| Hotline: 0983.970.780

Lãi đông xuân dốc vào hè thu vì giá phân bón tăng cao

Thứ Bảy 08/05/2021 , 08:20 (GMT+7)

Vụ đông xuân lúa ở ĐBSCL được mùa được giá, nhưng vụ hè thu giá phân bón tăng liên tục chưa hạ nhiệt nên lãi đông xuân phải gánh cho hè thu.

Nông dân ĐBSCL đang vào vụ sản xuất lúa hè thu nên sử dụng lượng phân bón khá lớn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nông dân ĐBSCL đang vào vụ sản xuất lúa hè thu nên sử dụng lượng phân bón khá lớn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Lãi đông xuân dốc vào hè thu

Hiện nay, nông dân ĐBSCL đang bắt tay vào chuẩn bị sản xuất vụ lúa hè thu 2021, một số nơi gieo sạ sớm lúa đã làm đồng và trổ bông. Nhờ giá lúa đông xuân ở mức cao nên nhiều nông dân tranh thủ bán lấy tiền mua phân bón dự trữ trước để tránh bị tăng giá khi vào vụ rộ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh phân bón đang tăng cường nhập hàng phục vụ cho vụ lúa hè thu. Vì vậy, thị trường phân bón ở khu vực ĐBSCL đã nóng ngay từ đầu vụ.

Tại vùng Tứ giác Long Xuyên (An Giang) nông dân đã vào vụ hè thu cả tháng nay. Nhiều tháng qua, giá phân có những biến động tăng cao từ các đại lý khiến nông dân kém vui.

Anh Ngô Văn Định ở xã Cần Đăng, huyện Châu Thành (An Giang) làm 3ha lúa cho biết: Sau khi thu hoạch xong vụ đông xuân tiếp tục xuống giống vụ hè thu. Hiện nay, lúa trên đồng đã được 30 ngày tuổi, đến lúc cần bón phân nhiều thì giá phân bón tăng cao. Cụ thể như phân DAP, Urê tăng 30% so với trước đó, các loại phân khác giá cũng tăng từ 1.000 đồng đến 1.500 đồng/kg.

Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh phân bón đang tăng cường nhập hàng phục vụ cho vụ lúa hè thu. Vì vậy, thị trường phân bón ở khu vực ĐBSCL đã nóng ngay từ đầu vụ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh phân bón đang tăng cường nhập hàng phục vụ cho vụ lúa hè thu. Vì vậy, thị trường phân bón ở khu vực ĐBSCL đã nóng ngay từ đầu vụ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tuy giá phân tăng nhưng anh Định cũng phải chấp nhận mua số lượng lớn để bón. “May mắn là vụ lúa đông xuân vừa qua lúa trúng mùa, được giá nên nông dân còn có chút tiền đầu tư cho vụ lúa hè thu này. Chưa biết giá lúa vụ hè thu này như thế nào nhưng giá phân cao đã làm giảm lợi nhuận khá nhiều”, anh Định nói.

Ông Lương Văn Hận ở xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) bộc bạch: Đại lý thông báo giá phân bón tăng cả 100 ngàn đồng/bao so với năm rồi. Nói thiệt làm nông nghiệp ngán nhất là gặp tình trạng giá phân tăng cao và kéo dài như năm nay.

Tại Vĩnh Long, ông Dương Văn Thành, ấp Tân Tiến, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình cho biết: Gia đình làm 16 công lúa hè thu đến nay đã được 45 ngày tuổi và vừa mới bón phân đợt cuối. Dù áp dụng lượng giống không cao, 12 kg/công nhưng do vụ hè thu nặng phân bón nên phải sử dụng gần 50 kg/công.

Ông Thành nói: Vụ hè thu này chi phí cái gì cũng tăng. Tính trên mỗi công, chi phân bón tăng gần 200.000 đồng, công xịt thuốc tăng 5.000 đồng/bình, công dặm lúa tăng 40.000 đồng/ngày… Chưa biết công cắt, công chuyên chở lúa có tăng hay không. Vụ này, thời tiết thất thường nên thấp thỏm quá. Nếu giá lúa dưới 100.000 đồng/giạ chắc không có lời.

