Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 có một điểm mới mà nhiều người rất đồng tình và tâm đắc, đó là khái niệm “dân thụ hưởng”. Vậy thì làm sao để người dân được thụ hưởng đúng nghĩa?
Trước đây, quyền của người dân chủ yếu được nhấn mạnh khía cạnh kiểm soát quyền lực Nhà nước mà tiêu biểu nằm ở chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Bây giờ, mục tiêu được hướng tới là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát và dân thụ hưởng”.
Một sự thu hoạch đáng phấn khởi ban đầu từ thực tế để làm nền tảng cho khái niệm “dân thụ hưởng”, đó là kết quả xây dựng nông thôn mới. Qua đóng góp trực tiếp của mỗi hộ dân và mỗi người dân, đã có những xã đạt chuẩn nông thôn mới, những huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Và cái danh hiệu ấy không nhằm đưa vào các bảng báo cáo thành tích, mà trực tiếp nâng cao chất lượng sống cho người dân trên địa bàn khang trang hơn, sạch đẹp hơn, trù phú hơn, giàu có hơn, văn minh hơn.
Khái niệm “dân thụ hưởng” liên quan đến quyền lợi chính đáng của người dân. Đối với người dân, thụ hưởng vật chất và thụ hưởng tinh thần đều quan trọng như nhau, nên đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Khái niệm “dân thụ hưởng” cũng đòi hỏi mở rộng cơ chế dân chủ cơ sở. Người dân không chỉ được quyền cung cấp thông tin về đường lối của Đảng và Nhà nước, được quyền bàn bạc và chất vấn các văn bản hành chính, được quyền kiểm soát thực thi các chính sách, mà còn được quyền đón nhận những điều tích cực nhất.
Rõ ràng, để “dân thụ hưởng” thì đội ngũ công chức, viên chức trong bộ máy công quyền phải có những sự tận tụy và sự cống hiến vượt trội hơn nữa. “Dân thụ hưởng” cũng có nghĩa là phải chấm dứt các hành vi và các thủ tục mang xu hướng dồn đẩy cái khó cho người dân.
Khái niệm “dân thụ hưởng”, nói cho cùng, là làm sao mọi văn bản được ban hành hay mọi dự án được triển khai đều hướng đến lợi ích thiết thực của người dân, và ngăn chặn mọi biểu hiện “lợi ích nhóm”.
Khi một khu đô thị mới hình thành, thì người dân được thụ hưởng cuộc sống nhộp nhịp và tiện nghi, chứ không phải hốt hoảng vì những phần đất bị giải tỏa nằm ngoài ranh quy hoạch vì sự tắc trách đáng phẫn nộ.
Khi một con đường mới xây dựng, thì người dân được thụ hưởng sự đi lại thông thoáng, chứ không phải băn khoăn những “đường cong mềm mại” vì sự uốn nắn toan tính thấp hèn.
Khi một kế hoạch trợ giá áp dụng cho thị trường, thì người dân được mua hàng với nhiều ưu đãi, chứ không phải bẽ bàng vì chứng kiến doanh thu tăng vọt của những đầu nậu tinh khôn.
Người dân chỉ thực sự được thụ hưởng, khi và chỉ khi mối quan hệ giữa người dân và chính quyền trở thành dịch vụ công ích minh mạch, chứ không phải “xin - cho” hay “ban phát”.