| Hotline: 0983.970.780

Lâm nghiệp Việt Nam, 75 năm thách thức và tự hào

Thứ Ba 01/12/2020 , 18:48 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành tựu ngọt ngào mà ngành Lâm nghiệp đã đạt được sau 75 năm miệt mài nỗ lực.

Đại biểu ghi nhận và vui mừng trước những thành quả to lớn của ngành Lâm nghiệp trong suốt 75 năm hình thành và phát triển.

Đại biểu ghi nhận và vui mừng trước những thành quả to lớn của ngành Lâm nghiệp trong suốt 75 năm hình thành và phát triển.

Thăng trầm

Ngày 1/12, tại Nghệ An, Bộ NN-PTNT đã long trọng tổ chức sự kiện “Lâm nghiệp Việt Nam 75 năm hình thành và phát triển”.

Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng Trần Quốc Vượng; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng nhiều đại biểu của Trung ương, địa phương.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương thành tựu của các thế hệ ngành Lâm nghiệp. Ảnh: Việt Khánh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương thành tựu của các thế hệ ngành Lâm nghiệp. Ảnh: Việt Khánh.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, cách đây 75 năm, Bộ Canh nông đã ban hành Nghị định số 01 về tổ chức Bộ Canh nông, trong đó quy định nhiệm vụ của Nha Lâm chính: “Làm các việc hành chính và chuyên môn về rừng rú và săn bắn”, đây là sự kiện lịch sử đánh dấu sự hình thành của ngành Lâm nghiệp cách mạng Việt Nam.

“Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển gắn với các giai đoạn lịch sử cách mạng của dân tộc, ngành Lâm nghiệp có những biến động về cơ cấu tổ chức để đáp ứng nhu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị từng giai đoạn.

Mặc dù  hệ thống tổ chức quản lý ngành lâm nghiệp có thay đổi, nhưng với tư cách là ngành kinh tế - xã hội, Lâm nghiệp nước ta luôn được sự chăm lo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, củng cố và hoàn thiện từ Trung ương đến địa phương; hệ thống các Viện nghiên cứu, trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp Lâm nghiệp được ra đời, phát triển khá toàn diện; với chủ trương nhất quán về xã hội hóa lâm nghiệp, ngành Lâm nghiệp đã và đang vận hành theo cơ chế thị trường xã hội chủ nghĩa với đa dạng các thành phần kinh tế cùng với hàng triệu chủ rừng là các hộ gia đình cộng đồng dân cư”.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá tình hình hiện tại và nêu bật những phương án, kế sách trong chặng đường tới. Ảnh: Việt Khánh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá tình hình hiện tại và nêu bật những phương án, kế sách trong chặng đường tới. Ảnh: Việt Khánh.

Người đứng đầu ngành Nông nghiệp khẳng định, xuyên suốt 75 năm qua, ngành Lâm nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát triển đất nước qua các thời kỳ của lịch sử.

Giai đoạn từ 1945 - 1975 cả nước thực hiện chiến lược kháng chiến chống Pháp thành công; xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Lúc này ngành Lâm nghiệp tập trung đẩy mạnh khai thác gỗ, lâm sản phục vụ cho kháng chiến, cung cấp cho nền kinh tế phục hồi sau chiến tranh, đáp ứng nhu cầu dân sinh và nguyên liệu cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp.

Địa bàn rừng núi là chiến khu trong các cuộc kháng chiến “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” đã góp phần quan trọng tạo nên chiến thắng oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nhằm hủy diệt căn cứ địa và chặn mạch máu hậu phương chi viện sức người, sức của từ miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam và miền Trung Việt Nam hàng triệu lít hóa chất, chất độc da cam. Tội ác này gây thiệt hại trên 2 triệu ha rừng, nghiêm trọng hơn là những hệ lụy tiềm tàng, âm ỉ mãi về sau.

Trong bối cảnh khó khăn nhất, Đảng, Nhà nước ta đã chỉ đạo ngành Lâm nghiệp và toàn dân thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng.

Năm 1960 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tầm nhìn chiến lược “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” và phát động “Tết trồng cây”.

Năm 1972 Hội đồng Bộ trưởng ban hành Pháp lệnh quy định về bảo vệ rừng chính thức mở ra một chương mới về quản lý rừng bằng pháp luật.

Giai đoạn 1976 – 1995 cả nước bắt tay khôi phục sản xuất, nền kinh tế vận hành trong cơ chế kế hoạch hóa, ngành Lâm nghiệp tập trung vào xây dựng và phát triển các lâm trường quốc doanh đại diện cho thành phần kinh tế nhà nước, phong trào công nhân hóa lâm dân thực hiện trên diện rộng cùng với việc hình thành làng lâm nghiệp, thị tứ lâm nghiệp.

Đầu những năm 1990 là thời điểm diện tích rừng cả nước giảm thấp nhất trong lịch sử. Trước tình hình này Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo chủ trương đổi mới quản lý ngành lâm nghiệp đa dạng hóa các thành phần kinh tế nhằm tập trung khôi phục trồng rừng thông qua chính sách khoán bảo vệ rừng, giao đất, giao rừng để tập thể và nhân dân trồng cây gây rừng, cải tạo, kinh doanh, phủ xanh đất trống đồi trọc.

