| Hotline: 0983.970.780

Làng nhang gần 100 tuổi đìu hiu, mong ngóng từng đơn hàng Tết

Thứ Tư 17/01/2024 , 06:15 (GMT+7)

TP.HCM Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhang tại làng nhang 100 tuổi xã Lê Minh Xuân gặp khó khi giá điện, nguyên liệu tăng; đơn hàng Tết không có.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn, không có đơn hàng, nhưng nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nhang tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh cũng cố gắng duy trì để giữ nghề. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn, không có đơn hàng, nhưng nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nhang tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh cũng cố gắng duy trì để giữ nghề. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đến làng nhang gần 100 tuổi tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh (TP.HCM) những ngày này, chúng tôi không còn thấy cảnh xe cộ lườm lượp đến chở nhang đi giao khắp nơi như những năm trước. Thay vào đó là khung cảnh vắng vẻ, chỉ còn lại tiếng máy chạy, tiếng những người phụ nữ trò chuyện cùng nhau khi đang phơi nhang hay gia công nhang. Đây được xem là một trong những nơi cung ứng nhang lớn nhất khu vực phía Nam.

Chúng tôi hẹn với chị Nguyễn Cát Bụi Thúy (chủ xưởng nhang Minh Phước, đường Mai Bá Hương) - một trong những cơ sở làm nhang lớn nhất tại xã Lê Minh Xuân, chị dặn đi dặn lại: “Các em phải đến sớm nhé, vì 8h máy không chạy nữa”. Tôi cứ nghĩ mãi, sao mới 8h đã nghỉ. Hóa ra, do điện tăng giá, ban ngày có hai khung giờ mức giá điện cao, nên để tiết kiệm chi phí, các cơ sở làm nhang tại đây đều tranh thủ cho công nhân làm từ 8h tối cho đến 8h sáng hôm nay.

 “Lúc trước tôi cho công nhân làm từ 4h sáng đến 4h chiều là nghỉ, nếu nhiều đơn thì tăng ca đêm. Còn bây giờ, ban ngày hầu như là cho công nhân nghỉ, không làm. Không những thế, giá nguyên vật liệu cũng tăng.

Từ dịch Covid-19 đến nay, nhang chậm lắm, nhưng năm nay là chậm nhất. Mọi năm, tháng 10 là chúng tôi đã có đơn đặt hàng Tết, tháng 11  mình giao hàng, để tháng 12 người ta đóng gói đưa ra thị trường. Làm ra bao nhiêu là hàng đi hết bấy nhiêu. Nhưng năm nay, hầu như không ai dự trữ hàng Tết. Khi nào cần thì họ mới tới mua trực tiếp. Số lượng nhang giảm phân nửa. Khó lại thêm khó”, vừa kiểm tra những thiên nhang được nhân công bó sẵn, chị Nguyễn Cát Bụi Thúy vừa than thở với chúng tôi.

Chị Nguyễn Cát Bụi Thúy đang kiểm tra nhang tại nhà sấy. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chị Nguyễn Cát Bụi Thúy đang kiểm tra nhang tại nhà sấy. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Trước đây, cơ sở của chị Thúy chủ yếu làm nhang se tay, phơi nhang dưới trời nắng, khi lỡ có mưa xuống là “chạy không kịp”. Nhưng những năm gần đây, chị cũng như nhiều cơ sở khác đã đầu tư máy se nhang, lò sấy để nhang đẹp, đều màu, đáp ứng nhu cầu của khách hàng cũng như tăng năng suất gấp 5-6 lần. “Se tay, một ngày một người làm trung bình được 9-10 thiên, nhưng khi làm máy, một ngày có thể chạy được 60-70 thiên (mỗi thiên là 1.000 cây nhang). Già trẻ, lớn bé gì đều có thể làm được hết miễn có sức khỏe và mắt sáng”, chị Thúy nói.

