Để đạt được điều này, một trong những yếu tố hết sức quan trọng, đó là tổ chức sản xuất nguyên liệu”. Đó là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường trong “Hội nghị phát triển ngành điều Việt Nam” mới tổ chức tại “thủ phủ” điều Bình Phước.
|
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây điều và thăm vườn điều giống nghiên cứu của Trung tâm |
Số 1 thế giới nhưng hiệu quả chưa cao
Hiện nay, diện tích cây điều cả nước hiện khoảng 337.143ha bao gồm cả 39.645 ha điều trồng trên đất rừng của tỉnh Bình Phước, tăng 4.410 ha so với năm 2016, trong đó diện tích cho thu hoạch 283.216 ha, chiếm 94,10%. Diện tích trồng điều ở các tỉnh vùng Đông Nam Bộ là 183.700 ha, chiếm 61% diện tích cả nước.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, năng suất điều của Việt Nam hiện đang cao hơn năng suất trung bình thế giới, đây là tiền đề tốt để tiếp tục cải thiện năng suất, tăng sức cạnh tranh về giá thành.
Theo Cục Trồng trọt, hiện Việt Nam có hơn 465 DN chế biến điều với tổng công suất thiết kế trên 1,4 triệu tấn hạt/năm. Do có sự đầu tư mở rộng sản xuất và xây dựng mới, nên so sánh về mặt công suất chế biến, các DN có quy mô công suất lớn đã chiếm trên 70% sản lượng. Tuy nhiên, so sánh về số lượng, thì số cơ sở chế biến nhỏ vẫn còn chiếm gần 70% cơ sở (314 cơ sở).
Trong đó, hiện mới có khoảng 20 DN lớn đầu tư cho các sản phẩm chế biến sâu như điều rang muối, điều chiên bơ, điều có gia vị, điều hỗn hợp, bánh kẹo điều… với công suất 15,4 nghìn tấn sản phẩm/năm, còn lại là các cơ sở nhỏ lẻ, cung ứng cho thị trường nội địa khoảng 20.000 tấn sản phẩm/năm. Bên cạnh đó, có 26 cơ sở chế biến dầu vỏ hạt với công suất 80.000 tấn sản phẩm/năm và 5 cơ sở tinh luyện dầu vỏ hạt, công suất 6.000 tấn sản phẩm/năm.
Theo Cục Trồng trọt, mặc dù là nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, song Việt Nam mới chỉ tham gia vào khâu chế biến sơ, tương đương 18% chuỗi giá trị điều. Phần lợi nhuận lớn nhất vẫn nằm ở khâu chế biến rang muối và phân phối với tổng giá trị gần 60%. Ngành điều Việt Nam gặp khá nhiều thách thức khi tham gia vào các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Theo đại diện các DN tham dự hội nghị, hiện có quá nhiều cơ sở chế biến hạt điều nhỏ lẻ hoạt động theo lối mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết. Nhiều DN không có cơ sở chế biến, chỉ mua gom để xuất khẩu, do đó chất lượng sản phẩm xuất khẩu không đồng đều, thấp và với số lượng không đáng kể nhưng lại cạnh tranh về giá, làm thiệt hại cho ngành điều nói chung.
|
Thăm dây chuyền chế biến điều của Công ty TNHH SX-TM Phúc An (thị xã Phước Long, Bình Phước) |
Cần gấp rút tái cơ cấu
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ trong 30 năm trở lại đây, tạo nền tảng để xây dựng thương hiệu điều Việt Nam, song cây điều vẫn mang lại nguồn thu nhập không cao và thường xuyên chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thời tiết. Do đó, thời gian tới Bộ NN-PTNT sẽ tập trung vào tái cơ cấu ngành điều. Cụ thể, không tăng diện tích sản xuất, giữ nguyên 300 ngàn ha trồng điều như hiện nay và đẩy nhanh các giải pháp tăng năng suất lên gấp đôi, thậm chí gấp ba. Bên cạnh đó, tập trung phát triển chế biến sâu, lựa chọn những DN có năng lực để đầu tư phát triển.
