| Hotline: 0983.970.780

Lạc được mùa, được giá

Thứ Sáu 22/05/2020 , 10:15 (GMT+7)

Vụ này, cây lạc trên vùng miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) cho bà con nông dân lãi ròng khoảng 50 triệu đồng/ha…

Nông dân Minh Hóa thu hoạch lạc đến đâu, tư thương mua ngay đến đó với giá 12.000 đồng/kg lạc tươi. Ảnh: P.Phương.

Nông dân Minh Hóa thu hoạch lạc đến đâu, tư thương mua ngay đến đó với giá 12.000 đồng/kg lạc tươi. Ảnh: P.Phương.

Vụ đông xuân năm nay, bà con huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) được mùa lạc, giá cả lại cao nên niềm vui nhân đôi.

Ông Đinh Gia Tuyết, Trưởng phòng NN - PTNT huyện Minh Hóa, cho biết vụ này toàn huyện trồng gần 770 ha lạc với các giống chủ lực, như L14, L23...

Trong suốt thời gian gieo trồng đến lúc thu hoạch, thời tiết khá thuận lợi nên cây lạc nẩy mầm, sinh trưởng và phát triển tốt. “Năm nay, lạc ít sâu bệnh nên cho nhiều củ, tỷ lệ củ chắc nhiều nên năng suất cao hơn hẳn so với các năm trước”, ông Tuyết cho biết thêm.

Thực tế từ đồng ruộng, năng suất bình quân của cây lạc đạt 23 tạ/ha (tăng 0,5 tạ/ha so với vụ đông xuân năm ngoái). Nhiều địa phương có năng suất lạc vượt lên trên 25 tạ/ha. Ước tính, tổng sản lượng vụ lạc này ở Minh Hóa đạt hơn 1.800 tấn củ.

Về xã Trung Hóa, có diện tích trồng lạc khá lớn của huyện. Ông Cao Văn Sòng, Chủ tịch UBND xã cho biết, xã gieo trồng trên 200 ha lạc, cơ bản  bà con đã thu hoạch xong. Năm nay, lạc Trung Hóa có năng suất cao, đạt trên 25 tạ/ha, tăng 2 tạ/ha so với vụ đông xuân trước.

“Lạc được mùa, được giá nên bà con nông dân trong xã ai cũng vui vẻ, phấn khởi. Do có kinh nghiệm canh tác, thời tiết thuận lợi nên hiệu quả kinh tế từ cây lạc rất khá. Nhiều hộ gia đình lãi khoảng 100 triệu đồng nhờ trồng lạc”, ông Sòng vui vẻ cho biết.

Lạc ở Minh Hóa năng suất cao, bán được giá nên bà con có lãi lớn. Ảnh: Tâm Phùng.

Lạc ở Minh Hóa năng suất cao, bán được giá nên bà con có lãi lớn. Ảnh: Tâm Phùng.

Trên cánh đồng thôn Yên Phú (xã Trung Hóa), lạc đã thu hoạch gần hết. Đất đai ở đây có màu đỏ bazan phù hợp với các giống lạc. Gia đình ông Đặng Văn Minh ở thôn Yên Phú, trồng hơn 16 sào lạc (0,8 ha), đã thu hoạch xong. Ông đang gom thân cây lạc thành đống để đưa về nhà ủ với phân bò làm phân hữu cơ.

Vừa làm, ông Minh vừa trò chuyện, thương lái đến tận ruộng thu mua lạc với giá từ 12-13.000 đồng/kg lạc tươi, tăng 5.000 đồng so với năm ngoái.

“Được giá nên tôi bàn với cả nhà bán ngay chứ không phơi nữa. Mỗi ha trên 50 tạ lạc tươi, nông dân có thu nhập 65 triệu đồng. Trừ chi phí giống, phân bón, công cán khoảng 15 triệu đồng/ha, lãi 50 triệu đồng. Vụ này, nhà tôi lãi gần 70 triệu đồng”, ông Minh phấn khởi.

Vùng “5 hóa” của huyện Minh Hóa (cách gọi của 5 xã vùng cao như Hóa Thanh, Hóa Phúc, Hóa Tiến, Hóa Hợp, Hóa Sơn)… cũng đang rộn ràng vì lạc bội thu. Năm nay, xã Hóa Tiến cũng có diện tích trồng lạc lớn của vùng “5 hóa”. Bà Cao Thị Tiến, Chủ tịch UBND xã Hóa Tiến cho hay, toàn xã đã tăng diện tích lạc lên gần 90 ha.

Từ đầu vụ, UBND xã đã phân bổ nguồn vốn dự án 135, 30a, hỗ trợ bà con mua những giống lạc có chất lượng cao, triển khai công tác khuyến nông, chỉ đạo bà con sản xuất đúng lịch thời vụ và chăm sóc lạc đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ vậy, từ địa phương có năng suất lạc thấp, Tiến Hóa đã vươn lên đạt 23 đến 25 tạ/ha.

“Cùng với đó, giá lạc năm nay tăng cao nên bà con thu nhập khá, ai cũng phấn khởi. Trên cơ sở này, vụ tới, chúng tôi khuyến khích bà con chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng lạc. Sẽ liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi để hỗ trợ cho bà con”, bà Cao Thị Tiến nói thêm.

Công ty Diến Hồng thu mua và sơ chế lạc tại Minh Hóa. Ảnh: Tâm Phùng.

Công ty Diến Hồng thu mua và sơ chế lạc tại Minh Hóa. Ảnh: Tâm Phùng.

Nhiều năm qua, trên địa bàn huyện Minh Hóa có Công ty Diến Hồng luôn thu mua lạc cho bà con để sản xuất dầu lạc nguyên chất.

Theo ông Trần Văn Diến, Giám đốc công ty, vụ lạc năm nay, họ đã thu mua gần 1.000 tấn, giá 12.000 đồng/kg lạc tươi. Ngoài xuất khẩu lạc nhân, công ty còn đưa vào sản xuất dầu lạc nguyên chất. Mỗi năm, công ty đưa ra thị trường từ 2.500-3.000 lít dầu lạc chất lượng cao.

Xem thêm
Nâng tầm chăn nuôi vùng ven biển: [Bài 2] Đầu tư lớn cho trang trại ứng phó thiên tai

HẢI PHÒNG Là thành phố ven biển, hàng năm Hải Phòng hứng chịu hàng chục cơn bão, để ứng phó với thiên tai, các trang trại chăn nuôi cần đầu tư tương xứng để ứng phó.

Tăng tốc giải ngân hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch bệnh

Hơn 46 tỷ là số tiền Hà Tĩnh cấp cho các địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 4] Kết quả kiểm tra sức khỏe đất tỉnh Đồng Tháp và Hà Nam

Thạc sĩ Trương Xuân Cường - Phó trưởng Bộ môn Phát sinh học và Phân loại đất thông tin về kết quả kiểm tra sức khỏe đất tỉnh Đồng Tháp và Hà Nam.