| Hotline: 0983.970.780

Làng nghề với nông thôn mới

Thứ Ba 12/12/2023 , 09:44 (GMT+7)

Thị xã An Nhơn, ‘đất trăm nghề’ của tỉnh Bình Định trong những năm qua tập trung phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới…

Làng nghề tô điểm cho diện mạo nông thôn mới

Điểm sáng của “đất nghề” An Nhơn là địa phương này đã tập trung xây dựng đề án phát triển các làng nghề, phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ đó diện mạo các vùng nông thôn được thay đổi.

Hiện thị xã An Nhơn có 11 làng nghề truyền thống, làng nghề tiểu thủ công nghiệp; 5 làng nghề trồng mai được công nhận lại theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Nhằm tạo “bệ phóng” cho các làng nghề, An Nhơn nỗ lực đầu tư hạ tầng giao thông, nhà trưng bày sản phẩm, hỗ trợ máy móc, xây dựng hồ sơ tham gia phân hạng sản phẩm OCOP, quảng bá sản phẩm để phát triển làng nghề gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của nghề truyền thống

1 trong những làng nghề nức tiếng của An Nhơn là làng nghề bún, bánh An Thái (xã Nhơn Phúc). Làng bún, bánh An Thái hiện có 180 hộ, cơ sở sản xuất tạo việc làm cho hơn 300 lao động. Mỗi năm, làng nghề bún, bánh An Thái cung ứng ra thị trường hơn 2.200 tấn bánh tráng, bún khô, bún song thằn, doanh thu đạt hơn 60 tỷ đồng.

Mỗi năm, làng nghề bún, bánh An Thái cung ứng ra thị trường hơn 2.200 tấn bánh tráng, bún khô, bún song thằn, doanh thu đạt hơn 60 tỷ đồng. Ảnh: V.Đ.T.

Mỗi năm, làng nghề bún, bánh An Thái cung ứng ra thị trường hơn 2.200 tấn bánh tráng, bún khô, bún song thằn, doanh thu đạt hơn 60 tỷ đồng. Ảnh: V.Đ.T.

“Xã Nhơn Phúc phấn đấu lên phường vào năm 2024, nên hiện địa phương đang tích cực phát triển làng nghề bún, bánh An Thái gắn với bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, hướng tới phát triển du lịch. Để đảm bảo tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, ngoài việc đầu tư mở rộng, nâng cấp đường giao thông, tổ chức thu gom rác thải 2 lần/tuần, xã còn vận động các hộ, cơ sở làm bún, bánh xây dựng hệ thống bể tự hoại để thu gom, xử lý nước thải”, ông Dương Thanh Cường, Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc, cho biết.

“Láng giềng” với xã Nhơn Phúc là xã Nhơn Lộc cũng có làng nghề bánh tráng Trường Cửu và làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá được nhiều người biết đến, sản phẩm đi xa khắp cả nước.

Bà Lê Thị Tính, 1 người có thâm niên trong nghề tráng bánh tráng ở Trường Cửu, chia sẻ: “Mỗi ngày vợ chồng tôi tráng được hơn 1.000 cái bánh, sau khi trừ chi phí, hàng ngày thu nhập được mỗi người từ 150.000đ-200.000đ. Nhờ xã quan tâm đầu tư nâng cấp đường giao thông, xây dựng sân phơi bánh nên so với trước đây, điều kiện sản xuất của nghề tráng bánh tráng thuận lợi hơn rất nhiều, đường sá thông thương nên việc tiêu thụ sản phẩm cũng thuận tiện”.

“Chấp cánh” cho các làng nghề

Theo ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã An Nhơn, trong năm 2022, địa phương này tập trung phát triển và nâng cao chất lượng đồng bộ các sản phẩm du lịch, hình thành mới các điểm đến thu hút du khách, tiếp tục khai thác thế mạnh, tiềm năng du lịch đối với các làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá Nhơn Lộc, làng nghề truyền thống gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu và làng nghề Mai cảnh Nhơn An.

Thị xã An Nhơn khai thác thế mạnh, tiềm năng du lịch đối với làng nghề Mai cảnh Nhơn An. Ảnh: V.Đ.T.

Thị xã An Nhơn khai thác thế mạnh, tiềm năng du lịch đối với làng nghề Mai cảnh Nhơn An. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Cư, làng nghề Bàu Đá Nhơn Lộc là 1 trong 4 làng nghề tiêu biểu của tỉnh được thực hiện theo Đề án thí điểm phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. UBND xã Nhơn Lộc đã xây dựng cổng làng nghề, cấp 34 nồi nấu rượu bằng đồng đỏ cho các hộ dân. UBND thị xã An Nhơn đề xuất Sở Du lịch chọn hộ gia đình ông Lê Văn Thưởng sản xuất rượu Bàu Đá ở xã Nhơn Lộc tham gia Đề án phát triển du lịch làng nghề của tỉnh; phối hợp với Sở Du lịch tỉnh tổ chức truyền thông cộng đồng, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về du lịch, nghiệp vụ du lịch cho các hộ gia đình có hoạt động nấu rượu, phát triển du lịch cộng đồng tại xã Nhơn Lộc.

“Hộ tham gia đề án còn được tập huấn nghiệp vụ xây dựng và vận hành homestay, kỹ năng lễ tân đón tiếp khách; lắp đặt bảng chỉ dẫn tham quan làng nghề rượu Bàu Đá”, ông Cư chia sẻ.

Theo ông Hồ Vĩnh Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bình Định, để phát triển làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới đây, hàng năm, Bình Định sẽ đào tạo nghề nông nghiệp cho 2.000 lao động nông thôn, trong đó đặt hàng dạy nghề cho 1.200 người được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ bị thu hồi đất, người khuyết tật, người thuộc hộ cận nghèo.

Xem thêm
Nguồn vốn vay ưu đãi góp phần xây dựng nông thôn mới

Quảng Bình Nguồn vốn vay ưu đãi trợ lực trong công tác giảm nghèo bền vững, là đòn bẩy hữu hiệu góp phần quan trọng để phát triển kinh tế…

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Yến Đảo Cần Giờ được chứng nhận 17 sản phẩm OCOP 4 sao

TP.HCM Mới đây, Công ty TNHH Đầu tư TMDV Yến Đảo Cần Giờ được UBND TP.HCM chứng nhận 17 sản phẩm OCOP 4 sao từ yến sào trong số 43 sản phẩm mới được vinh danh.