Ngày (6/10) UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tham dự hội nghị có đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Kế hoạch và đầu tư; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;các Sở, ban, ngành của tỉnh Thanh Hóa...
Sự kiện này nhằm giới thiệu đến đông đảo người dân về các hạ tầng, dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số và các thành tựu chuyển đổi số. Các gian hàng cũng giới thiệu, trưng bày, trình diễn các giải pháp, ý tưởng, sản phẩm công nghệ đổi mới sáng tạo đến từ các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Tại Hội thảo "Thúc đẩy chương trình chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa năm 2022", ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Phó trưởng ban chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa cho rằng, chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay là điều bắt buộc phải làm để thích ứng với thời đại số 4.0. Chuyển đổi số không đơn giản là mức ứng dụng và phát triển cao hơn của công nghệ thông tin, mà chuyển đổi số là nút đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
"Trước đây, quy trình làm việc còn mang tính thủ công và rất mất thời gian. Trong thời đại số chỉ cần ngồi trên xe, xem nội dung có thể giải quyết ngay hồ sơ trong một buổi”, ông Liêm cho biết.
Ông Liêm nhấn mạnh, ở Thanh Hóa, việc thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số và làm sao để người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia, đồng hành vào quá trình chuyển đổi số.
Ở Tỉnh Thanh Hóa đã có cách làm riêng trong xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp… Đặc biệt, Thanh Hóa là một trong những địa phương đi đầu trong việc ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số từ rất sớm.
Hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư và hoạt động ổn định, hiệu quả; các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp; văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy trong các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định); tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ngày càng cao;… Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021, Thanh Hóa đứng thứ 12/63 tỉnh thành phố.
Tuy nhiên, ông Liêm cũng thẳng thắn chỉ rõ, việc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn là một khái niệm mới, nhiều cán bộ lãnh đạo, đảng viên, công chức, viên chức chưa hiểu sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cấp bách của công tác chuyển đổi số; công tác chuyển đổi số tại các đơn vị, ngành, lĩnh vực, địa phương chưa được quan tâm đúng mực; chưa quyết liệt chỉ đạo, điều hành; chưa tích cực, chủ động, còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện;….
Vì vậy, việc tổ chức các chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là cơ hội để tất cả mọi người tìm hiểu, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số một cách căn bản nhất, có những góc nhìn sâu sắc hơn từ những chuyên gia đến từ các Bộ, ngành của Trung ương và các Tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng, Cục chuyển đổi quốc gia số cho biết, hoạt động chuyển đổi số tại Thanh Hóa cho thấy sự quyết tâm của hệ thống chính trị.
Ông Tiến nhấn mạnh: “Chỉ lãnh đạo cao nhất vào cuộc mới thực hiện được chuyển đổi số vì chuyển đổi số là hoạt động mang tính tổng thể toàn diện, có kế hoạch, lộ trình... Bên cạnh đó, bản thân các cán bộ cơ quan nhà nước phải thực sự có ý thức trong việc cung cấp dịch vụ công trên nền tảng trực tuyến, đồng thời cần có những giải pháp để khuyến khích người dân sử dụng nền tảng số thông qua các hoạt động dịch vụ công ".
Chiều nay nay, diễn 2 hội thảo với các chuyên đề: Chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa - động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số tại tỉnh Thanh Hóa; Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp hướng đến nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh sẽ được tổ chức. Đây là nội dung quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, thực chất và hiệu quả.
9 tháng đầu năm 2022, công tác chuyển đổi số ở Thanh Hóa đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Theo đó, 100% cán bộ, công chức ở Thanh Hóa thực hiện tiếp nhận, xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường mạng.
Tổng số lượt trao đổi, xử lý văn bản trên hệ thống đạt 1.525.644 lượt văn bản, số văn bản gửi đi trên hệ thống là 617.936 văn bản, tỷ lệ ký số cá nhân đạt 98,7%, tỷ lệ ký số cơ quan đạt 99%.
Đã có 14.037 doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử đạt 97%; có 1.138 hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử chiếm 98%; có 1.306.281 hóa đơn điện tử đã được sử dụng và truyền về cơ quan Thuế…
Có 27/27 bệnh viện tuyến huyện đã kết nối hệ thống khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến Trung ương. 100% các bệnh viện công lập triển khai thanh toán phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt...