| Hotline: 0983.970.780

Làng giày Phú Yên đóng góp cho huyện Phú Xuyên những sản phẩm OCOP đặc sắc

Chủ Nhật 08/12/2024 , 12:16 (GMT+7)

Ông Nguyễn Lương Đức, Chủ tịch Hội da giày xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên không giấu được lòng tự hào khi kể với tôi về gốc tích của nghề da giày quê mình.

“Làng tôi có hai tổ nghề là cụ Nguyễn Lương Nghé và cụ Nguyễn Lương Mạc. Năm 1918, cụ Nghé vì nghèo đói nên ra Hà Nội học nghề đóng giầy da rồi rủ người cháu là cụ Mạc tới Quảng Ninh mở cửa hàng giầy Nguyễn Mạc. Chỉ khoảng mươi năm sau phần lớn các cửa hàng giầy da có ở Việt Nam thời đó đều có nguồn gốc từ Phú Yên”. Ông Đức kể. Hiện mỗi năm xã Phú Yên sản xuất được hàng triệu đôi giầy, cung cấp cho mọi miền tổ quốc, thậm chí xuất sang Lào và Campuchia. Nhằm quảng bá cho thương hiệu của làng nghề đóng giầy năm 2007, Hội da giầy xã Phú Yên đã thực hiện chiếc giầy dài 2,7m được ghi vào kỷ lục Guiness Việt Nam.

Trong nhiều cơ sở đóng giầy ở Phú Yên thì hộ ông Nguyễn Như Diên là một điển hình khi có những sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Đến thăm xưởng sản xuất của gia đình, tôi thấy người lao động miệt mài ở  các công đoạn khác nhau, người nào người nấy như tham gia, cấu thành vào một guồng máy vậy. Người trẻ cắt da, đóng đinh; người lớn tuổi thì bôi mủ, cắt chỉ và đóng gói... Sự kết hợp giữa các thế hệ, giữa kỹ năng thủ công truyền thống và máy móc công nghiệp đã giúp cải thiện năng suất và các đôi giày làm ra đồng đều hơn về chất lượng.

Ông Diên bên sản phẩm của xưởng nhà mình làm.

Ông Diên bên sản phẩm của xưởng nhà mình làm.

Trước khi xuất ra thị trường, đích thân ông Diên tỉ mỉ kiểm tra từng đôi giày một để đảm bảo chúng không bị bất kỳ một lỗi kỹ thuật nào, chất lượng tốt. Nhờ đó mà các sản phẩm của xưởng nhà ông không chỉ được bán ở các cửa hàng lớn tại Thủ đô mà còn cung ứng khắp cả nước. Tự tin vào sản phẩm có mẫu mã đa dạng, đẹp mắt và bền bỉ, ông đã tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm và đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Kể từ đó uy tín, thương hiệu của ông được thêm lan xa, doanh số bán hàng cũng được cải thiện.

Các sản phẩm tạo nên danh tiếng của ông gồm giày nam công sở màu nâu, màu đen, dép da nam đế kếp màu vàng, màu nâu. Mỗi sản phẩm là kết quả của quá trình dày công nghiên cứu, từ việc tạo dáng, mẫu mã đến lựa chọn nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, nguyên liệu da được chọn lọc kỹ lưỡng từ các nhà máy uy tín, đảm bảo chất lượng cao, giúp tăng độ bền cho sản phẩm. Bên cạnh đó, ông chú trọng vào việc huấn luyện và đào tạo thợ giỏi cũng là yếu tố then chốt.

Chăm chú vào nghề ở từng công đoạn một.

Chăm chú vào nghề ở từng công đoạn một.

Tôi gặp anh Nam, một khách hàng trung thành của xưởng nhà ông và được anh giải thích rằng mình mê chất lượng da mềm mại, bền bỉ, thiết kế vừa tinh tế, vừa thoải mái khi đi lại, từng đường chỉ may đến phần đế giày rất chắc chắn. Và điều đặc biệt anh thích là những đôi giày công sở ở đây rất nổi bật, tôn lên phong cách không thể trộn lẫn được so với các xưởng khác, chúng phù hợp cho nhiều dịp dùng khác nhau trong đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng như trong những dịp quan trọng, tiếp khách.

Ông Lê Tiến Xuân, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên nhận xét các sản phẩm OCOP của giày dép xã Phú Yên đã góp phần quảng bá thương hiệu, tăng thêm thu nhập cho hàng trăm hộ gia đình. Điển hình là gia đình ông Nguyễn Như Diên.

Sản phẩm của làng nghề Phú Yên.

Sản phẩm của làng nghề Phú Yên.

Nhờ sự hỗ trợ của địa phương, của các cơ sở sản xuất, chương trình OCOP, làng nghề Phú Yên không chỉ bảo tồn được giá trị truyền thống mà còn vươn ra thị trường lớn. Sự thành công của các sản phẩm OCOP 4 sao từ gia đình ông Nguyễn Như Diên là minh chứng cho sự phát triển bền vững của làng nghề Phú Yên.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.