| Hotline: 0983.970.780

Lần đầu xuất ngoại làm phim

Thứ Tư 21/06/2023 , 06:00 (GMT+7)

Giữa năm 2022, Ban Biên tập giao nhiệm vụ cùng đồng nghiệp thực hiện bộ phim nhiều tập 'Chuyện hạ nguồn Mekong' khiến tôi không khỏi bất ngờ.

Vốn có nhiều năm công tác ở Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, tôi mới chuyển về Báo Nông nghiệp Việt Nam một thời gian chưa phải là dài. Dù biết tờ báo với truyền thống 78 năm đang trong công cuộc chuyển đổi mạnh mẽ để trở thành cơ quan báo chí đa phương tiện, đang xây dựng hệ sinh thái báo chí đầy đủ các hình thức từ báo in, báo điện tử, truyền hình, radio, chuyên trang Tiếng Anh… thế nhưng chuyện tổ chức đi nước ngoài để làm phim thực sự không hề đơn giản.

Theo trí nhớ qua mấy mươi năm làm nghề của tôi hình như chưa có một cơ quan báo in nào dám làm chuyện đó cả. Phải chăng Nông nghiệp Việt Nam là tờ báo ngành đầu tiên tổ chức một đoàn làm phim đi tổ chức sản xuất tại nước ngoài!

Đoàn làm phim chụp ảnh kỷ niệm với các bạn Lào.

Đoàn làm phim chụp ảnh kỷ niệm với các bạn Lào.

Đề tài đặt ra rất thách thức. Ký sự về Mekong đã nhiều, tuy nhiên biến đổi khí hậu ảnh hưởng nông nghiệp như thế nào, tác động đến cuộc sống người dân ở các quốc gia hạ nguồn Mekong ra sao, giải pháp thích ứng như thế nào lại rất mới. Thiên nhiên biến đổi, thông tin có được chưa nhiều, lại lần đầu xuất ngoại để thực hiện nên ai nấy đều khá lo. Tuy nhiên sự âu lo ấy nhanh chóng qua khi Ban Biên tập quyết định thành lập đoàn làm phim do nhà báo Trần Cao, phó Tổng Biên tập làm trưởng đoàn. Anh nửa động viên, nửa “quát”: Phải làm mới biết năng lực mình đến đâu chứ.

Cuối tháng 10 thì chúng tôi lên đường. Nhà báo Trần Cao, Tô Đức Huy, Hoàng Anh, Quang Dũng, tôi và mấy anh em quay phim. Chúng tôi di chuyển bằng xe ô tô cho thuận tiện việc sản xuất phim. Xuất phát từ Hà Nội, nghỉ một đêm ở thành phố Vinh và 5h sáng hôm sau tiếp tục cuộc hành trình đến cửa khẩu Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An. Sau đó là hành trình vượt dãy Trường Sơn để đến với đất nước Lào tươi đẹp. Phải mất hơn nửa ngày vật lộn với cung đường khoảng 200 cây số từ cửa khẩu đến Phôn Sa Vẳn, trung tâm của tỉnh lị Xiêng Khoảng.

Trong tiếng Lào, Xiêng Khoảng có nghĩa là vùng đất phía chân trời. Vùng cao nguyên Bắc Lào này là điểm giao thoa đất trời nằm trên độ cao 1.200m so với mực nước biển. Xiêng Khoảng mang nhiều nét tương đồng với những cao nguyên ở Việt Nam như Đà Lạt, Mộc Châu. Đi đến đâu cũng dễ dàng cảm nhận tình hữu nghị đặc biệt, hiếm có giữa hai nước anh em Việt - Lào. Vết tích những trận đánh oai hùng trên Cánh đồng chum ngày trước. Những dự án hợp tác đầu tư hôm nay. Trong dòng chảy tưởng chừng vô tận của dòng sông Mekong, dấu chân của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư đang ngày một nhiều trên đất nước Triệu Voi vì sứ mệnh cùng nhau phát triển.

Điển hình như Công ty Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đầu tư thực hiện dự án chăn nuôi bò sữa Vinamilk Lào - Jagro. Đó không chỉ là tổ hợp chăn nuôi bò sữa lớn và hiện đại nhất đất nước Lào mà còn nhất khu vực Đông Nam Á.

