Đến thăm làng nghề sản xuất mứt gừng Mỹ Chánh (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) những ngày cuối năm, chúng ta dễ dàng cảm nhận được không khí sản xuất hối hả. Nhà nhà “đỏ lửa”, nhân công tất bật làm mứt gừng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Làm ngày không đủ phục vụ nhu cầu, người dân làng Mỹ Chánh còn tranh thủ làm cả ban đêm. Bước chân vào đến cổng làng, mùi hương cay nồng của gừng đã gợi nhớ đến không khí Tết.
Ông Hồ Ngọc Tuấn, một hộ sản xuất mứt gừng tại làng Mỹ Chánh cho biết, nghề làm mứt gừng ở làng Mỹ Chánh là nghề truyền thống từ lâu đời, ban đầu chủ yếu phục vụ trong gia đình vào dịp Tết.
Sau đó, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều hộ đã thu mua nguyên liệu làm mứt gừng để bán vào dịp cuối năm. Dần dần, cả làng Mỹ Chánh học hỏi nhau cùng sản xuất và trở thành một làng nghề.
Mứt gừng Mỹ Chánh cứ thế xuất hiện khắp các huyện trong tỉnh rồi có mặt tại nhiều tỉnh và được khách hàng rất ưa chuộng.
Thông thường, người dân làng Hải Chánh chỉ sản xuất mứt gừng từ giữa tháng 11 Âm lịch hàng năm vì sản xuất sớm quá, mứt gừng sẽ hết hạn sử dụng. Trong khi đó, với phương thức sản xuất truyền thống và để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, người dân làng Mỹ Chánh không sử dụng các loại hóa chất bảo quản.
Vào dịp sát Tết Nguyên đán, hầu hết các lao động ở làng Mỹ Chánh tập trung sản xuất mứt gừng. Thời gian còn lại trong năm, người dân ở đây lại quay về sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ lẻ.
“Mỹ Chánh là làng có nghề làm mứt gừng truyền thống nhưng cũng chỉ làm theo thời vụ. Vào khoảng mùng 10 tháng tháng 11 âm lịch hàng năm chúng tôi chuẩn bị làm mứt gừng và kết thúc vào cuối tháng 12 Âm lịch. Riêng gia đình tôi, mỗi ngày có khoảng 30 nhân công, sản phẩm làm ra là 6 - 7 tạ mứt gừng/ngày. Mỗi dịp Tết, gia đình tôi cần 30 tấn gừng nguyên liệu để chế biến mứt gừng”, ông Tuấn chia sẻ.
Theo những người lớn tuổi trong làng, mứt gừng Mỹ Chánh không sử dụng chất bảo quản, nguyên liệu được các cơ sở chọn lọc, thu mua kỹ lưỡng, tạo ra sản phẩm có hương vị thơm ngon đặc biệt. Để làm mứt gừng Mỹ Chánh có hương vị riêng biệt, gừng nguyên liệu được lựa chọn làm mứt phải là củ gừng tươi, nhiều nhánh, thơm.
Gừng sau khi luộc kỹ bằng chanh sẽ được vớt ra, rửa lại rồi rang mứt. Trong quá trình rang mứt lửa phải phù hợp, người làm đảo đều tay để mứt gừng sánh, thơm, không bị khô, cháy.
Nghề làm mứt gừng đã góp phần nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho người dân dịp cuối năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Mứt gừng Mỹ Chánh có thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh và Hà Nội, Quảng Bình, Tây Nguyên, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh với giá 45 - 60 nghìn đồng/kg. Trong khoảng thời gian 2 tháng giáp Tết Nguyên đán, người dân làng Mỹ Chánh sản xuất ra khoảng 60 - 70 tấn mứt gừng.
Ông Bùi Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hải Chánh cho biết, địa phương hiện có 6 cơ sở sản xuất lớn, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 150 lao động. Ngoài ra, tại làng Mỹ Chánh còn có hàng chục cơ sở sản xuất mứt gừng nhỏ lẻ.
Hiện, chính quyền địa phương đang rất khuyến khích người dân phát triển làng nghề. Dịp Tết Nguyên Đán là thời điểm người dân làng Mỹ Chánh nâng cao thu nhập. Hiện địa phương đã có đề án phát triển và mở rộng làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh.
Định hướng nâng cao thương hiệu mứt gừng Mỹ Chánh
“Mỗi năm, người dân làng Mỹ Chánh sản xuất được khoảng 60-70 tấn mứt gừng. Để định hướng phát triển nghề truyền thống này, UBND xã Hải Chánh đã xây dựng đề án về phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn và được Hội đồng Nhân dân xã thông qua. Chúng tôi khuyến khích người dân đăng ký các nhãn hiệu, nhãn mác đồng thời tham gia các hội chợ triển lãm đối với sản phẩm mứt gừng Mỹ Chánh. Đây là điều kiện tiên quyết để nâng cao thương hiệu mứt gừng Mỹ Chánh từ đó giúp làng nghề phát triển bền vững và đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân”, ông Bùi Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hải Chánh.