| Hotline: 0983.970.780

Làng nghề Mỹ Chánh tất bật những ngày áp Tết

Chủ Nhật 28/01/2024 , 11:02 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, người dân làng nghề Mỹ Chánh lại tất bật chuẩn bị hàng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trên khắp cả nước.

Làng nghề Mỹ Chánh ngày đêm đỏ lửa, sản xuất mứt gừng phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán. Ảnh: Võ Dũng.

Làng nghề Mỹ Chánh ngày đêm đỏ lửa, sản xuất mứt gừng phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán. Ảnh: Võ Dũng.

Làng mứt gừng ngày đêm đỏ lửa

Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, khắp mọi ngõ ngách ở làng nghề Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) đều rộn ràng, tất bật.

Nghề sản xuất mứt gừng chỉ sản xuất thời vụ trong khoảng 3 tháng, cao điểm 1,5 tháng sát Tết Nguyên đán nên càng về những ngày cuối năm, không khí sản xuất ở đây càng nhộn nhịp. Năm nay, nhu cầu của người tiêu dùng lớn hơn những năm trước, người làm mứt gừng ở làng nghề Mỹ Chánh rất phấn khởi.

“Tết Quý Mão, cả làng nghề sản xuất được trên 60 tấn mứt các loại. Năm nay, dù chưa kết thúc thời gian sản xuất chế biến nhưng làng nghề Mỹ Chánh đã sản xuất được 100 tấn rồi. Điều đó cho thấy, mứt gừng Mỹ Chánh đang ngày càng được thị trường ưa chuộng. Năm nay, do giá gừng tăng cao nên giá mứt cũng cao hơn năm trước từ 10-15 nghìn đồng/kg”, ông Bùi Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hải Chánh phấn khởi.

Bài liên quan

Cơ sở mứt gừng Tuấn Tâm những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn có gần 50 lao động làm việc suốt ngày đêm. Các lao động ở đây đa phần là nông dân trong làng, sau khi gieo cấy xong tìm đến cơ sở để làm công với mức thù lao dao động 150 -170 nghìn đồng/ngày, tùy theo năng suất làm việc của mỗi người.

Chị Võ Thị Tâm, chủ cơ sở mứt gừng Tuấn Tâm cho hay, gia đình chị có truyền thống làm nghề mứt gừng từ đời ông, cha; tính đến nay cũng ngót 100 năm. Bình thường, cơ sở này có 20-30 lao động nhưng lúc cao điểm có tới 50 lao động làm việc. Chị Tâm cũng cho biết, nhu cầu mứt gừng Mỹ Chánh ngày càng cao nên năm nay chị đã chuẩn bị sẵn nguồn nguyên liệu để phục vụ khách hàng.

Các công đoạn làm mứt gừng hết sức công phu. Ảnh: Võ Dũng.

Các công đoạn làm mứt gừng hết sức công phu. Ảnh: Võ Dũng.

“Năm 2023 gia đình tôi xuất được 30 tấn mứt gừng. Mứt gừng của làng nghề Mỹ Chánh xuất bán vào Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, Sài Gòn… Năm nay, gia đình tôi đã làm được 30 tấn mứt và dự kiến, hết vụ sản xuất ra 40 tấn mứt gừng, thu về trên 2 tỷ đồng, lãi trên trên 200 triệu đồng", chị Tâm cho hay.

Chị Tâm cho biết thêm, cũng từng có năm, gia đình chị làm vượt sản lượng dự kiến, không bán hết nên lỗ hàng trăm triệu đồng. Để có sản phẩm mứt gừng chất lượng đem đến cho người tiêu dùng, các công đoạn đều phải rất tỷ mỷ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Để gừng đã được bào mỏng sử dụng làm mứt hết trong ngày, từ 3 - 4 giờ sáng, người lao động đã phải dậy để rửa sạch gừng, phục vụ các công đoạn sản xuất tiếp theo.