Song song với đó là xác định lại chức năng và phạm vi hoạt động của ngành Lâm nghiệp, xây dựng và phát triển công nghiệp chế biến lâm sản tập trung ở Việt Trì, Hà Nội, Vinh, Hải Phòng...

Từ 1996 đến nay, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, ngành Lâm nghiệp vận hành theo cơ chế thị trường hội nhập ngày càng sâu rộng, với mục tiêu phát triển cả kinh tế - xã hội - môi trường, phát triển có hiệu quả hơn quan điểm xã hội hóa nên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Mốc son sáng chói

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ, ngành Lâm nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao, ổn định, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của cả nước.

Vượt qua những khó khăn, thách thức, bao thế hệ người con Lâm nghiệp đã tạo nên dấu ấn đậm nét. 

Vượt qua những khó khăn, thách thức, bao thế hệ người con Lâm nghiệp đã tạo nên dấu ấn đậm nét. 

Năm 2019, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 11,3 tỷ USD, dự kiến năm 2020 đạt 13 tỷ USD, chiếm 2,3% tổng giá trị xuất khẩu cả nước và chiếm trên 26% tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt, tuy nhiên với nỗ lực cao độ, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu lâm sản ước đạt trên 12,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Giá trị xuất khẩu lâm sản của Việt Nam tiếp tục đứng đầu khối ASEAN, thứ hai châu Á và thứ 5 thế giới; giá trị lâm sản xuất siêu đạt trên 10 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay.

Từ nền tảng sẵn có, năm 2021 đặt ra mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt từ 14 đến 14,5 tỷ USD, tăng 10-11% so với cùng kỳ, đến 2025 phấn đấu 18-20 tỷ USD.

Bên cạnh đó, ngành Lâm nghiệp đã thực hiện tốt về xã hội hóa nghề rừng và góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, đã thu hút khoảng 20 triệu lao động vào các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, chế biến lâm sản và dịch vụ lâm nghiệp để tăng thu nhập, tạo việc làm, phát triển sinh kế từ rừng, từng bước đẩy nhanh quá trình xóa đói giảm nghèo.

Trên thực tế hàng triệu hộ gia đình, cộng đồng dân cư đã được giao rừng và đất lâm nghiệp để quản lý bảo vệ và phát triển. Cả nước có trên 5.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, thu hút hàng triệu lao động. Riêng giai đoạn 2011-2019 thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng rất hiệu quả, bình quân gần 2.000 tỷ đồng/năm cho các chủ rừng và cộng đồng dân cư.

Tín hiệu tích cực là diện tích rừng cả nước cơ bản tăng đều qua các năm, đến 2020 tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42%, hoàn thành chỉ tiêu cơ bản được Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định.

Cần biết rằng, Việt Nam nằm trong số ít nước có tốc độ tăng diện tích rừng ổn định và nhanh trên thế giới. Thành quả trên có được là nhờ chủ trương đóng cửa khai thác gỗ toàn bộ 10,3 triệu ha rừng tự nhiên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng và hình thành hệ thống rừng đặc dụng trên 2,2 triệu ha, rừng phòng hộ trên 4,6 triệu ha.

Bình dị nhưng rất đỗi tự hào. 

Bình dị nhưng rất đỗi tự hào. 

Nhìn tổng thể, ngành Lâm nghiệp đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án thiết thực với mục tiêu chung là phát huy chức năng phòng hộ của rừng ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ hệ thống đê biển, cơ sở hạ tầng, bảo tồn đa dạng sinh học, tất thảy hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh quốc gia.

Thành công trên bắt nguồn từ đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và sự hưởng ứng mạnh mẽ của toàn thể nhân dân, tất cả cùng chung sức đồng lòng, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”.

Trồng thêm 1 tỷ cây xanh

Phát biểu chỉ đạo, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành tích của các thế hệ cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành Lâm nghiệp đã đạt được trong 75 năm qua.

Trồng thêm 1 tỷ cây xanh là mục tiêu trong 5 năm tới. Ảnh: Việt Khánh.

Trồng thêm 1 tỷ cây xanh là mục tiêu trong 5 năm tới. Ảnh: Việt Khánh.

Bước vào giai đoạn phát triển mới, trước những cơ hội và thách thức đan xen, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Lâm nghiệp rất nặng nề, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành phải tiếp tục phát huy truyền thống và những thành tựu có được, ra sức đoàn kết, đổi mới sáng tạo, nỗ lực vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Chỉ ra phương án cụ thể, Phó Thủ tướng cho rằng ngành Lâm nghiệp cần tập trung nội dung tái cơ cấu gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, gắn với điều kiện phát triển cụ thể từng vùng, từng địa phương cũng như gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, toàn ngành phải đề cao, tập trung công tác bảo vệ rừng, nhất là đối với rừng tự nhiên. Triển khai phương án phù hợp, từng bước nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, cung cấp đa dạng các dịch vụ môi trường rừng hướng đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số.

Muốn hoàn thành tốt, các cấp ủy, chính quyền phải thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị, các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng.

"Ngành Lâm nghiệp phải chủ động tham mưu, đề xuất các chương trình, kế hoạch hành động; phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương để thực hiện thành công nhiệm vụ "trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới’ do Thủ tướng Chính phủ phát động", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận.

  

Xem thêm
Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất