Thông thường khi Nam bộ vào vụ thì phân bón mới tăng giá, nhưng việc tăng giá phân bón lần này lại xảy ra khi đồng ruộng đang “nghỉ ngơi”… Liệu có xảy ra sốt phân khi Nam bộ vào vụ ĐX chính thức?
Diện tích lúa trên cả nước đang thời kỳ chăm sóc, có sử dụng phân bón để bón đợt cuối (đón đòng) đến thời điểm hiện nay chỉ còn khoảng 750.000 ha, trong đó chủ yếu là lúa vụ thu đông ở Nam bộ với diện tích khoảng 420.000 ha. Diện tích các cây trồng khác cần nhiều phân bón như bắp vụ 2 cũng chỉ còn khoảng 40.000 ha. Cà phê cũng là cây sử dụng nhiều phân bón nhưng đây đã là thời điểm ngưng bón chờ thu hoạch.
Thị trường phân bón lúc này khá yên tĩnh, các đại lý phân bón tranh thủ thời gian giáp vụ để xả "xì- choét”, nghỉ ngơi, du lịch nhưng việc tăng giá phân bón bất thường đã làm đảo lộn kế hoạch của họ. NA, một đại lý phân bón cấp 1 ở vùng Đồng Tháp Mười cho biết qua điện thoại – Em đang ở nước ngoài, tính đi chơi khoảng 2 tuần nhưng người nhà điện thoại kêu về vì giá phân chộn rộn.
Thực ra giá phân bón đã nhúc nhích tăng cả 3 tuần nay và hầu hết trên tất cả các loại phân bón như urê, DAP, SA và kali. Giá bán lẻ phân urê hạt trong đã tăng từ 6.200 đ/kg lên 7.000 đ/kg, urê hạt đục tăng từ 6.400 đ/kg lên 7.600 đ/kg, giá kali tăng từ 7.600 đ/kg lên 8.500 đ/kg, DAP tăng từ 9.500 đ lên 11.700 – 12.000 đ/kg, SA tăng từ 2.800 đ/kg lên 3.400 đ/kg. Mức tăng trên hầu như đồng đều trên tất cả các địa phương ở Nam bộ như Đồng Nai, Cần Thơ, Trà Vinh, Đồng Tháp.
Việc tăng giá phân bón lần này được các nhà nhập khẩu lý giải do việc tăng giá trên thế giới như Ai Cập (345 USD/T FOB tăng 10 USD), Bắc Mỹ (300 USD/st FOB tăng 5 USD), các nước thuộc Liên Xô cũ (285 USD/T FOB tăng 6 USD). Đặc biệt giá các loại phân ở thị trường Trung Quốc, thị trường lớn nhất cung cấp lượng phân nhập khẩu cho VN cũng tăng mạnh, urê tăng từ 40 – 70 NDT/T.
Việc giá thế giới tăng đã kéo theo các “trục trặc” thường thấy trong thương mại, số hợp đồng mà các doanh nghiệp VN đã ký vào thời điểm tháng 6,7 khi giá đang còn thấp bị đối tác bắt tu chỉnh, bị hủy, bị trì hoãn, bị giao thiếu ngày một nhiều lên. Các nhà nhập khẩu phân bón lớn như Vinacam, Apromaco, Hà Anh, CFC Cần Thơ đều có những lô hàng kiểu như vậy.
Giá thế giới tăng trong lúc lượng tồn kho của VN mỏng là nguyên nhân tăng giá ở thị trường nội địa khi đồng ruộng chưa vào vụ. Lũy kế lượng urê nhập khẩu của VN đến hết tháng 8/2010 chỉ đạt 514.170 tấn, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước. Theo lịch xếp tàu của cảng vụ Sài Gòn, từ 20/9 đến hết tháng 9 có nhiều tàu phân bón sẽ được bốc dỡ, riêng Cty CP Vinacam đã có 3 tàu- 2 tàu urê nhập khẩu từ Indonesia, 1 tàu DAP nhập khẩu từ Trung Quốc. Đầu tháng 10, 4 tàu khác của Vinacam cũng sẽ nối đuôi nhau cập cảng TP HCM.
Tuy giá tăng, lượng hàng tồn kho giảm nhưng theo nhận định của nhiều người thì rất ít có khả năng xảy ra “sốt”, ngay cả khi Nam bộ vào vụ chính thức. Với phân DAP, loại phân mà vùng lúa ĐBSCL sử dụng nhiều nhất sẽ không có cơ hội tăng giá mạnh trên thị trường thế giới bởi cả Ấn Độ, Braxin và một phần Trung Quốc đều đã tích trữ đủ lượng DAP dùng cho đến năm sau. Với phân urê thì giá thế giới có xu hướng tăng thêm nhưng VN đã sản xuất được 50% nhu cầu lại đã nhập thêm hơn nửa triệu tấn, trong lúc hàng nhập khẩu đã bắt đầu xếp hàng chờ bốc dỡ.