Mứt gừng Mỹ Chánh nổi tiếng thơm ngon. Ảnh: ĐT.

Mứt gừng Mỹ Chánh nổi tiếng thơm ngon. Ảnh: ĐT.

“Làm mứt gừng phải trải qua rất nhiều công đoạn và công đoạn nào cũng quan trọng. Gừng sau khi được rửa sạch bằng máy sẽ đưa vào tỉa gọt, bào, luộc, xả sạch nhiều lần. Gừng lát thường được luộc sôi trong khoảng thời gian 5 phút, để khô, trộn đường với tỷ lệ hợp lý, rim trên lửa khoảng 40 phút. Sau khi xuống lò được khoảng 5h, mứt sẽ đến độ giòn. Trong thời gian chờ mứt gừng giòn, người lao động phải tách các lát mứt còn dính nhau ra. Cuối cùng là công đoạn sàng lọc, sản phẩm, loại bỏ sản phẩm không đạt ra rồi mới đóng gói”, chị Tâm chia sẻ.

Xã Hải Chánh hiện có 68 hộ làm nghề sản xuất mứt gừng, tạo công ăn việc làm cho khoảng 130 lao động thời vụ. Đa phần các hộ dân đều tận dụng thời gian nhàn rỗi dịp cuối năm để sản xuất mứt gừng. Từ làm nghề mứt gừng, mỗi năm, các hộ dân này thu về khoảng 6 tỷ đồng trong 3 tháng cuối năm. Đây là nghề phụ nhưng đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Bánh bột lọc sản xuất không kịp đáp ứng nhu cầu của khách

Tại làng Mỹ Chánh, nghề làm bánh bột lọc cũng có từ rất lâu đời. Đặc điểm của sản phẩm bánh bột lọc là phục vụ nhu cầu của thực khách quanh năm. Bình thường, các gia đình chủ yếu tận dụng nhân công sẵn có. Tuy nhiên, vào dịp cuối năm, các cơ sở phải thuê thêm lao động; tất bật gói bánh để giao cho khách.

Bánh bột lọc cũng là một đặc sản nổi tiếng tại làng nghề Mỹ Chánh. Ảnh: Võ Dũng.

Bánh bột lọc cũng là một đặc sản nổi tiếng tại làng nghề Mỹ Chánh. Ảnh: Võ Dũng.

Khách hàng của làng nghề bánh bột lọc Mỹ Chánh rất đa dạng: Người dân trong vùng; cánh lái xe sành ăn; các mối quen tại các tỉnh thành trên cả nước… Hiện nay, nhờ sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, bánh bột lọc làng nghề Mỹ Chánh đã có mặt tại nhiều địa phương.

Thành phần của bánh bột lọc tại làng Mỹ Chánh bao gồm bột lọc chiết xuất từ bột sắn; một số loại gia vị; tôm nguyên con được chế biến trước khi đưa vào làm nhân bánh. Bánh được gói bằng lá chuối tươi là nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Trước đây, bánh bột lọc chỉ bảo quản được trong thời gian rất ngắn nhưng hiện nay, nhiều cơ sở đầu tư máy hút chân không, cấp đông sản phẩm nên có thể bảo quản lạnh được trong thời gian 60 ngày. Thực khách mua về chỉ cần rã đông, hấp “cách thủy” khoảng 15 phút là đã có thể sử dụng.

Người làm bánh bột lọc làng Mỹ Chánh cho hay, mỗi cơ sở sản xuất đều có bí quyết gia truyền riêng tạo ra hương vị khác nhau. Từ lâu, nói đến bánh bột lọc là nói đến Quảng Trị và ngược lại. Ngoài nhu cầu của người dân địa phương, các mối quen, bánh bột lọc cũng trở thành món quà ý nghĩa dịp Tết đến Xuân về.

