| Hotline: 0983.970.780

Làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm

Thứ Hai 13/01/2020 , 09:10 (GMT+7)

Theo các cụ cao niên của làng, nghề ươm nuôi cá chép đỏ ở làng Thủy Trầm bắt đầu từ những năm 1960 và phát triển cho đến bây giờ.

Gia đình ông Nguyễn Công Vui thu hoạch cá.

Chỉ còn ít ngày nữa đến ngày tết ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp âm lịch), những ngày này người dân làng nghề nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đang tất bật xuống ao bắt cá cung cấp ra thị trường.

Gia đình ông Nguyễn Công Vui, người đã có thâm niên hơn 30 năm trong nghề nuôi cá, năm nay, ông dự kiến thu được hơn 3 tạ cá chép đỏ; được thương lái đặt hàng trước, sau khi trừ chi phí cho thu nhập trên 50 triệu đồng, giúp ông đón tết Canh Tý vui vẻ đầm ấm. Ông cho biết, ngay từ tháng 6 âm lịch hàng năm, gia đình đã bắt đầu thả nuôi cá chép đỏ. Năm nay thời tiết thuận lợi cá phát triển tốt.

Cũng như ông Vui, gia đình anh Hà Công Phượng ở khu 3 Thủy Trầm còn thu gom cá của các hộ trong làng, chở đi bán buôn tại các tỉnh, thành khác như Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội. Cá khi bắt khỏi ao đưa về bể sẽ được phân thành 2 loại: loại 40 con/kg và loại 50 - 60 con/kg, giá bán tại làng từ 100.000-150.000/kg.

Năm 2011, UBND tỉnh Phú Thọ đã công nhận làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm và đầu tư cơ sở vật chất phát triển làng nghề. Hiện nay cả làng có trên 30 ha nuôi cá chép đỏ của 670 hộ dân, trong đó 353 hộ trực tiếp sản xuất, kinh doanh cá, sử dụng trên 1.250 lao động tại chỗ.

08-27-37_c_4
Cá thu hoạch có kích cỡ khoảng 3 ngón tay là vừa đẹp.

Thông thường cá giống sẽ được tiến hành nuôi từ hồi giữa năm, người nuôi cá chăm sóc sao cho đến khi cá thu hoạch có kích cỡ khoảng 3 ngón tay là vừa đẹp. Trong những năm trở lại đây, để nghề nuôi cá phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao nên các hộ gia đình trong làng đã tích cực dồn điền, đổi thửa, củng cố xây dựng bờ ao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng công nghiệp, nhờ vậy năng suất và sản lượng ngày một tăng.

Cuối năm 2017, UBND xã Tuy Lộc đã quyết định thành lập Hợp tác xã cá chép đỏ và dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thủy Trầm với mục đích hỗ trợ người dân sản xuất, kinh doanh cây, con giống nói chung và con cá chép đỏ nói riêng. Tháng 12/2018, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ đã công bố và bàn giao văn bằng chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Cá chép đỏ Thuỷ Trầm” cho Hợp tác xã.

Đây là bước tiến lớn, giúp cá chép đỏ Thủy Trầm được chứng nhận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu, là căn cứ pháp lý khẳng định giá trị thương hiệu của sản phẩm trên thị trường.

Từ đây, người dân Tuy Lộc có thể đẩy mạnh sản xuất, kết nối tiêu thụ, mang cá chép đỏ tiếp tục vươn xa. Năm nay, sản lượng cá làng nghề dự kiến cung cấp ước tính khoảng 50 tấn, đáp ứng nhu cầu mua cá của bà con nhân dân các tỉnh.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển sản xuất cá chép đỏ, xã Tuy Lộc đang hướng người dân đến việc hợp tác sản xuất ổn định để phát triển làng nghề theo hướng bền vững. Song song với đó, xã sẽ quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp cho làng nghề; tích cực tổ chức chuyển giao các công nghệ sản xuất, nuôi trồng mới, hiệu quả, đảm bảo môi trường cho các hộ dân nhằm giúp nâng cao năng suất.

08-27-37_c2
Dự kiến năm nay làng nghề Thủy Trầm sẽ cung cấp khoảng 50 tấn cá chép đỏ.

Đặc biệt, thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, quảng bá để thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm ngày càng lan tỏa rộng hơn, góp phần xây dựng xã Tuy Lộc được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2019.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Quảng Bình giám sát chặt hơn 150 tàu cá của một số tỉnh vào tránh bão

Sau bão số 6, tỉnh Quảng Bình đã quản lý chặt chẽ hơn 150 tàu cá của ngư dân các tỉnh vào tránh trú bão.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.