| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp Tuyên Quang hòa vào 'dòng chảy số'

Thứ Năm 29/09/2022 , 08:45 (GMT+7)

Tuyên Quang đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% hộ sản xuất nông nghiệp đáp ứng tiêu chí phải có tài khoản bán hàng, gian hàng, thanh toán trên sàn thương mại điện tử...

watermark_2-0813_20220712_992

Sản phẩm chè của HTX chè Sử Anh đã được đưa lên sàn thương mại điện tử PostMart. Ảnh: Toán Nguyễn.

Hiện nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có trên 100 doanh nghiệp, HTX đã đưa các sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử như postmart.vn, voso.vn, santmdttuyenquang.gov.vn, ocop.snntuyenquang.gov.vn… Từ các sản thương mại điện tử, nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt sao OCOP của tỉnh Tuyên Quang đã được người tiêu dùng trong nước biết đến và tiêu thụ mang lại giá trị cao.

Việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp được thể hiện khá rõ nét trong hoạt động chứng nhận OCOP của tỉnh Tuyên Quang. Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang đã có trên 200 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, trong đó có trên 70 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản được bảo hộ; 128 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP. 

Các sản phẩm được chứng nhận OCOP đều phải có tem truy xuất nguồn gốc, giúp tiếp cận gần hơn với sàn thương mại điện tử. Đây là cơ hội để nông sản Tuyên Quang tiếp cận tốt với chuỗi cung ứng trên thị trường, nhất là thị trường khó tính nhưng mang lại giá trị và hiệu quả cao là hệ thống các chuỗi siêu thị trên toàn quốc. Tuy nhiên, việc ứng dụng chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm của các đơn vị vẫn đang trong giai đoạn bước đầu, diễn ra còn chậm và còn gặp không ít khó khăn.

Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX chè Sử Anh (huyện Yên Sơn) cho biết, thị trường bán lẻ truyền thống đã bão hòa, nên các đơn vị sản xuất, kinh doanh muốn mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, muốn vậy phải hòa mình vào dòng chảy của nền tảng số. Do đó, khi được công nhận các sản phẩm chè của HTX đạt sao OCOP, gồm 7 sản phẩm đạt từ 3 đến 4 sao, đơn vị đã đưa lên sàn thương mại điện tử PostMart để bán hàng.

z3754594184793_d9aeb71a5b1e66d340cc034bf47ef321

Chè shan tuyết Hồng Thái, huyện Na Hang là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu nổi bật của Tuyên Quang. Ảnh: Toán Nguyễn.

Do các sản phẩm có truy xuất rõ ràng, đã giúp khách hàng dễ dàng truy cập để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, quy trình chế biến sản phẩm. Nhờ đó, mức độ tín nhiệm của khách hàng với sản phẩm được nâng cao, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tăng sản lượng bán hàng bình quân mỗi tháng.

Trang trại bò sữa Hồ Toản, thuộc Công ty Cổ phần Hồ Toản (huyện Yên Sơn) là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào chăn nuôi bò sữa của cả nước. Tại trang trại, hệ thống quản lý, vận hành các hoạt động chế biến thức ăn, theo dõi sức khỏe cho đàn bò, làm mát, xử lý chất thải, vắt sữa, bảo quản sữa tươi... được tự động hóa.

Ông Lương Duy Toản, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hồ Toản cho biết, việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật vào chăn nuôi, đặc biệt là hệ thống CSR (phần mềm quản lý đàn bò) giúp giải phóng sức lao động, cho hiệu quả khá cao. Qua hệ thống phần mềm quản lý, Công ty có thể theo dõi sát sao sức khỏe của từng con bò và xử lý các công việc tại trang trại từ xa. Hiện trung bình mỗi ngày trang trại sản xuất khoảng 15 tấn sữa tươi cung ứng cho Công ty Cổ phần sữa Vinamilk.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, Tuyên Quang đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% số hộ sản xuất nông nghiệp đáp ứng tiêu chí có tài khoản bán hàng, gian hàng trên sàn thương mại điện tử, triển khai thanh toán điện tử trên sàn thương mại điện tử; 50% sản lượng nông sản của các hộ sản xuất nông nghiệp được tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử đối với các loại nông sản trong cao điểm thu hoạch...

Để đạt được mục tiêu này, việc đạt chuẩn từ khâu sản xuất theo quy trình an toàn là rất quan trọng. Tỉnh Tuyên Quang cũng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển khoa học công nghệ; có phương thức đầu tư, cơ chế tài chính, chính sách cán bộ, cơ chế tự chủ cho các tổ chức phù hợp với kinh tế thị trường, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương…

Trên thực tế, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Tuyên Quang đã có giá trị, có chỗ đứng trên thị trường và được đánh giá tốt về chất lượng như sữa tươi của Công ty Cổ phần Hồ Toản, chè shan tuyết Hồng Thái, cam sành Hàm Yên, bưởi Soi Hà… Đó là những nền tảng tốt để nông nghiệp xứ Tuyên soi vào và tìm hướng đi phù hợp trong công cuộc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo vị thế vững chắc trên thị trường.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng 6,3%

Ngày 26/12, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai kế hoạch công tác năm 2025.