Hiện nay giá phân bón đang tăng gần cả 100 ngàn đồng/bao so với cùng kỳ năm rồi, gây khó khăn cho người nông dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay giá phân bón đang tăng gần cả 100 ngàn đồng/bao so với cùng kỳ năm rồi, gây khó khăn cho người nông dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Còn ông Nguyễn Văn Hòn (xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) xuống giống 11.000m2. Đến nay, ông Hòn đã bón 2 đợt phân gồm 150 kg urea, 150 kg 20 - 20 - 15 với tổng chi phí hết 3.560.000 đồng, đã tăng khoảng 15%.

Giá phân bón tăng bất thường

Theo khảo sát của phóng viên tại các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh phân bón trên địa bàn TP Cần Thơ, hiện giá các loại phân bón đều tăng bình quân từ 50.000 - 100.000 đồng/bao so với vụ lúa trước. Tại đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, ông Trương Công Điệu, chủ cửa hàng Tám Điệu, ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ nói: Chưa bao giờ giá phân bón lại tăng bất thường như năm nay. Đặc biệt là các loại phân NPK, DAP, Urê, Kali.

Cụ thể, Urê Cà Mau giá 525.000 đồng/bao, Urê Phú Mỹ 520.000 đồng/bao, DAP 64 Hồng Hà 780.000 đồng/bao, Kali Canada 430.000 đồng/bao, NPK 20 - 20 - 15 (loại 3 màu cao cấp) giá 650.000 đồng/bao, NPK 16 - 16 - 8 Việt - Nhật (loại 3 màu cao cấp) 550.000 đồng/bao, NPK 16 - 16 - 8 của Cà Mau 510.000 - 545.000 đồng/bao.

Chưa bao giờ giá phân bón lại tăng bất thường như năm nay. Đặc biệt là các loại phân NPK, DAP, Urê, Kali. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chưa bao giờ giá phân bón lại tăng bất thường như năm nay. Đặc biệt là các loại phân NPK, DAP, Urê, Kali. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tại Đồng Tháp, anh Lê Văn Lập, chủ đại lý phân bón ở xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười cho biết: Từ đầu năm đến nay các loại phân bón đều tăng giá, trong khi các mặt hàng nông sản (ngoài lúa gạo ra) thì tiêu thụ khó khăn nên sức mua phân bón của nông dân chậm hơn trước đây. Thậm chí, đại lý phải bán nợ cho nông dân trong nhiều tháng. Đặc biệt, nguồn phân như DAP, Urê từ phía doanh nghiệp cung ứng về đại lý chậm. Phân bón tăng giá kéo dài gây thiệt thòi cho nông dân trong vụ hè thu này.

Anh Nguyễn Nhi Phương, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Phương Xuyên cùng xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít (Vĩnh Long) cho biết: Tình hình phân bón tăng như thế này, không những gây khó cho nông dân mà cũng gây khó cho chúng tôi.

Chẳng hạn như, người dân thấy phân bón giá cả thay đổi liên tục thì sợ mình bán mắc nên so sánh ở các nơi rồi mới mua. Trước nông dân mua nhiều, giờ phân bón lên giá kêu hàng ít lại, chia ra nhiều lần đi giao tốn thêm chí phí. Bên cạnh đó, giá phân bón tăng như vậy cũng cần nhiều vốn để dự trữ mới giữ khách hàng được.

Vụ lúa hè thu 2021, đến nay nông dân tỉnh Vĩnh Long đã xuống giống khoảng 40.000ha. Phần lớn trà lúa đang ở giai đoạn mạ và đẻ nhánh.

