| Hotline: 0983.970.780

Những điều cần biết về gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng

Thứ Ba 21/04/2020 , 05:35 (GMT+7)

Tất cả những điều cần biết về gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 do Thủ tướng thông qua ngày 9/4.

7 nhóm đối tượng được thụ hưởng gói hỗ trợ

Theo Nghị quyết của Chính phủ, gói hỗ trợ với hơn 62.000 tỷ đồng, hỗ trợ khoảng 20 triệu người, thuộc 7 nhóm đối tượng.

Cụ thể, ngoài chế độ trợ cấp thường xuyên, người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng sẽ được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ 250.000 đồng/nhân khẩu/tháng. Với ba nhóm đối tượng này, họ được lĩnh một lần với thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng.

Người lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ một tháng trở lên do doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương, thì được hỗ trợ mức 1,8 triệu đồng/người/tháng. Hình thức hỗ trợ theo tháng, căn cứ theo diễn biến của dịch Covid-19, tính từ ngày 1/4/2020 và không quá 3 tháng.

Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, thực hiện hỗ trợ hằng tháng theo tình hình thực tế của diễn biến dịch Covid-19. Thời gian áp dụng từ tháng 4/2020 đến tháng 6/2020.

Người bán hàng rong là một trong những đối tượng được thụ hưởng gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN.

Người bán hàng rong là một trong những đối tượng được thụ hưởng gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN.

Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/4/2020 được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng, thực hiện hỗ trợ hằng tháng theo tình hình thực tế của diễn biến dịch Covid-19, nhưng không quá 3 tháng.

Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 - 6 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế, nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%.

Thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hằng tháng đến người bị ngừng việc.

Thời gian dự kiến gói hỗ trợ tới tay người dân

Theo ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), ngoài việc yêu cầu triển khai thực hiện đúng đối tượng, công khai, minh bạch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đều yêu cầu phải triển khai rất nhanh đến tay người thụ hưởng, không được để tình trạng lòng vòng, không được để độ trễ khi thực hiện chính sách.

“Một số đối tượng như người có công, bảo trợ xã hội, hộ người nghèo và cận nghèo ngay trong tháng 4 này sẽ được thụ hưởng. Đối tượng thụ hưởng từ chính sách bảo hiểm xã hội cũng sẽ được triển khai ngay, không chờ đợi nữa", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì (ngày 10/4). Ảnh: VGP.

Đối tượng có hợp đồng lao động sẽ được hỗ trợ thông qua hệ thống doanh nghiệp và xác nhận của chính quyền địa phương; khi đầy đủ hồ sơ, sau 5 ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải giải quyết.

Đối với doanh nghiệp được vay ưu đãi để trả lương cho người lao động, chỉ được vay khi đã trả 50% mức lương cho người lao động. Việc trả lương này không phải trả qua doanh nghiệp, mà trả thẳng cho người lao động. Doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm lập danh sách và cơ quan chức năng sau khi đã kiểm tra toàn bộ danh sách trả lương chuyển thẳng cho người lao động.

Đối với nhóm hộ kinh doanh cá thể, dự kiến sẽ được áp dụng chính sách hỗ trợ vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5.

Với các gói hỗ trợ cho các nhóm người lao động có quan hệ lao động sẽ được giải quyết sớm với tinh thần tháng nào bị giảm sâu về thu nhập và đủ điều kiện nhận hỗ trợ thì sẽ được áp dụng. Do đó, thời gian nhận hỗ trợ của nhóm này sẽ chậm hơn, vào cuối tháng 4, đầu tháng 5, hoặc chậm nhất là tháng 6.

Dự kiến, đối tượng người có công, bảo trợ xã hội thì do ngành Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiến hành kê khai và trực tiếp để chi trả. Người thuộc diện nghèo và hộ nghèo thì do Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp quản lý kê khai và chi trả.

Đối tượng thuộc diện tạm dừng đóng bảo hiểm thì do Bảo hiểm xã hội của cấp huyện chi trả.

