Chúng ta đang “lót ổ” để đón “đại bàng”. Đó là cách nói nôm na về việc tạo mọi điều kiện thuận lợi để đón những nhà đầu tư lớn rót vốn vào nước ta.
Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, thì trong mấy năm qua, đã có 3.893/6.191 thủ tục, điều kiện kinh doanh được bãi bỏ; 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành được cắt giảm. Đó quả là một cố gắng không nhỏ của Chính phủ trong việc đơn giản hóa thủ tục đầu tư, một bước tiến lớn trong cải cách hành chính.
Và tới đây, ít nhất 20% quy định và 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp sẽ được Chính phủ cắt giảm.
Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư vẫn còn gặp không ít rào cản, hay nói khác đi là còn bị “hành” bởi những quy định, như Aeon MaII, một “đại bàng” đến từ Nhật Bản, nhưng phải đợi đúng 1 năm mới nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Một “đại bàng” khác, cũng của Nhật Bản, là Nipro, cũng phải đợi đúng một năm mới nhận được giấy đăng ký đầu tư. Và còn không ít các nhà đầu tư nữa, cũng bị “hành” bởi những quy định…
Thật không thể nào tin được. Đối với một doanh nghiệp, thì thời gian luôn luôn là tiền bạc. Một năm chờ đợi, tức là 365 ngày ngồi không chỉ để chờ đợi một tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng vẫn phải chờ, vì chưa có được tờ giấy đó thì chưa thể nhấc tay nhấc chân làm bất cứ việc gì.
Trong 365 ngày đó, không biết bao nhiêu là thời cơ, là cơ hội đã trôi qua, đồng nghĩa với không biết bao nhiêu là tiền bạc đã một đi không trở lại. Nếu không mất thời gian đó, thì có khi nhà máy đã xây dựng xong và bắt tay vào sản xuất.
Chờ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có nghĩa là doanh nghiệp đã hoàn tất các thủ tục thuê đất. Vậy một tấm giấy chứng nhận, có gì là khó, cùng lắm thì chỉ mất vài ngày là xong. Tại sao lại mất đến chừng ấy thời gian? Trả lời câu hỏi này không khó.
Từ lâu, những điều kiện, quy định và các “giấy phép con” đã trở thành những công cụ làm giàu của một số ngành chức năng. Muốn giầu thì phải “ngâm”, phải “hành”, buộc doanh nghiệp phải “bôi trơn”. Ai không chịu “bôi trơn” thì cứ việc ngồi chờ. Chỉ đơn giản vậy.
Ở nước ngoài, đã có chuyện một doanh nhân lên một chuyến tàu hỏa sau khi đọc thông báo là X giờ, tàu sẽ đến đích. Với thời gian đó, ông sẽ kịp gặp đối tác theo hẹn để thương thảo, ký một hợp đồng lớn. Nhưng kết quả là tàu đến chậm mất 1 giờ. Đối tác của ông không chờ được, đã đến một thành phố khác. Hợp đồng bị vỡ. \
Thấy vậy, doanh nhân nọ đã kiện nhà tàu, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Và kết quả là ông đã thắng kiện. Nhà tàu phải bồi thường toàn bộ thiệt hại vì vỡ hợp đồng cho ông.
Biết bao giờ những doanh nghiệp như Aeon MaII có thể khởi kiện cơ quan chức năng của ta vì đã kéo dài thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây thiệt hại cho họ?