Làng đá Khuổi Ky hơn 400 năm tuổi của người Tày
Thứ Tư 24/05/2023 , 14:50 (GMT+7)Làng đá Khuổi Ky ở huyện Trùng Khánh mang vẻ đẹp của kiến trúc độc đáo và lạ mắt, cùng không gian bao quanh bởi núi rừng hoang sơ, gắn với thiên nhiên.
Làng đá Khuổi Ky cách trung tâm thành phố Cao Bằng hơn 80km thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Ngôi làng cổ của người Tày còn giữ được những nét độc đáo về kiến trúc và văn hóa nên trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách. Những ngôi nhà sàn cổ có tuổi hàng trăm năm, được xây hoàn toàn bằng đá, lợp ngói âm dương truyền thống.
Theo nhiều nguồn, những ngôi nhà sàn đá này có từ khoảng năm 1594 - 1677, khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng xây dựng thành quách để phòng thủ, những ngôi nhà sàn bằng đá được xây lên như những "pháo đài". Trong tiếng Tày, Khuổi Ky có nghĩa là dòng suối nhỏ, ám chỉ dòng suối chạy ngay phía trước mặt làng, còn sau lưng là núi đá.
Đặt chân đến Làng đá Khuổi Ky, ngay từ xa, du khách đã thu vào tầm mắt với ấn tượng về những ngôi nhà sàn hoàn toàn bằng đá. Nép mình bên dãy núi, ngôi nhà của người dân bản địa nổi bật giữa không gian núi rừng rộng lớn, xanh mát. Khuổi Ky có 100% người dân số sinh sống là người Tày. Ngôi làng hiện gồm 14 căn nhà sàn làm bằng đá - yếu tố tạo nên sự đặc trưng độc đáo không đâu có được.
Người Tày ở Trùng Khánh có tín ngưỡng thờ đá. Đá trong tâm tưởng của họ thiêng liêng như một vị thần giúp che chở những khắc nhiệt của thiên nhiên. Chẳng thế mà trong luật tục của mỗi tộc người trên vùng đất Cao Bằng này đều có những ngày nhất định để tiến hành tế lễ cảm tạ thần đá. Họ coi đá là khởi nguồn của sự sống và là trung tâm của vũ trụ. Con người sinh ra từ đá và khi chết sẽ hóa thành đá.
Kiến trúc nhà lợp ngói âm dương, có ba gian chính, mỗi gian được ngăn bằng khung ván gỗ để thuận tiện cho việc sinh hoạt, móng nhà được làm bằng đá hộc và chân tảng kê cột cũng được làm bằng đá gia công lại. Nhà sàn đối với người Tày ở Trùng Khánh là một miền thiêng - nơi cất giữ những nét đặc trưng trong đời sống vật chất và tinh thần truyền thống qua bao thế hệ.
Để xây dựng được một ngôi nhà sàn hoàn chỉnh như ở làng đá Khuổi Ky người dân thời đó đã phải mất từ 2 đến 3 năm. Đá được sử dụng có rất nhiều kích cỡ xếp chồng lên nhau và kết dính bằng một hỗn hợp từ đá vôi trộn với cát. Những bức tường nhà có độ dày đến hơn 30cm cực kỳ chắc chắn và kiên cố. Chiều cao của mỗi ngôi nhà sàn là từ 7m đến 8m.
Ở Khuổi Ky, đá được sử dụng rất nhiều trong sinh hoạt đời sống hàng ngày của đồng bào dân tộc. Nhà được xây bằng đá, vách đá móng được làm bằng đá hộc, chân tảng cũng được làm bằng đá và gia công lại. Đá cũng được sử dụng trong các công trình khác như hàng rào, đập nước, cối xay, bếp lò…Những ngôi nhà cũng được làm bằng đá, chắc chắn như một pháo đài.
Làng đá cổ Khuổi Ky đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người” năm 2008. Đây được xem là điều kiện lý tưởng để thúc đẩy phát triển du lịch ở Khuổi Ky. Nhanh chóng nắm bắt xu hướng thúc đẩy phát triển du lịch, địa phương đã hình thành mô hình du lịch cộng đồng, với dịch vụ lưu trú homestay tại ngôi làng Khuổi Ky.
Dừng chân ở Khuổi Ky, hành trình của du khách chắc chắn sẽ rất thú vị khi du khách được tham gia vào nhiều hoạt động cùng người bản địa. Một cuộc sống đậm chất núi rừng khiến tâm hồn bạn thư thái, loại bỏ buồn phiền.
tin liên quan
Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu
SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.
Sang châu Phi nhập sừng trâu bò về chế tác
Thiếu nguyên liệu, làng nghề thủ công mỹ nghệ chế tác sừng Đô Hai (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) phải sang tận châu Phi nhập sừng trâu bò về để duy trì sản xuất.
Gia cảnh éo le của cô tân sinh viên sư phạm
Bố mất sớm, mẹ bị suy thận giai đoạn 4 phải điều trị tại nhà. Em trai còn đang đi học là sự éo le mà số phận đã gieo vào cô gái bé nhỏ.
Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài cuối] Bán tôm cá 'bán' cả câu chuyện sông Đà
Để đảm bảo tính đa mục tiêu của vùng hồ thủy điện, Hòa Bình tập trung khai thác giá trị thương hiệu cá sông Đà, lấy du lịch làm 'đầu kéo' thủy sản lòng hồ.
Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài 7] Tham vọng 500 tỷ/năm từ thủy sản lòng hồ
Tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu đến năm 2030 có 10.000 lồng nuôi cá trên lòng hồ được quy hoạch thành 8 vùng tập trung gắn với bản đồ du lịch.
Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài 6] Những toan tính của tỉnh Hòa Bình
Điều thú vị và bất ngờ, khi xây đập chặn sông Đà từ đó hình thành nên vùng lòng hồ, gần 5 thập kỷ trước người ta chưa nghĩ tới mục đích cho thủy sản...