóa như là để đón người thân trở về. Sau đó, bác đi thăm từng nhà, động viên từng người trong làng.
“Người dân làng Rồng chúng tôi luôn khắc sâu tình cảm của bác như người cha già đã sinh chúng tôi ra lần nữa. Ai cũng nói, có bác mới có được ngày hôm nay. Nghe tin Bác mất bà con ai cũng không cầm được nước mắt. Vì dịch bệnh không thể ra để viếng bác, nên mọi người lập bàn thờ bác ở nhà văn hóa này để người dân được thắp hương”, bà Mân nói trong nước mắt..
Ông Ngô Văn Đủ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang cho hay, "nhờ sự quan tâm kịp thời của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là tình cảm của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nên dân làng Rồng đã có được nơi ở mới, vươn lên ổn định cuộc sống. Người dân làng Rồng luôn ghi nhớ tấm lòng của bác Lê Khả Phiêu".