Giá thành sản xuất tăng từ 2 - 5%

Theo kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Vĩnh Long, giá thành sản xuất lúa đông xuân 2020 - 2021 là 3.551,9 đồng/kg. Ước tính chi phí đầu tư sản xuất trên 3 trà lúa (trà sớm, trà chính vụ và trà muộn), mức chi phí đầu tư vật chất vào sản xuất chiếm tỷ lệ rất cao 66,39% trong tổng chi phí. Trong đó, chi phí phân bón 23,46% và thuốc BVTV 16,08% chiếm tỷ lệ cao nhất so với các khoản đầu tư vật chất khác.

Việc giá phân bón tăng từ 10 - 20% sẽ đẩy phần chi phí phân bón trong giá thành sản xuất tăng từ 2 - 5% nếu tỷ trọng chi phí phân bón trong giá thành sản xuất chiếm khoảng 25% như vụ đông xuân vừa qua.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm sản xuất của nông dân vụ lúa hè thu do thời thời tiết thất thường nên năng suất lúa thường thấp hơn vụ đông xuân. Bên cạnh đó, vụ hè thu chi phí phân bón sẽ năng hơn vụ đông xuân và áp lực sâu rầy cũng nặng nề hơn.

Thông thường sản xuất lúa trong vụ hè thu chi phí phân bón sẽ năng hơn vụ đông xuân và áp lực sâu rầy cũng nặng nề hơn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thông thường sản xuất lúa trong vụ hè thu chi phí phân bón sẽ năng hơn vụ đông xuân và áp lực sâu rầy cũng nặng nề hơn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Do đó, ngành chức năng khuyến cáo nông dân cần tiết giảm chi phí sản xuất bằng cách áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, trong đó khâu quan trọng nhất là giảm giống gieo sạ để giảm phân bón, giảm áp lực sâu bệnh gây hại…

Cục Trồng trọt khuyến cáo một số lưu ý trong kỹ thuật canh tác vụ hè thu như sau: Tập trung cày ải, phời đất, cải tạo mặt bằng, vệ sinh đồng ruộng và giãn cách giữa hai vụ ít nhất 3 tuần.

Mật độ sạ lượng giống từ 80-100 kg/ha, sạ lan hay bằng trang thiết bị sạ bằng máy, công cụ sạ hàng. Tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tỉ lệ áp dụng và hiệu quả kinh tế của việc sử dụng giống lúa xác nhận, cày ải, áp dụng 1 phải 5 giảm, cơ giới hóa trong thu hoạch lúa, thu hồi rơm, rạ tái sử dụng.

Theo Cục Trồng trọt vụ hè thu năm 2021 ĐBSCL gieo sạ 1.520 nghìn ha. Thời vụ khuyến cáo xuống giống trong tháng 3, 4 tập trung vùng phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu (Bắc quốc lộ 1 Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang) và vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Đồng Tháp, An Giang), một phần Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang và An Giang), Cần Thơ, Hậu Giang.

Xuống giống trong tháng 5 tại các vùng sản xuất lúa ở phía Nam quốc lộ 1 cách biển 70 km thuộc các tỉnh Vĩnh Long (Măng Thít, Vũng Liêm, Long Hồ, Trà Ôn), Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh (Cầu Kè, Càng Long).

Xuống giống khoảng nửa đầu tháng 6 khi có mưa, tại các vùng chịu ảnh hưởng nước trời ở khu vực ven biển đến 50 km thuộc các tỉnh Long An (phía Nam), Tiền Giang (Phía Đông), Bến Tre (các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú), Trà Vinh (các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú), Sóc Trăng (Long Phú, Trần Đề, Thạnh Trị, Ngã Năm), Bạc Liêu (Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long, Hồng Dân và Giá Rai), Kiên Giang (Vĩnh Thuận, An Minh, An Biên và U Minh Thượng) và Cà Mau.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Nguồn kinh phí mà tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương hỗ trợ sẽ sử dụng để nâng cấp các hồ chứa, khắc phục sạt lở và xây dựng các khu tái định cư.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.