Bệnh nấm phát triển khi sầu riêng ra bông
Cây sầu riêng giữ vị trí quan trọng thứ 4 sau cây cà phê, chè, dâu tằm trong ngành nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng. Cây sầu riêng được trồng chủ yếu ở các huyện Đạ Huoai, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc. Thông thường vào mùa sầu riêng, thương lái thu mua tại vườn từ 10-15 ngàn đồng/kg, góp phần không nhỏ vào kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Thế nhưng, vài năm gần đây năng suất giảm hẳn, hàng loạt vườn cây sầu riêng giống mới ở khu vực này bỗng dưng đổ bệnh, héo rũ rồi chết khô dần, khiến cho nhiều hộ nông dân lâm vào cảnh lao đao.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, hai huyện Đạ Huoai, Bảo Lâm đang dẫn đầu tỉnh về diện tích sầu riêng với 3.500ha, chiếm 2/3 diện tích sầu riêng toàn tỉnh. Cũng là hai địa phương “dẫn đầu” tỉnh về diện tích sầu riêng bị bệnh chết khô tính đến thời điểm tuần cuối tháng 7 này. Ông Nguyễn Phước Thịnh (xã Đạ Oai - Đạ Huoai), có kinh nghiệm hơn 10 năm, thế nhưng phải “bó tay” đứng nhìn vườn cây đang chết dần, chết mòn.
Ông Thịnh than thở: “Nhà tôi có gần 2,5 hécta sầu riêng (giống Monthon) trồng từ năm 1999, đang cho thu nhập ổn định. Thế nhưng, đùng một cái sầu riêng đổ bệnh làm nguồn thu nhập chính của gia đình “mất trắng”. Cây sầu riêng có hiện tượng rũ lá, kém phát triển rồi chết khô mà không rõ nguyên nhân. Hiện tại, hơn 2/3 diện tích đã có dấu hiệu về tình trạng trên nên chúng tôi rất lo lắng". Cùng cảnh tương tự, vườn cây sầu riêng nhà ông Tiến kế bên cũng chung tình trạng. Ông Tiến với nét mặt buồn thảm cho biết, hơn 1ha sầu riêng của gia đình được 5 tuổi đều có dấu hiệu thối rễ, rụng lá và sau đó là chết đứng. Gia đình đang chạy khắp nơi tìm kiếm thuốc đặc trị nhưng không khỏi.
Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai cho biết, năm 2009 vừa qua, huyện Đạ Huoai trồng thêm 42 hécta sầu riêng các loại (chủ yếu là giống mới cao sản hạt lép cơm vàng). Đến nay, 25 hécta trong số trồng mới trên đã bị chết. Diện tích sầu riêng còn lại chỉ có không quá 18% phát triển bình thường. Không chỉ diện tích trồng mới mà cả hơn 200 hécta sầu riêng ghép đang trong giai đoạn kinh doanh ở huyện này cũng đang rơi vào tình trạng khốn đốn. Tính đến nay, toàn huyện có hơn 100 héc ta đã chết hoàn toàn, diện tích còn lại đã nhiễm nhiều thứ bệnh khác như xì mủ, thán thư... Sầu riêng ở huyện Bảo Lâm cũng đang trong tình trạng chết khô dần vì bệnh. Trong đó có những xã có diện tích cây sầu riêng chết khô đến 50-60% như Lộc Thành, Lộc An và thị trấn Lộc Thắng. Ông Lý Hữu Hào, nông dân ở xã Lộc An cho hay: Vườn sầu riêng ghép cành gần 1,2 hécta của gia đình được trồng năm 2000, đang vào mùa thu hoạch nhưng năm nay năng suất kém, quả thưa thớt, có cây ra hoa xong rụng sạch, không đậu quả nào. Điều đáng chú ý là trên thân cây sầu riêng xuất hiện nhiều nấm, địa y, tình trạng rũ lá, thối rễ...
Nguyên nhân nào dẫn đến sầu riêng ở Lâm Đồng chết hàng loạt? Cán bộ Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh và Trung tâm Nông nghiệp các huyện cho rằng: Sầu riêng chết là do thời tiết nắng nóng kéo dài, lối thâm canh nhà vườn thiếu khoa học, mua giống không đảm bảo... Tại huyện Đạ Huoai, Chi cục Bảo vệ Thực vật Lâm Đồng và Trung tâm Nông nghiệp huyện vừa đưa ra những số liệu về nguyên nhân dẫn đến diện tích sầu riêng bị chết hàng loạt do: khô hạn chiếm 48%, thối rễ 43%, sâu đục thân 30%... Các cơ quan này còn nói rõ hơn: Biện pháp chống khô hạn cho cây sầu riêng không được nông dân chú trọng nên các loại bệnh hại trên cây trồng có dịp phát triển như bệnh xì mủ, thối rễ, mối... Nấm Phytophthora trên cây sầu riêng là thủ phạm chính gây nên bệnh xì mủ, thối gốc thối rễ... Tuy nhiên, nông dân lại cho rằng họ tổ chức canh tác vườn cây đúng kỹ thuật, tuân thủ sự khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, nhưng cây chết thì vẫn cứ chết.
Rõ ràng, việc hàng loạt vườn sầu riêng ở Lâm Đồng “chết đứng” hẳn là điều không bình thường.