Với 29 năm gắn bó với nghề se nhang tại xã Lê Minh Xuân, chị Thúy cho biết, cơ sở của chị chỉ làm nhang sạch, không có hóa chất độc hại, không qua pha chế độc hại và chủ yếu bỏ sỉ cho các khách hàng tại TP.HCM và các tỉnh miền Đông, miền Tây. Dù hiện đơn hàng Tết chưa có nhiều nhưng chị Thúy vẫn cho nhân công tiếp tục se nhang, để chuẩn bị lượng nhang sẵn, khi khách đến có hàn để bán, cũng như không bị ảnh hưởng tới thu nhập của người lao động. “Trung bình một người được khoảng 250.000 đồng/ngày, cộng với cuối năm có thưởng. Nhưng năm nay không biết tình hình sẽ thế nào. Tôi chỉ mong những ngày tới sẽ có nhiều đơn hàng để tôi thưởng cho họ đón một cái Tết đủ đầy”, chị Thúy chia sẻ.

Chị Trần Thị Thanh (đường Mai Bá Hương, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) gia công nhang cũng gặp nhiều khó khăn khi không có đơn hàng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chị Trần Thị Thanh (đường Mai Bá Hương, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) gia công nhang cũng gặp nhiều khó khăn khi không có đơn hàng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Không chỉ chủ cơ sở kinh doanh nhang gặp khó, mà những hộ gia công như chị Trần Thị Thanh cũng gặp những khó khăn tương tự. “Hồi trước tôi làm khoảng 100 thiên thì bây giờ chỉ khoảng 60 thiên. Giá vẫn giữ nguyên ở mức 4.000 đồng/thiên. Hiện tôi còn 2.000 thiên vẫn xếp để đó, chưa giao. Đây là năm khó khăn nhất trong suốt 20 năm tôi làm nhang”, chị Thanh nói và kỳ vọng trong những ngày sắp tới, sẽ có những khởi sắc hơn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhìn chung các hộ gia công nhang đều cho biết, sắp Tết nhưng số đơn hàng gia công quá ít, không đủ để trang trải, tuy vậy, họ vẫn gắng gượng. Suy giảm kinh tế đã ảnh hưởng nhiều tới tình hình sản xuất, kinh doanh tại làng nhang Lê Minh Xuân, hiện các chủ cơ sở làm nhang tại đây đang lấy công làm lời để giữ nghề, duy trì nét văn hóa của làng nghề truyền thống tại huyện ngoại thành TP.HCM

Nhang chất đống chờ khách. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhang chất đống chờ khách. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Nguyễn Văn Của, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Thanh Xuân, huyện Bình Chánh, cho biết, hiện tại trên địa bàn xã có khoảng 124 hộ kinh doanh và gia công nhang.

Thời gian qua, được sự chỉ đạo của Hội Nông huyện Bình Chánh, Hội Nông dân xã kết hợp với UBND xã hỗ trợ vốn cho một số hộ để đầu tư sản xuất, mở rộng làng nhang, duy trì làng nghề truyền thống trên địa bàn xã Lê Thanh Xuân. Đồng thời, tạo điều kiện để các hộ vận chuyển nhang.

“Các đơn hàng trong làng nhang xã Lê Minh Xuân có giảm so với cùng kỳ năm trước do tình hình kinh tế khó khăn chung. Vì vậy, Hội Nông dân cùng Phòng kinh tế huyện cũng đã trưng bày các sản phẩm của làng nhang ở các trung tâm triển lãm để giới thiệu, quảng bá làng nhang đến với mọi người tham quan trong thời gian vừa qua.

Đồng thời, kết nối, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ ứng dụng các công nghệ cũng như tuyên truyền trên các trang fanpage của Hội, của huyện để quảng bá các sản phẩm làng nhang khi khách có nhu cầu đặt và tiêu thụ sản phẩm”, ông Của nói.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Điện gió của T&T Group tại Lào sẽ được xuất khẩu về Việt Nam

Điện từ dự án điện gió Savan 1 của T&T Group tại Lào sẽ được bán cho Việt Nam, qua đó góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.