Sản phẩm chế biến sâu bày bán trong siêu thị của các nước châu Mỹ, châu Âu một ký có giá từ 25-30 USD, trong khi sản phẩm điều xuất khẩu của Việt Nam chỉ từ 10 - 11 USD/kg. Do đó, ngành điều phải tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến xuất khẩu mới nâng cao được giá trị hạt điều trên thị trường thế giới. (Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam). |
Theo Bộ trưởng, hiện nay diện tích điều cả nước khoảng 320 ngàn ha, riêng Bình Phước chiếm hơn một nửa con số đó. Có thể nói, Bình Phước là “thủ phủ” của ngành điều Việt Nam. Muốn phát triển ngành điều, phải tập chung cho khâu nguyên liệu, bởi nguyên liệu cho chế biến hiện đang rất thiếu. Mà nhập khẩu thì có thể xảy ra 2 điều, một là rủi ro lớn do nhiều yếu tố như mất mùa, thủ tục. Ngoài ra, một số nước hiện đang đầu tư chế biến hạt điều như chúng ta, đây là một sự cạnh tranh không nhỏ mà chúng ta đối mặt. Do đó, để phát triển ngành điều theo hướng tạo ra chuỗi giá trị sâu và bền vững, thì đầu tiên là phải tổ chức lại vùng nguyên liệu. Đó chính là lý do Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị phát triển ngành điều Việt Nam nhằm rà soát lại nội dung các bước quan trọng trong khâu tổ chức, phát triển vùng nguyên liệu, từ đó phối hợp với các địa phương, nhằm đưa ra các giải pháp căn cơ để đảm bảo cho hơn 300 ngàn ha điều trên cả nước phải được phục hồi, đảm bảo hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân và tăng sức đề kháng, chống chịu với biến đổi khí hậu đang diễn biến hết ức phức tạp, mà cây điều là một trong những cây đang chịu tổn thưng rất lớn.
Hiện nay, trong các nhóm giải pháp phát triển cây điều, thì giải pháp khoa học kỹ thuật được chú trọng hàng đầu. Trong nhóm giải pháp này, quan trọng nhất là công tác giống. Hiện đã có được 3 giống điều mới, cho năng suất và hiệu quả kinh tế khá cao, đang từng bước tổ chức phát triển và đưa vào sản xuất đại trà. Thứ 2 nữa là hiện nhiều vườn điều đã có tuổi, già cỗi, cho nên đi đôi với việc trồng mới trên những diện tích cho phép, thì công tác phục hồi, cải tạo những vườn điều già cỗi là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà chúng ta phải làm.
Hiện, Bộ đã chỉ đạo Trung tâm Nghiên cứu cây điều, thuộc Viện KHKTNN Việt Nam tổng kết các quy trình về công tác giống, trên cơ sở đó, phối hợp với ngành nông nghiệp các địa phương, hướng dẫn cho bà con nông dân thực hiện các quy trình này.
Một yếu tố quan trọng nữa là về quản lý quy trình về phân bón, đảm bảo dùng phân bón đúng chất lượng, phù hợp với cây điều, với vùng trồng. Ngoài ra, công tác thuỷ lợi phục vụ nước tưới cho vườn điều cũng hết sức quan trọng. Hầu hết các vùng trồng điều đều khó khăn về nguồn nước tưới, nhất là vào mùa khô, mùa quyết định năng suất hạt điều. Do đó, cần có giải pháp khoa học như công nghệ tưới nhỏ giọt, đảm bảo cây điều đủ nước, nhưng không lãng phí nước, cũng là nhiệm vụ quan trọng cần làm, nhằm nâng cao năng suất bền vững. Và một trong những trọng tâm trong canh tác cây điều, đó là phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt phòng trừ bọ xít muỗi, đối tượng gây hại rất nặng, thường xuyên trên cây điều.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước: Đề nghị đưa cây điều thành cây chủ lực quốc gia Bình Phước là thủ phủ cây điều và chế biến điều. Tuy nhiên, ngành điều trong tỉnh đang đối mặt thực trạng năng suất thấp, nguồn nguyên liệu chủ yếu phải nhập khẩu. Chuỗi liên kết từ nông dân, doanh nghiệp mới hình thành bước đầu, dẫn đến phân khúc trong thu mua, chế biến, mạnh ai nấy làm. Kết quả DN, nông dân tự bơi là chính, Nhà nước đầu tư chưa nhiều. Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ sẽ ban hành 2 Nghị quyết về chăn nuôi và cây trồng, trong đó sẽ tập trung vào việc sản xuất lại cây điều theo hướng sản xuất nhiều tầng nhằm tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, xây dựng lại chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong sản xuất ngành điều. Tuy nhiên, khó khăn về nguồn lực tài chính, sự biến đổi của thời tiết khí hậu, nhận thức của người trồng, sản xuất điều hiện đang là trở ngại không nhỏ. Đề nghị Nhà nước đưa cây điều là cây chủ lực quốc gia, từ đó có các chính sách, gói vốn ưu đãi cho nông dân, doanh nghiệp. Hiệp hội Điều cần có chương trình hợp tác phát triển ngành điều và đầu tư cho nông dân đổi mới sản xuất, thúc đẩy ngành điều phát triển. |
Bình Phước hiện có hơn 200 DN và hơn 400 cơ sở chế biến điều nhưng chỉ có 31 DN lớn với tổng công suất khoảng 82.000 tấn/năm. Cần chú trọng phát triển ngành điều theo hướng tập trung, chuyển đổi từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ sang hướng liên kết với quy mô lớn; xây dựng và hỗ trợ các hợp tác xã sản xuất, chuyên canh cây điều; khuyến khích DN đầu tư, liên kết với người trồng điều để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm và tạo vùng nguyên liệu bền vững. (Ông Lê Quang Luyến, Chủ tịch HĐTV Công ty Chế biến - Xuất khẩu hạt điều Phúc An) |