Trong diễn đàn khuyến nghị một số nội dung trọng tâm cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Đất đai năm 2013 do Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức vào ngày 8/7/2020, vấn đề nguyên nhân khiếu kiện về đất đai cũng được rất nhiều đại biểu quan tâm.
Khiếu kiện về đất đai hiện chiếm tới trên dưới 80% trong hàng vạn vụ khiếu kiện. Rất nhiều vụ khiếu kiện đông người, kéo dài hàng chục năm. Đồng thời phần lớn các vụ tham nhũng cũng liên quan đến đất đai.
Đề cập đến vấn đề này, các đại biểu đều cho rằng nguyên nhân là từ sự bất hợp lý giữa giá đất bồi thường cho người bị thu hồi đất và giá bán nhà, đất tại các dự án.
Ví như ở Thái Bình, mỗi mét vuông đất nông nghiệp bị thu hồi, người nông dân dược đền bù 110 ngàn đồng, trong đó đền bù về đất chỉ 39 ngàn đồng, còn lại là cả chục khoản khác. Trong khi giá bán mỗi mét vuông đất tại các dự án xây dựng trên đất bị thu hồi đó từ 15 đến 20 triệu đồng, gấp 150 đến 200 lần.
Tại các địa phương khác, tình hình cũng không khác nhiều. Chính sự bất hợp lý đó đã khiến người nông dân bức xúc, nẩy sinh khiếu kiện, đồng thời là cơ hội cho một số người có thẩm quyền tham nhũng, nhận hối lộ.
Đất đai, đối với người nông dân, luôn luôn là máu thịt. Số tiền đền bù khi bị thu hồi đất quá rẻ mạt, không đủ để đầu tư chuyển đổi sang nghề khác. Bỗng chốc trở thành trắng tay, buộc phải tha hương kiếm sống.Chính đó là nguyên nhân dẫn đến số người ly hương vào các thành phố làm thuê ngày càng đông, khiến hạ tầng quá tải.
Vì vậy,vấn đề đặt ra là cần phải nghiên cứu quy định giá đền bù đất cho người dân ngang bằng với giá thị trường.
Theo TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, phó chủ tịch hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, thì tại các điều 53; 54 hiến pháp năm 2013 đã quy định : nhà nước thu hồi đất trong trường hợp cần thiết do luật định. Luật ở đây chủ yếu là luật đất đai. Nhưng trong luật đất đai năm 2013 quy định không rõ, vì vậy cần sửa đổi, làm rõ các điều 61; 62; 63; 64; 65 khi thu hồi từng mục tiêu cụ thể.
Đối với vấn đề nổi cộm về bồi thường khi thu hồi đất, ông Đào Ngọc Nghiêm đề nghị chỉnh sửa các điều từ 74 đến 82 của luật đất đai năm 2013, làm rõ các khái niệm vì lợi ích quốc gia, công cộng, khái niệm về đất ở khi bồi thường.
Đã công nhận quyền sử dụng đất là tài sản, thì sao không xây dựng một thị trường quyền sử dụng đất lành mạnh.
Trên thực tế, thị trường đó đã hình thành từ lâu. Việc chuyển nhượng đất đai hiện nay chính là chuyển nhượng quyền sử dụng dất.
Vì vậy, đối với mỗi dự án thương mại, hãy có quy định bắt buộc chủ đầu tư và người có quyền sử dụng đất thỏa thuận với nhau hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Khi thỏa thuận xong thì nhà nước mới có quyết định thu hồi và giao cho chủ đầu tư. Nếu được thế, thì người có quyền sử dụng đất chẳng có lý do gì để khiếu kiện nữa.