“Chúng tôi sẽ lập một Trang thông tin điện tử, công khai tất cả những chủ trương, chính sách để cho người dân hoàn toàn có thể tiếp cận vấn đề này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Cụ thể hóa nhóm lao động tự do được thụ hưởng

Hiện nay, thống kê sơ bộ của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, cả nước có 1,4 triệu người có công, 10 triệu hộ nghèo và cận nghèo, 3,1 triệu đối tượng bảo trợ thuộc diện được hỗ trợ theo gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng an sinh xã hội. Tổng 3 nhóm đối tượng này là 14,5 triệu người.

Riêng số lao động tự do, theo dự báo của các chuyên gia lao động, con số này có thể sẽ lên tới 4-5 triệu người.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc xác định hỗ trợ đối với lao động tự do là vấn đề rất khó bởi không dễ định lượng được các tiêu chí, công việc. Tuy nhiên, đây lại là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, tác động sâu nhất bởi đại dịch Covid-19.

Trong đó, lao động tự do sẽ được phân làm các nhóm cơ bản như bán hàng rong; bốc vác; xe hai bánh, hay còn gọi là xe ôm; người thu rác; người bán vé số; người làm khu vực dịch vụ như nhà hàng; người làm cơ sở chăm sóc sức khỏe, làm đẹp.

Người bán vé số dạo tại nhiều tỉnh thành được hỗ trợ trong thời gian từ 1-15/4. Ảnh minh họa: VOV.

Người bán vé số dạo tại nhiều tỉnh thành được hỗ trợ trong thời gian từ 1-15/4. Ảnh minh họa: VOV.

Trước đó, sáng 29/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý kiến nghị của Bộ Tài chính về việc dừng phát hành xổ số kiến thiết trong 15 ngày, kể từ ngày 1/4.

Ngay lập tức, TP.HCM và hàng loạt tỉnh thành đã vào cuộc hỗ trợ các đối tượng khó khăn. Ví dụ, vào đầu tháng 4 vừa qua, TP.HCM hỗ trợ gạo và tiền mặt cho gần 21.000 người bán vé số là hộ nghèo.

Tại Sóc Trăng, 3.000 người bán vé số dạo được hỗ trợ tổng cộng 900.000 đồng/người trong khoảng thời gian 15 ngày ngừng xổ số.

Tại Bạc Liêu, khoảng 1.600-1.800 người được tỉnh phê duyệt hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày.

Ngoài ra, các Mạnh Thường Quân trên cả nước, với tinh thần lá lành đùm lá rách, tương thân tương ái, chung tay làm nhiều việc thiện nguyện giúp những người yếu thế trong đại dịch Covid-19.

Ví dụ các điểm phát gạo, phát nhu yếu phẩm hàng ngày. Sáng tạo nhất phải kể tới mô hình các “cây ATM gạo”.

Thống kê số lượng các cây ATM gạo trên cả nước tính đến 20/4. Đồ họa: VOV.

Thống kê số lượng các cây ATM gạo trên cả nước tính đến 20/4. Đồ họa: VOV.

Thống kê sơ bộ đến ngày 20/4, cả nước có hàng chục cây ATM gạo đang hoạt động. Hà Nội dẫn đầu với 5; TP.HCM, TP. Huế, Bình Thuận hiện có 3; Đắk Lắk có 2; Lào Cai, Hòa Bình, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bạc Liêu, Cà Mau có 1…

Người lao động tự kê khai, đề nghị được hỗ trợ

Theo dự thảo của Bộ LĐ-TB&XH, người lao động tự do gặp khó khăn, có nhu cầu hỗ trợ thì kê khai theo mẫu gửi UBND cấp xã nơi cư trú hợp pháp (có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú).

Trên cơ sở đề nghị của người lao động, UBND cấp xã rà soát, đánh giá và lập danh sách người lao động tự do đủ điều kiện hưởng hỗ trợ với sự tham gia của đại diện các tổ chức chính trị, xã hội, đại diện cộng đồng dân cư.

Danh sách người lao động kê khai trên sẽ được niêm yết công khai trong 5 ngày tại trụ sở UBND xã nơi cư trú. Sau đó danh sách được gửi tới phòng LĐ-TB&XH thẩm định, trình chủ tịch UBND cấp huyện quyết định, và trực tiếp chi trả cho người lao động.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.