Cơ sở bánh bột lọc Huệ nằm cạnh quốc lộ 1A. Thường ngày, cơ sở này xuất cho các mối quen từ 2-3 nghìn bánh bột lọc. Tuy nhiên, những ngày cận Tết Nguyên đán, lượng hàng phục vụ khách tăng lên 5-7 nghìn bánh/ngày. Năm 2021, sản phẩm bánh bột lọc Huệ đạt tiêu chuẩn OCOP 3, được đóng gói chân không, cấp đông, tăng thời gian bảo quản lên 60 ngày nên sản lượng bán ra ngày càng lớn.

Nhừng ngày cận Tết Nguyên đán, nhu cầu của thực khách tăng 5-7 lần. Ảnh: Võ Dũng.

Nhừng ngày cận Tết Nguyên đán, nhu cầu của thực khách tăng 5-7 lần. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Bùi Đức Hòa, chủ cơ sở bánh bột lọc Huệ cho biết, bình thường, mỗi ngày cơ sở chỉ có khoảng 2-3 lao động trong gia đình phục vụ sản xuất bánh bột lọc. Tuy nhiên, những ngày cận Tết Nguyên đán, cơ sở phải thuê thêm 5-6 lao động làm việc. Thuê thêm lao động, tăng nguyên liệu sản xuất nhưng nhiều thời điểm, cơ sở bánh bột lọc Hạnh vẫn không phục vụ đủ nhu cầu của khách hàng, nhất là từ khoảng ngày 25 tháng Chạp đến Tết Nguyên đán. Những năm qua, nghề làm bánh bột lọc đã đem lại cho gia đình ông Hòa nguồn thu nhập ổn định.

Theo ông Bùi Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hải Chánh, từ làng Mỹ Chánh, nghề làm bánh bột lọc đã mở rộng ra các làng Câu Nhi, Xuân Lộc... Hiện nay, toàn xã có 56 cơ sở sản xuất bánh bột lọc quanh năm, tạo ra khoảng 130 tấn sản phẩm, giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho trên 120 lao động. Một số cơ sở sản xuất bánh bột lọc tại Hải Chánh hiện đã có các mối liên kết tiêu thụ tại các tỉnh lớn và sản lượng đang ngày càng tăng.

Bánh bột lọc tại làng nghề Mỹ Chánh hiện được đóng gói chân không, cấp đông, tăng thời gian bảo quản lạnh. Ảnh: Võ Dũng.

Bánh bột lọc tại làng nghề Mỹ Chánh hiện được đóng gói chân không, cấp đông, tăng thời gian bảo quản lạnh. Ảnh: Võ Dũng.

“Nghề làm bánh bột lọc cũng đem lại nguồn thu rất lớn cho người dân ở đây, có thể thu về trên 13 tỷ đồng/năm. Lợi thế ở địa phương là có nguồn nguyên liệu tại chỗ như tôm, lá chuối còn bột các loại cũng được sản xuất trong tỉnh. Để phát triển làng nghề bánh bột lọc và mứt gừng, chúng tôi  dự định sẽ thành lập các tổ hợp tác để hỗ trợ bà con trong sản xuất và quảng bá sản phẩm. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống", ông Sinh cho biết.

Người dân xã Hải Chánh cho biết làng nghề Mỹ Chánh có từ rất lâu đời. Lúc đầu, người dân trong làng chỉ sản xuất các sản phẩm mứt gừng, bánh bột lọc để phục vụ nhu cầu của người dân địa phương. Tuy nhiên, các sản phẩm từ làng nghề Mỹ Chánh ngày càng khẳng định được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng nên sản lượng các mặt hàng không ngừng tăng lên. Có người cho rằng, bánh bột lọc nổi tiếng lâu nay ở Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị có nguồn gốc từ làng Mỹ Chánh (?).

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Quảng Bình Người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tự nguyện bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025

Ninh Thuận: Thêm 84 sản phẩm được công nhận OCOP

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định công nhận 84 sản phẩm của các chủ thể đạt hạng OCOP từ 3 - 4 sao.