| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nền nông nghiệp sinh thái đa giá trị

Làm homestay trên đỉnh núi 1.500m

Thứ Tư 16/03/2022 , 05:56 (GMT+7)

Nhờ xây dựng nông thôn mới, và xác định phát triển mạnh các loại hình du lịch trải nghiệm văn hóa dân tộc, bản Sin Suối Hồ trở thành điểm sáng của tỉnh Lai Châu.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng thăm bản Sin Suối Hồ hồi tháng 12/2021. Ảnh: Bảo Thắng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng thăm bản Sin Suối Hồ hồi tháng 12/2021. Ảnh: Bảo Thắng.

"Suối có vàng"

Nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, Sin Suối Hồ trong tiếng Mông có nghĩa là “suối có vàng”. Cách TP Lai Châu hơn 30km, bản được bao quanh bởi một khu rừng nguyên sinh, và hiện là điểm sáng trong việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp sinh thái của tỉnh Lai Châu.

Đến Sin Suối Hồ, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi được tận mắt thấy những ngôi nhà gỗ, nhà trình tường với lối kiến trúc mang nét đặc trưng của người Mông. Điểm nhấn độc đáo của những ngôi nhà này là hàng rào đá được xếp bằng tay bao quanh nhà, chỉ cao tới nửa người. Cấu trúc này vừa tạo sự chắc chắn cho ngôi nhà, vừa có công dụng làm mát vào mùa hè và giữ ấm vào mùa đông. Nhiều ngôi nhà còn được tô điểm bằng những chậu địa lan to hơn một vòng tay người ôm. 

Bên cạnh đó, Sin Suối Hồ còn hấp dẫn du khách bởi nhiều lễ hội văn hóa. Đặc sắc nhất phải kể tới lễ hội Gầu Tào lớn nhất trong năm của người Mông, được tổ chức từ mùng 3 đến mùng 6 tháng Giêng hàng năm. Tại lễ hội này, du khách được tham gia các trò chơi dân gian hấp dẫn như ném pao, đẩy gậy, kéo co, tù lu... Ngoài ra, bản còn tổ chức một số lễ hội như lễ hội mừng thóc mới, lễ hội rau cải Mèo...

Sin Suối Hồ hiện có hơn 130 hộ dân, khoảng 700 nhân khẩu, và 100% là người Mông. Điểm đặc biệt với du khách là gần như không thấy người dân tại đây làm nương rẫy. Hầu hết phụ nữ Mông trong bản lo việc dệt các trang phục truyền thống từ vải lanh và gìn giữ kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải độc đáo được trao truyền qua nhiều thế hệ. Ngoài ra, họ thêu thổ cẩm, nấu rượu, đan lát... giúp mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn nhiều lần so với làm ruộng.

Tận mắt thấy đời sống của người dân, cũng như tham quan dịch vụ homestay đón khách du lịch và những mô hình nuôi lợn, nuôi gà, trồng rau cung cấp thực phẩm trong bản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tin tưởng, Sin Suối Hồ là một trong những điển hình phát triển nông thôn mới. 

Ông cũng lưu ý Trưởng bản Vàng A Chỉnh tập trung nhân rộng giống địa lan bản địa, kết hợp xen canh với những cây đặc trưng trên địa bàn như đào, táo... để đẩy mạnh du lịch. 

Một thiếu nữ người Mông tại bản Sin Suối Hồ. Ảnh: Bảo Thắng.

Một thiếu nữ người Mông tại bản Sin Suối Hồ. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ cho biết, bản văn hóa Sin Suối Hồ có lịch sử khoảng 300 năm. Người dân trong bản có 4 điều không được làm: Không uống rượu; không cờ bạc; không chích hút ma túy, dùng chất cấm; không quan hệ tình ái lăng nhăng, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình người khác.

“Lúc đầu người dân trong bản không ai nghĩ sẽ làm du lịch mà chỉ lo làm ruộng, trồng các loại cây thuốc, ăn quả… Tuy nhiên, nhờ cán bộ đến tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn phát triển du lịch cộng đồng, đời sống bà con trong bản dần thay đổi. Nhiều người đã xây nhà nghỉ, homestay chuyên đón khách du lịch", ông A Chỉnh nói.

Từ khi được công nhận là bản du lịch cộng đồng vào năm 2015, Sin Suối Hồ đón khoảng 100.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan mỗi năm. Hiện cả bản có khoảng 10 hộ gia đình làm homestay, mỗi homestay có một cổng chào được trang trí theo phong cách từng gia đình.