Dự án này là sự hợp tác của ba quốc gia Việt Nam - Lào - Nhật Bản, trong đó Vinamilk góp cổ phần hơn 51%. Nôm na là người Lào đóng vai trò trung tâm tiếp nhận đầu tư và cung cấp quỹ đất để hình thành các tổ hợp trang trại quy mô siêu lớn. Vinamilk là nhà đầu tư chính với nguồn lực tài chính dồi dào, có kinh nghiệm về xây dựng ngành chăn nuôi bò sữa. Nhật Bản cung cấp nguồn gen quý hiếm, cung cấp thiết bị, công nghệ, các bí quyết trong ngành chăn nuôi gia súc và quản trị chất lượng theo các tiêu chuẩn cao nhất.

Một sự kết hợp hài hòa, giống như trồng hoa anh đào hai bên những con đường trong khuôn viên dự án. Loài hoa từ xứ sở mặt trời mọc xem ra rất hợp với đất Xiêng Khoảng. Cây đã bắt đầu khép tán, mùa xuân tới có khi trang trại nuôi bò này sẽ rợp bóng hoa anh đào.

Đoàn làm phim ghi hình tại Vinamilk Lào - Jagro.

Đoàn làm phim ghi hình tại Vinamilk Lào - Jagro.

Cách đó không xa là Bản Hỏi với những cánh đồng lúa nếp Kay Noi sắp đến ngày gặt. Trong tiếng Lào Kay có nghĩa là con gà, Noi là nhỏ. Đây là giống lúa nếp nổi tiếng nhất của người Lào có nguồn gốc từ hai tỉnh Xiêng Khoảng và Hủa Phăn. Nếp Kay Noi nấu xôi thì tuyệt ngon. Hạt tròn chắc, nấu xôi rất dẻo. Người dân Lào ăn xôi nếp thay cơm. Vào những dịp tết cổ truyền, lễ phật hay các sự kiện trọng đại của địa phương, thứ phải chuẩn bị đầu tiên bao giờ cũng là xôi nếp. Nói chuyện với trưởng bản và những người dân nơi đây đã thấy được sự cố gắng vươn lên khắc phục thiên tai thời tiết để tạo lên những cánh đồng Kay Noi vàng óng và điều rất xúc động là người dân bản Hỏi nói riêng và nhân dân Lào nói chung rất quý các bạn Việt Nam.

Đi trên cánh đồng lúa nếp Kay Noi.

Đi trên cánh đồng lúa nếp Kay Noi.

Tạm biệt Xiêng Khoảng chúng tôi di chuyển đến Luang Prabang với quãng đường chưa đến 200 cây số nhưng với cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, việc di chuyển của chúng tôi mất cả một ngày đường. Hạ tầng yếu kém cũng lý do khiến đất nước Lào vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á. Chúng tôi dừng chân tại huyện Pắc U cách trung tâm tỉnh Luang Prabang khoảng 30 cây số. Đây là một vùng bán sơn địa vừa có đồi núi lại gần ngã ba sông Nậm U và Mekong, điều kiện lý tưởng phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi và cây ăn quả. Đến bản Mường Khai, bản làng chài cổ của người Lào Lùm có tuổi đời đã hơn 700 năm nằm cách cố đô Luang Prabang khoảng gần 20 cây số.

Sau khi bàn bạc, trưởng đoàn Trần Cao quyết định sẽ ở đây một ngày để thực hiện tập phim trong chuỗi ký sự về hạ nguồn Mekong. Lấy nhân vật ông lão Somchit Inthavong (60 tuổi) - người gắn bó cả đời với nghề chài lưới trên dòng Mekong để “tạo mạch”. Với Inthavong và dân bản Mường Khai, sông chính là dòng máu, cho dù để mưu sinh hay là nơi tổ chức các lễ hội phong phú, sông là nguồn sống cho cá tôm tưởng chừng như vô tận. Nhờ ơn mẹ thiên nhiên nên dân bản Mường Khai đánh được những con cá lăng, cá da trơn nặng hơn 30kg. Cá đánh lên mang đi đổi lúa gạo, đổi lấy vật dụng sinh hoạt, cuộc sống tuy không đến mức giàu có nhưng có thể coi là sung túc, an yên bên dòng sông vẫn hào phóng và bao dung. Một ngày ở bản, cùng sinh hoạt, ăn uống với người Mường khai giúp chúng tôi có thêm những tình cảm tốt đẹp và chất liệu phong phú để dựng phim.

Người Lào có câu nói “chưa đến Luang Prabang xem như bạn chưa đến với đất nước chúng tôi”. Luang Prabang là thành phố du lịch nổi tiếng nhất xứ sở Triệu Voi, năm 1995 được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Người Lào còn gọi Luang Prabang là thành phố "nhường", bởi nơi đây không có xe taxi, không có đèn tín hiệu giao thông, người dân đi lại trên đường chậm rãi, ai cũng muốn nhường người khác đi trước.

Cảnh ghi hình nhà sư đi khất thực buổi sáng tại Luang Prabang.

Cảnh ghi hình nhà sư đi khất thực buổi sáng tại Luang Prabang.

Chúng tôi dậy từ 4h30 để có được những cảnh quay nhà sư đi khất thực, khi ánh bình minh còn chưa chiếu rọi lên cung điện hoàng gia. Vì là quốc gia Phật giáo nên các nhà sư ở chùa rất được coi trọng. Công lớn việc bé gì nhất định phải mời bằng được nhà sư đến tham dự, buộc chỉ ban phước lành. Để hòa nhập với văn hóa của Luang Prabang anh em chúng tôi cũng xin cho mình một đoạn chỉ buộc lên cổ tay lấy may mắn.

Bình minh ở Luang Prabang.

Bình minh ở Luang Prabang.

Nhịp sống ở đây thật chậm. Sông Mekong chảy qua Luang Prabang cũng thật chậm. Sông lững lờ trôi quanh thành phố. Nhẩn nhan qua chùa tháp, danh thắng, bản làng yên bình. Có thể nói Luang Prabang là không gian văn hóa đặc sắc và yên bình nhất của đất nước Triệu Voi. Với gần 60 ngôi làng cổ kết hợp với nhau thành phố, kiến trúc, tôn giáo, văn hóa dân tộc độc đáo gắn liền với các danh thắng chùa Xiêng Thong, thác Kwang Si, núi Phousi… 

Điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi trong chuyến làm phim là thủ đô Viêng Chăn. Từ khi có đường sắt cao tốc, thời gian đi từ Luang Prabang đến Viêng Chăn chỉ mất 2,5 tiếng đồng hồ thay vì mất một ngày đường chạy xe ô tô.

Đón và đưa chúng tôi đi thực tế các mô hình nông nghiệp là chị Lương Thị Thùy Dung, một người con gái quan họ Bắc Ninh lấy chồng và sinh sống ở Lào đã gần 10 năm nay. Cả hai vợ chồng đều sinh hoạt trong Hội người Việt tại Lào, tham gia hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp hai nước. Anh chồng từng học ở Việt Nam, nói tiếng Việt rất giỏi, thường làm phiên dịch cho các đoàn. Họ dẫn chúng tôi đến nhà máy sản xuất lúa gạo Southat Rice của ông chủ Southat Keoduangsy. Đây là nhà máy lúa gạo lớn nhất Viêng Chăn được xây dựng trên diện tích 2ha với vốn đầu tư khoảng 2 triệu USD. Một giờ có thể xay xát 3,5 tấn gạo, một năm có thể bán từ 7.000 đến 8.000 tấn ra thị trường. Ngoài những giống đặc sản của địa phương như lúa nếp Kay Noi, Southat Rice còn liên kết với người dân sản xuất và tiêu thụ lúa gạo của Việt Nam. Anh Southat Keoduangsy mong muốn trong thời gian tới sẽ được hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để sản xuất lúa gạo quy mô lớn hơn.

Cảnh ghi hình doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Lào.

Cảnh ghi hình doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Lào.

Hơn nửa tháng trời, đoàn làm phim Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đi xuyên cung đường hơn một ngàn cây số. Thành quả là đoàn đã xây dựng được 4 tập phim ở Lào trong chuỗi 7 tập phim "Chuyện hạ nguồn Mekong". Cùng với đó là những kinh nghiệm làm phim quý báu, những trải nghiệm về văn hóa, con người và tình hữu nghị đời đời của hai nước Việt - Lào anh em.

Dòng Mekong vẫn chảy, cùng với đó là một dòng chảy mới từ đất nước Lào. Dòng chảy của hòa bình, kết nối sinh tồn, bền vững, thịnh vượng của tất cả các quốc gia.

Xem thêm
Quốc hội đồng ý chủ trương chi 122.000 tỷ đồng phát triển văn hóa

Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng.

Lần đầu công bố Kịch bản nguồn nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình

Trong Kịch bản nguồn nước (lần đầu) lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) khuyến cáo việc sử dụng hợp lý nguồn nước trong và sau thời kỳ đổ ải.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Thủ tướng đồng ý đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc nghỉ Tết Âm lịch và một số dịp nghỉ lễ trong năm 2025.