Vẫn đang chịu được?
Dù đã cuối vụ ĐX, nhưng giá phân bón ở ĐBSCL vẫn cao vời vợi. Ông Tư Điệp, chủ đại lý phân bón ấp 5, xã Lạc Tấn (Thủ Thừa, Long An) cho biết, giá urê các loại mà đại lý cấp 1 ở TX Tân An bán ra vẫn đang ở mức 380.000-400.000 đ/bao (50 kg). Tất tật, từ urê Trung Quốc cho tới urê Phú Mỹ đều tăng giá... Còn ở An Giang, theo giá bán ra của các đại lý cấp 1, urê Trung Quốc là 7.600 đ/kg, urê Phú Mỹ 7.900 đ/kg, DAP Trung Quốc và Philippines từ 20- 20.400 đ/kg, super lân Long Thành 3.300 đ/kg, NPK các loại từ 10-15.000 đ/kg ...
Với giá đó nhìn chung, nông dân vẫn đang “chịu” được, bởi giá lúa năm nay đã lên rất cao. Theo Cục Trồng trọt, nếu như giá phân (urê) chưa vượt khỏi công thức 1 phân = 2 lúa, thì vẫn đảm bảo được hiệu quả sản xuất lúa cho nông dân. Mà giá lúa đầu tháng 4 này, theo khảo sát của chúng tôi ở Thủ Thừa và Tân Trụ (Long An), vào khoảng 4.200-4.300 đ/kg đối với lúa thường và 4.400-4.500 đ/kg đối với lúa chất lượng cao. Như vậy, giá mỗi kg urê khi đến tay nông dân vẫn đang thấp hơn giá của 2 kg lúa. Tính toán như vậy nên nông dân vẫn mạnh dạn xuống giống lúa HT sớm ngay sau khi thu hoạch vụ ĐX.
Tuy nhiên, giá urê nói trên là giá bán của những lô hàng mà các đại lý cấp 1 đã nhập về từ trước. Còn sáng ngày 5/4, khi tới khảo sát giá phân bón ở chợ đầu mối Trần Xuân Soạn (TP HCM), giá urê xuất kho đã vọt lên 8.000 đ/kg, và khi qua hệ thống đại lý các cấp ở địa phương đến tay nông dân, giá được tâng lên 8.500-9.000 đ/kg, tức là đã xấp xỉ giá 2 kg lúa.
Phá vỡ công thức 1 phân = 2 lúa
Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, PCT Hiệp hội Phân bón VN, nhìn chung giá phân bón các loại trên thị trường thế giới đã tăng đến mức cao nhất trong vòng 35 năm qua. Ông cũng cho rằng, xu hướng tăng giá kéo dài cho đến cuối tháng 4 này. Sau đó, giá phân bón sẽ chững lại bởi nhiều nước SXNN lớn đã chấm dứt vụ mùa.
Như vậy, từ nay đến cuối tháng 4, giá phân bón trong nước vẫn ở tư thế...đi lên. Trong khi đó, do nước ta đang tạm ngừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo cho đến hết tháng 6/2008, sản lượng lúa đã thu hoạch ở ĐBSCL ngày càng tăng, rất có thể giá lúa sẽ chững lại, hoặc giảm xuống. Và khi ấy, giá urê sẽ phá vỡ công thức truyền thống 1 phân = 2 lúa.
Do đó, theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt, để giảm chi phí phân bón trong vụ HT, nông dân nên bón phân một cách hợp lý, chuyển từ DAP sang NPK, vì giá DAP hiện đã lên quá cao. Những nông dân có kinh nghiệm cũng có thể mua phân đơn về trộn lại theo tỷ lệ khuyến cáo theo từng thời kỳ của cây trồng.
Sẽ chủ động được giá urê?
Hiện nay, sản lượng urê trong nước là 900.000 tấn, và mới đáp ứng được gần 50% nhu cầu. Bởi thế, giá của loại phân quan trọng bậc nhất này vẫn phụ thuộc hoàn tòan vào...nước ngoài.
TCty Hóa chất Việt Nam cũng đang đầu tư xây dựng nhà máy đạm Ninh Bình có công suất 560.000 tấn/năm và chuẩn bị nâng công suất Nhà máy Đạm Hà Bắc lên 500.000 tấn/năm. Dự kiến vào cuối năm 2011, hai nhà máy này sẽ được đưa vào hoạt động. Khi ấy, cộng với sản lượng urê của Nhà máy đạm Phú Mỹ (750.000-850.000 tấn/năm), nước ta có thể chủ động về ure.
Trước tình trạng đó, các nhà SX trong nước đang có những động thái tích cực để khắc phục tình trạng này. Theo tin từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Quốc gia (Petro Việt Nam), trong quý 2 này, Cty CP Phân đạm và Hóa chất Dầu khí (đơn vị thành viên của Petro Việt Nam), sẽ giảm giá bán urê so với quý 1 vừa rồi.
Theo đó trong quý 2, ngoài việc đẩy mạnh sản xuất 136.000 tấn urê, Cty này sẽ nhập thêm 100.000 tấn nữa. Đồng thời, Cty sẽ thực hiện chính sách một giá trên toàn quốc và các đại lý chỉ được hưởng hoa hồng. Mục tiêu của Petro Việt Nam trong mấy năm tới là đẩy mạnh SX và phân phối urê để chiếm tới 70% thị phần cả nước, qua đó nắm quyền quyết định giá và định giá bán, giữ vai trò điều tiết thị trường.