| Hotline: 0983.970.780

Làm chổi đót, việc nhàn, thu nhập khá

Thứ Ba 25/04/2023 , 18:02 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Mỗi tháng, cơ sở của chị Nhung cho ra thị trường khoảng 12 - 15 nghìn chiếc chổi, với giá bán bình quân từ 30 - 35 nghìn đồng/cái, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

Nhận thấy nguồn lao động nhàn rỗi tại địa phương còn nhiều, trong khi không có nghề phụ làm thêm, chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung ở thôn Ngô xá Đông, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) đã tìm hiểu và khởi nghiệp với nghề làm chổi đót và giúp nhiều phụ nữ ở địa phương có việc làm thêm, tăng thu nhập.

Sinh năm 1996, là phụ nữ trẻ năng động, sau khi lập gia đình, chị Nhung đã tìm hiểu, học tập nghề làm chổi đót. Chị mạnh dạn vay vốn mở cơ sở sản xuất chổi đót mang thương hiệu Chổi Nhung tại địa phương.

Chị Nhung (phải) tận tình hướng dẫn cho chị em kỹ thuật làm chổi đót. Ảnh: Việt Toàn.

Chị Nhung (phải) tận tình hướng dẫn cho chị em kỹ thuật làm chổi đót. Ảnh: Việt Toàn.

Chị Nhung cho biết muốn có một cây chổi đót bền, đẹp thì chất lượng đót là yếu tố đóng vai trò quyết định. Vì vậy chị thường đặt đót chất lượng tốt với số lượng lớn để chủ động dự trữ nguyên liệu dùng cả năm. Đót sau khi đưa về sẽ được xé nhỏ rồi buộc thành từng lọn nhỏ. Các lọn sau khi bó xong sẽ được bện lưỡi bằng cách chắp lại với nhau, sau đó dùng dây cước, dây kẽm cố định, đây là kỹ thuật khó nhất trong cả quá trình làm chổi.

“Để có một cây chổi đẹp, giữa các lọn phải không có khe hở, đường dây đan thẳng, lưỡi chổi cầm lên cho cảm giác chắc chắn, các lọn gắn kết với nhau thành một khối thống nhất. Sản phẩm hoàn thiện khi cầm phải chắc tay, lưỡi chổi xòe, có mùi thơm đặc trưng của đót, khi quét không bị rụng đót”, chị Nhung chia sẻ.

Sản phẩm chổi sau khi làm xong được nhập cho các đại lý trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Trung bình mỗi tháng, cơ sở cho ra thị trường khoảng 12 - 15 nghìn chiếc chổi, với giá bán bình quân từ 30 - 35 nghìn đồng/cái. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình chị thu về trên 200 triệu đồng.

Từ mô hình này, không những giúp gia đình chị Nhung có nguồn thu nhập ổn định mà còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động vùng nông thôn. Hiện cơ sở đang tạo việc làm cho khoảng 30 lao động tại địa phương, trong đó có 7 lao động thường xuyên là chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, đơn thân, khuyết tật ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Cơ sở của chị Nhung mỗi tháng xuất bán hàng vạn chiếc chổi đót. Ảnh: Việt Toàn.

Cơ sở của chị Nhung mỗi tháng xuất bán hàng vạn chiếc chổi đót. Ảnh: Việt Toàn.

Tùy theo kỹ năng, độ thuần thục, các chị em phụ nữ sẽ tham gia vào các công đoạn bóc tách, phân loại nguyên liệu, bó và bện chổi. Tuy là nghề phụ nhưng đã giúp nhiều hộ gia đình trên địa bàn thoát nghèo, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình, nhất là có thể tận dụng được thời gian nông nhàn, với thu nhập bình quân từ 3 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Bà Nguyễn Thị Thơ ở thôn Ngô Xá Đông (xã Triệu Trung) cho hay: “Tôi năm nay đã ngoài 55 tuổi, với độ tuổi này thì người lao động rất khó để tìm được việc làm trong các công ty, xí nghiệp. Vì vậy, có việc làm ổn định, có thêm thu nhập từ 3 - 3,5 triệu đồng mỗi tháng là rất quý. Nghề làm chổi đót không đòi hỏi kỹ thuật cao, công việc nhẹ nhàng, rất phù hợp cho phụ nữ lớn tuổi như tôi".

Chị Trần Thị Kim Loan ở thôn Ngô Xá Thanh Lê (xã Triệu Trung) là người nhận đót tại cơ sở chị Nhung về nhà làm đã hơn 1 năm nay. Chị bộc bạch, trước đây kinh tế gia đình chị phụ thuộc chủ yếu vào mấy sào ruộng nên đời sống còn nhiều khó khăn. Vì đang có con nhỏ nên chị không thể đi làm ăn xa được. Từ ngày nhận đót làm thêm chổi tại cơ sở sản xuất chổi đót của chị Nhung, gia đình chị có thêm nguồn thu nhập ổn định từ 5 - 6 triệu đồng/tháng để trang trải cho cuộc sống.

Chị Nhung cho biết sẽ tiếp tục mở rộng cơ sở sản xuất chổi đót trong thời gian tới. Ảnh: Việt Toàn.

Chị Nhung cho biết sẽ tiếp tục mở rộng cơ sở sản xuất chổi đót trong thời gian tới. Ảnh: Việt Toàn.

Để duy trì và phát triển cơ sở sản xuất chổi đót của mình, chị Nhung luôn nỗ lực tìm mọi giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì việc sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ. Thời gian đến, gia đình chị Nhung dự định tiếp tục mở rộng thêm quy mô sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm cho những hộ dân ở các thôn khác trên địa bàn xã. Chị sẵn sàng chỉ bảo, hướng dẫn cho các chị em có nhu cầu làm chổi kiếm thêm thu nhập.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Chủ tich Hội Liên hiệp phụ nữ xã Triệu Trung đánh giá, chị Nhung là điển hình cho phụ nữ trẻ tuổi năng động, dám nghĩ, dám làm. Bà Hương cho biết thời gian tới sẽ có kế hoạch giúp sản phẩm chổi đót của cơ sở chị Nhung tìm kiếm đầu ra ổn định. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp cơ sở chị Nhung tiếp cận các nguồn vốn vay, đặc biệt là vốn vay với lãi suất ưu đãi để mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Quả thơm bên dòng Hương Giang

Thừa Thiên - Huế Ở vùng đất cố đô Huế có nhiều nơi trồng được thanh trà nhưng có lẽ ngon và nổi tiếng bậc nhất chỉ có thể ở Thủy Biều, một ngôi làng bên dòng sông Hương.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất