| Hotline: 0983.970.780

Lan tỏa phong trào trồng rừng

Thứ Tư 13/06/2018 , 15:50 (GMT+7)

Từ việc trồng thành công rừng tràm trên vùng đất hoang hoá, cằn cỗi của Chi hội Cựu chiến binh (CCB) ấp Bù Dinh, xã Thanh An, huyện Hớn Quản, Bình Phước, phong trào làm kinh tế tập thể đang lan rộng góp phần phủ xanh đất trống, cải thiện đời sống...

Việc khó có cựu binh

Cách đây 3 - 4 năm, ấp Bù Dinh có một bàu trảng trống khá rộng, đất đá cằn cỗi, nước ngập, bỏ hoang. Chính quyền quyết định giao cho các đoàn thể trong xã trồng cây. Tuy nhiên, phần do đất cằn, phần thiếu vốn đầu tư, cải tạo, nên không ai có hứng thú làm.

06-31-52_nh_1
Các CCB xã Thanh An, huyện Hớn Quản chăm sóc rừng trồng

Sau khi khảo sát kỹ, cuối cùng, chi hội Cựu chiến binh ấp đã họp bàn, ra “nghị quyết” xung phong nhận làm. Mặc dù “nguồn vốn” chỉ có đôi tay và sự cần cù, nhưng hơn 1 năm sau, vùng đất hoang hoá đã thành rừng tràm.

Để tránh tình trạng “cha chung không ai khóc” chi hội đã đưa vào nghị quyết hàng năm, mỗi hội viên đều phải có trách nhiệm quản lý, chăm sóc vườn. Khi cây còn nhỏ, hội huy động 12/12 hội viên làm cỏ, bón phân, năm thứ ba trở đi tỉa chồi, tạo tán, chống cháy. Hội viên nào bận không tham gia được phải đóng góp tiền quy ra ngày công lao động.

Sau 3 năm, rừng tràm phát triển khá tốt, muốn nhìn lên ngọn cây, phải ngửa cổ hết cỡ mới thấy. Ông Cao Khắc Tứ, chi hội trưởng Hội CCB ấp Bù Dinh nói: “Chi hội chọn tràm để trồng bởi cây có sức sống mãnh liệt, dễ trồng, dễ chăm sóc. Tôi thấy việc làm này rất hiệu quả, ý nghĩa”.

Đến nay, chi hội đã bỏ khoảng 150 công chăm sóc, chi phí đầu tư hết 7 triệu đồng trích từ nguồn quỹ hoạt động của mình. Ông Điểu Khiêm, hội viên Hội CCB ấp nói: “Lấy tiền quỹ của tập thể làm, CCB ấp được hưởng, chúng tôi chỉ bỏ công chăm sóc, không vất vả. Đồng đội rất đoàn kết, cùng nhau làm vui lắm, ai cũng hào hứng. Có lúc đi làm cỏ, gia đình tôi bận lo đám cưới con, tôi báo lại cho chi hội trưởng và đóng góp tiền công của ngày đó. Chờ vườn tràm lớn thu hoạch có thêm nguồn quỹ...”.

Hội viên Chi hội CCB Bù Dinh có đời sống kinh tế ở mức trung bình - khá. Hiện chi hội đã xây dựng được nguồn quỹ trên 30 triệu đồng, bình quân 2,8 triệu đồng/hội viên, cho 4 hội viên vay phát triển kinh tế. Tiền lãi dùng để hoạt động, thăm tặng quà gia đình chính sách, thanh niên lên đường nhập ngũ... Năm 2018, chi hội nâng nguồn quỹ lên 3 triệu đồng/hội viên trong khi trước đây, nguồn quỹ chỉ mới đạt bình quân 1,5 triệu đồng/hội viên.
 

Lan tỏa

Thành công của Hội CCB Bù Dinh đã tạo hiệu ứng tích cực, phong trào trồng rừng, giúp nhau làm kinh tế lan toả sang các chi hội CCB khác trong xã. Một trong số đó là chi hội CCB ấp Địa Hạt, xã Thanh An. Từ năm 2015, chi hội mượn đất quy hoạch nghĩa trang ấp Địa Hạt và ấp Sóc Dầm trồng hơn 1ha mì (sắn). Ngay vụ đầu tiên đã thu lãi ngót chục triệu đồng, chưa tính công hội viên chăm sóc.

06-31-52_nh_3
Các CCB tham gia diễn tập phòng chống cháy rừng

Tuy nhiên, trồng khoai mì lợi nhuận không cao nên từ năm 2017, các hội viên sau khi bàn bạc, đã đi đến quyết định đề xuất xin chủ trương UBND xã Thanh An cho thuê khu đất trống khá rộng ở ấp Trung Sơn trong 10 năm để cải tạo, đầu tư rào lưới, trồng rau sạch.

Đến nay, quỹ của hội đã lên đến 43 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Kiều, Chi hội phó Hội CCB ấp Địa Hạt nói: “Đất bỏ hoang nhiều năm nay, nghe chúng tôi đề xuất, xã ủng hộ ngay. Một công đôi ba việc, vừa không lãng phí đất, vừa tăng thêm thu nhập. Chúng tôi có thuận lợi là được chính quyền hỗ trợ, còn hội viên thì rất đồng lòng, đoàn kết và hiểu nhau. Từ khi các hội viên tham gia làm kinh tế, mặc dù làm cũng mệt, cũng đau lưng, nhưng thấy ai cũng như trẻ, khoẻ ra”.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch Hội CCB xã Thanh An cho biết, Hội CCB xã có 12 chi hội, với 240 hội viên. Hầu hết hội viên tuổi đời đã cao, sức khỏe không còn tốt, nhưng tinh thần thì còn khá cao, và đặc biệt, trong mỗi con người đều có sẵn tính kiên nhẫn, nhiệt tình hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, tham gia hoạt động xã hội.

Hiện hội xây dựng được nguồn quỹ 734 triệu đồng, bình quân 3,058 triệu đồng/hội viên. Từ đó, hội giải quyết cho trên 50 hội viên vay phát triển kinh tế mức 10 - 15 triệu đồng/hội viên. Nhờ có vai trò dẫn dắt của các cấp hội, cộng với sự nỗ lực của bản thân mỗi hội viên, sự sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, năm 2017 hội có 2 hộ hội viên thoát nghèo, tỷ lệ hộ hội viên nghèo của xã chỉ còn 1 hộ.

“Mấy năm nay, Hội CCB Thanh An đã phát động phong trào giúp nhau xóa đói giảm nghèo, gây quỹ, được tất cả hội viên nhiệt tình tham gia. Ngoài nguồn đóng góp xây dựng quỹ cho vay không lấy lãi hoặc lãi suất thấp để phát triển kinh tế gia đình, một số chi hội tổ chức sản xuất, trồng cây gây quỹ.

Yếu tố quan trọng để thành công, theo tôi là sức mạnh của sự đoàn kết. Nhờ vậy mà nhiều diện tích đất cằn, hoang hoá được trồng cây, phủ xanh. Và quan trọng nhất là cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho hội viên. Những mô hình kinh tế của Hội CCB Thanh An đang được nhân rộng ra các xã”, ông Hải nói.

 

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.