“Hoàng hôn nhiệm kỳ” là cụm từ mà xã hội dùng để chỉ những ngày cuối của nhiệm kỳ mà một ai đó được ngồi trên những chiếc ghế lãnh đạo, có “quyền sinh quyền sát” ở một địa phương hay một ngành. Những ngày cuối nhiệm kỳ cũng là những ngày cuối mà người đó phải “hạ cánh”, vì đã đến tuổi về hưu hay do năng lực kém không gánh vác được nhiệm vụ, không được tái bổ nhiệm.
Trong “hoàng hôn nhiệm kỳ”, thường xuất hiện hiện tượng “chuyến tàu vét”, tức là những người lãnh đạo “tranh thủ” vơ vét trước khi rời ghế, nào ký cấp tập các dự án, các đề tài khoa học để được chia chác “phần trăm”. Phổ biến nhất là việc bổ nhiệm cấp tập hàng loạt cán bộ.
Từng có những “chuyến tàu vét” khiến dư luận xã hội xôn xao. Đó là việc Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, trước thời điểm “hạ cánh an toàn”, chỉ từ tháng 3 đến tháng 8/2011, đã ký bổ nhiệm gần 60 cán bộ vào các cương vị lãnh đạo cấp vụ và tương đương.
Những vụ thiếu cấp trưởng, cấp phó đã đành, nhưng những vụ đã đủ, thậm chí đã thừa rồi thì những người được bổ nhiệm chỉ có “hàm” chứ không có ghế.
Và theo quy định thì chỉ những thanh tra viên chính mới được bổ nhiệm vào các cương vị lãnh đạo. Nhưng trong đợt bổ nhiệm “cấp tập” này, có cả người chưa là thanh tra viên chính.
Đó là việc ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), chỉ mấy tháng trước lúc về hưu vào năm 2018, đã ký bổ nhiệm tới 76 người vào các cương vị lãnh đạo cấp phòng, gồm cả tổng công ty và các cảng hàng không địa phương.
Còn rất nhiều vụ bổ nhiệm cấp tập trước lúc về hưu nữa.
Không ai bắt được quả tang. Nhưng ai cũng hiểu rằng phải có “cái gì” thì người được quyền ký bổ nhiệm mới ký. Và việc ký bổ nhiệm cấp tập này chính là “chuyến tàu vét” mà người lãnh đạo muốn kiếm chác thêm trước lúc “hạ cánh”. Việc đề bạt cấp tập này đã làm phát sinh rất nhiều hệ lụy cho cơ quan, gây lãnh phí rất lớn cho ngân sách.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để ngăn chặn những “chuyến tàu vét” đó ?
Trả lời báo chí vào ngày 16/3/2020, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng cần phải có cơ chế khiến quyền lực bị kiểm soát chặt chẽ, nhất là vào giai đoạn “hoàng hôn nhiệm kỳ”.
Kiểm soát quyền lực đi đôi với kiểm soát ngân sách, đồng thời nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm giải trình. Hoạt động kiểm tra, giám sát của đảng cần được đẩy mạnh theo tinh thần “không ngừng, không dừng, không nghỉ”. Đặc biệt là tăng cường giám sát qua việc giám sát của nhân dân.
Cần có cơ chế khuyến khích để người dân phát hiện kịp thời những sai phạm, từ đó giúp cơ quan có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn. Những người phát hiện, tố cáo sai phạm cần được bảo vệ một cách hữu hiệu khiến họ yên tâm.
Làm tốt được tất cả những điều đó, mới mong góp phần chặn đứng được những “chuyến tàu vét”.