| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 17/11/2020 , 05:50 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 05:50 - 17/11/2020

Kỳ vọng gì ở chính quyền đô thị?

Với 87,14% đại biểu bỏ phiếu tán thành, kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa 14 đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Với 87,14% đại biểu bỏ phiếu tán thành, kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa 14 đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Từ Nghị quyết này, chính quyền đô thị TP.HCM không còn duy trì Hội đồng Nhân dân cấp quận, cấp phường và được phép có “thành phố trong thành phố”.

Với mô hình chính quyền đô thị, thì vai trò của Hội đồng Nhân dân TP.HCM và vai trò của Chủ tịch UBND TP.HCM cũng tăng lên. Tuy nhiên, ở mặt định danh thì tên gọi Ủy ban Nhân dân vẫn được giữ nguyên, chứ chưa thể thay thế bằng Ủy ban Hành chính.

Trên thực tế, TP.HCM đã có 7 năm thí điểm không có Hội đồng Nhân dân cấp quận và cấp phường. Do đó, khi áp dụng mô hình chính quyền đô thị từ giữa năm 2021, TP.HCM đã có bộ máy hành chính ổn định và thông suốt để làm tiền đề cho các bước phát triển tiếp theo.

Mô hình chính quyền đô thị có đặc trưng “thành phố trong thành phố” không phải quá mới mẻ với nhiều quốc gia trên thế giới.

Chấp nhận mô hình chính quyền đô thị ở TP.HCM, không chỉ có ý nghĩa về mặt hội nhập quốc tế, mà còn tạo động lực phát triển cho khu vực Nam bộ. Bởi lẽ, TP.HCM là một đô thị lớn. TP.HCM chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, nhưng dân số chiếm 9% và kinh tế chiếm 22% của cả nước.

TP.HCM hiện có đến 5 quận có dân số từ 500 nghìn người đến 800 nghìn người, tương đương dân số một tỉnh. Chưa kể, dòng người nhập cư vào TP.HCM vẫn không ngừng tăng lên hằng năm. Do đó, áp lực của công tác quản lý đòi hỏi phải có những đổi mới quyết liệt và mạnh mẽ.

Nói một cách cụ thể, TP.HCM cần mô hình chính quyền đô thị để nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, viên chức hành chính. Chính quyền đô thị ưu tiên hiệu quả phục vụ người dân cũng như chất lượng cung ứng các dịch vụ công ở một trung tâm tài chính, văn hóa.

Chính quyền đô thị có những sự linh động trong đề bạt và luân chuyển các chức danh lãnh đạo, miễn sao phù hợp với Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, thách thức cốt lõi của chính quyền đô thị là xây dựng bộ máy điều hành tương ứng với năng lực nhân sự để có nền hành chính năng động nhất, văn minh nhất.

Với một chính quyền đô thị, thì những khái niệm như “thành phố thông minh”, “thành phố sáng tạo” hoặc “thành phố công nghệ” cũng không quan trọng bằng “thành phố minh bạch” để kích hoạt mọi thành phần xã hội đóng góp trí tuệ và tài năng cho sự nghiệp chung.

Chính quyền đô thị có những ưu tiên riêng, thì sứ mệnh giám sát của Hội đồng Nhân dân cũng như các cơ quan truyền thông càng phải được phát huy tốt đa để ngăn chặn các biểu hiện đặc quyền đặc lợi.

Những năm qua, nhiều lãnh đạo TP.HCM đã bị xử lý kỷ luật như Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang, Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín… chính là lời nhắc nhở nghiêm khắc và chua xót vì lơ đãng trong quá trình kiểm soát quyền lực.