Tại Sin Suối Hồ còn có một "bảo tàng" ở chính giữa bản, trưng bày các nông cụ sản xuất, chiến đấu của người dân Mông qua các thời kỳ. Chợ du lịch truyền thống của người Mông, bán các sản vật địa phương như thuốc, thổ cẩm, ẩm thực ngay cạnh một sân khấu lớn được dựng ở trung tâm bản để biểu diễn các tiết mục văn nghệ.

Mỗi homestay tại bản Sin Suối Hồ được làm cổng chào theo phong cách riêng. Ảnh: Bảo Thắng.

Mỗi homestay tại bản Sin Suối Hồ được làm cổng chào theo phong cách riêng. Ảnh: Bảo Thắng.

Thu nhập trăm triệu mỗi năm

Tới thăm Sin Suối Hồ hôm nay, ít ai ngờ vào thập niên 1990, hầu hết người dân trong bản trồng cây thuốc phiện và nghiện thuốc phiện. Thuốc phiện làm đời sống người dân nơi đây trở nên mù mịt, khốn khổ, dẫn đến nhiều tệ nạn, mất an ninh trật tự. Tuy nhiên, từ năm 2005, thực hiện chương trình nông thôn mới, số người nghiện giảm dần. Đến nay cả bản không còn người nghiện ma túy nhờ sự phát triển của du lịch cộng đồng.

Từ chỗ là một bản nghèo, sau gần 20 năm, hiện nay nguồn thu nhập của các hộ gia đình đều tăng từ việc làm du lịch và bán các sản vật của địa phương như cây địa lan, thảo quả, táo mèo, thổ cẩm, sản phẩm làm bằng mây, tre đan...

Chị Hảng Thị Sú, ở Sin Suối Hồ cho biết, hơn 20 năm trước, vẫn còn cảnh dân trong bản đào củ mài ăn qua ngày. Từ khi phát triển du lịch cộng đồng, đời sống bà con khấm khá. "Đàn ông đã cai được rượu và ma túy, trẻ em đến trường học hành đầy đủ", chị bày tỏ.

So với các điểm phát triển du lịch khác, mô hình ở Sin Suối Hồ có nhiều điểm mới như dân làm - dân hưởng; du lịch gắn liền với tạo sinh kế nông nghiệp cho người dân; mô hình du lịch đậm chất văn hóa và thấm đượm bản sắc dân tộc. Tất cả đem lại động lực phát triển kinh tế bền vững cho người dân địa phương.

Với điều kiện khí hậu thuận lợi, Sin Suối Hồ hiện vươn mình trở thành vựa địa lan lớn của vùng Tây Bắc. Nhiều gia đình trong bản có mức thu nhập tăng đáng kể nhờ trồng và bán địa lan cho khách du lịch. Đến nay 100% hộ trong bản đều trồng địa lan, nhà nào ít thì vài chục chậu, nhà nào nhiều thì khoảng 500 - 600 chậu.

Anh Vàng A Giàng, chủ một vườn lan ở Sin Suối Hồ cho biết: “Trung bình mỗi hộ dân ở đây thu nhập 30 - 50 triệu đồng/năm nhờ trồng lan. Những hộ vừa làm dịch vụ homestay vừa trồng địa lan còn thu tới 200 - 300 triệu đồng/năm".

Hảng Thị Sú, cô gái Mông còn ấp ủ giấc mơ học tiếng Anh để làm hướng dẫn viên du lịch. "Em tự học tiếng Anh trên mạng và Youtube. Lúc đầu giao tiếp còn e ngại, mắc nhiều lỗi nhưng khi nói chuyện thường xuyên với khách, em tự tin hơn, vốn tiếng Anh cũng cải thiện. Bây giờ có thể dẫn khách nước ngoài và giới thiệu văn hoá của người Mông bằng tiếng Anh một cách trôi chảy", Sú cười nói.

UBND Lai Châu vừa ban hành Đề án "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030". Theo đó, tỉnh sẽ huy động nguồn lực đầu tư, quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Giai đoạn 2021 - 2025, Lai Châu phấn đấu xây dựng 5 sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với phát triển du lịch cộng đồng, 1 bản du lịch cộng đồng tiêu biểu quốc gia, tiến tới đề nghị công nhận điểm du lịch cộng đồng ASEAN.

Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh đã đầu tư bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Mông ở bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp; bản Sì Thâu Chải, huyện Tam Đường phát huy văn hóa dân tộc Dao gắn với du lịch mạo hiểm (dù lượn, leo núi); bản San Thàng, TP Lai Châu phát triển du lịch cộng đồng gắn với chợ phiên và chợ đêm của dân tộc Giáy.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.