Quyết định nói trên được đưa ra dựa trên các nghiên cứu cho thấy về tỉ lệ ung thư vú và tuyến tiền liệt gia tăng trong số các phụ nữ và nam giới chỉ bắt đầu làm việc khi trời đã tối.
Trong những năm gần đây, kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ làm ca đêm trong nhiều năm thực sự dễ bị ung thư vú hơn. Các nghiên cứu khác cũng xác định đàn ông làm ca đêm có thể có nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt cao hơn. Các nhà khoa học giải thích cơ chế làm việc ca đêm dễ gây ung thư là do chế độ làm việc ban đêm sẽ phá hỏng đồng hồ sinh học của cơ thể con người. Khi nhịp điệu tự nhiên của cơ thể bị rối loạn, cơ thể có thể sẽ không thực hiện được các nhiệm vụ thiết yếu để duy trì một sức khoẻ bình thường và chống lại ung thư.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà khoa học, cần có những khảo sát rộng rãi hơn với nhiều nhóm đối tượng khác nhau trước khi có thể khẳng định hay bác bỏ giả thuyết cho rằng “làm đêm làm tăng nguy cơ ung thư”.
Trong khi đó, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) cho biết họ rất có thể sẽ theo khuyến cáo của WHO, tức là đưa “làm việc ban đêm” vào danh sách “những chất được xác định có thể gây ung thư”, nhưng họ vẫn cho rằng mối liên hệ giữa ung thư và làm ca đêm là một vấn đề “không chắc chắn, gây tranh cãi và chưa được chứng minh”.
Theo ACS, có thể còn có nhiều tác nhân khác làm tăng nguy cơ ung thư trong số những người “lấy đêm làm ngày”.
Nếu làm ca đêm được chứng minh là có liên quan đến ung thư thì sẽ có hàng triệu người trên thế giới bị ảnh hưởng. Các chuyên gia ước tính rằng trong tổng số người đang làm việc tại các nước phát triển, có gần 20% làm ca đêm.