| Hotline: 0983.970.780

Làng quê thay da đổi thịt nhờ xây dựng nông thôn mới

Thứ Tư 09/01/2019 , 08:23 (GMT+7)

 Sau cơn lũ lịch sử xảy ra trong 2 tháng cuối năm 2016, Bình Định kể như kiệt quệ, nhất là về hạ tầng nông thôn. Thế nhưng đến cuối năm 2018, thông qua Chương trình MTQG xây dựng NTM, Bình Định đã tái thiết các vùng nông thôn trở thành bức tranh sáng.

Những thành quả trên cho thấy, nếu chính quyền và người dân đồng lòng thì việc dù khó đến mấy cũng thành công!

13-25-13_1
Đồng bào thiểu số ở huyện Vĩnh Thạnh có cuộc sống ổn định nhờ biết lựa chọn những cây trồng chủ lực canh tác

Còn nhớ, chỉ trong 2 tháng cuối năm 2016 mà Bình Định đã phải “gánh” đến 5 đợt lũ kinh hoàng, gây thiệt hại nặng nề cho một tỉnh vốn đã nghèo với mức thiệt hại ước tính 1.695 tỷ đồng. Lũ lụt đi qua, Bình Định gần như tan hoang, nhất là về cơ sở hạ tầng nông thôn. Ấy vậy mà chỉ sau 2 năm, qua phong trào xây dựng NTM, các vùng nông thôn ở Bình Định đã thật sự “hồi sinh”.

Ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định, khái quát về những việc đã làm được trong phong trào xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2018. Đó là, thực hiện bê tông giao thông nông thôn, với hơn 1.476 km đường các loại. Đã có 68,6% số xã đạt tiêu chí về giao thông.

Trong thời gian đó Bình Định cũng đã kiên cố hóa được 570 km kênh mương các loại, nâng tổng số chiều dài kênh mương được kiên cố hóa lên 1.815 km, chiếm 66,8%. Bình Định đã có 76,9% số xã đạt tiêu chí về thủy lợi; có 120/121 xã đạt tiêu chí điện nông thôn.

Về giáo dục, tính đến tháng 6/2018, toàn tỉnh có 388/668 trường học đạt chuẩn Quốc gia, chiếm tỷ lệ 58,08%. Về cơ sở vật chất văn hóa, tính đến tháng 6/2018, toàn tỉnh có 75/121 nhà văn hóa xã, chiếm 61,9% số xã xây dựng NTM có nhà văn hóa.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 113 khu sinh hoạt văn hóa - thể thao cấp xã có sân khấu ngoài trời kiên cố được trang bị âm thanh, ánh sáng; 121/121 xã xây dựng NTM có trung tâm học tập cộng đồng lồng ghép một số hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Hiện ở Bình Định có 670/854 thôn có nhà văn hóa thôn, chiếm tỷ lệ 78,5%.

Về trạm y tế xã, tính đến tháng 6/2018, có 152/159 xã, phường, thị trấn công nhận thực hiện đạt tiêu chí Quốc gia về y tế xã; trong đó có 110/121 xã xây dựng NTM đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã, chiếm 90,9%. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm xuống còn 8,95%; có 63,6% số xã đạt tiêu chí hộ nghèo.

Một điểm nhấn khác trong phong trào xây dựng NTM của Bình Định là phát triển SX gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Lĩnh vực trồng trọt nổi bật với mô hình cánh đồng mẫu lớn và cánh đồng tiên tiến, với tổng diện tích hàng năm 11.000ha; liên tục nhiều năm liền duy trì chuỗi liên kết SX, tiêu thụ chuỗi SX giống lúa với các công ty giống lúa, tăng thu nhập cho nông dân.

Đến nay đã xây dựng thành công chương trình cánh đồng lớn tại xã Phước Hưng, Phước Sơn (huyện Tuy Phước), liên kết với Cty CP Tập đoàn Giống cây trồng Thái Bình với 200 ha. Đã hình thành vùng SX rau an toàn theo hướng VietGAP quy mô trên 20ha tại một số HTX trong tỉnh, sản lượng trên 1.500 tấn/năm, tổ chưc tiêu thụ thường xuyên tại các siêu thị, Metro, các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh.

Lĩnh vực chăn nuôi cũng khởi sắc, hiện Bình Định đã xây dựng và hình thành chuỗi liên kết SX bò thịt chất lượng cao với các giống bò Red Angust, BBB, tiến đến xây dựng thương hiệu “Bò thịt chất lượng cao Bình Định”; xây dựng chuỗi liên kết SX, tiêu thụ gà giống chất lượng cao với sản lượng 35 triệu con/năm tại 2 Cty Giống gia cầm Minh Dư và Cao Khanh; xây dựng chuỗi SX, tiêu thụ thịt lợn giữa tỉnh Bình Định với TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thực hiện có hiệu quả mô hình vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh lợn quy mô toàn huyện Hoài Ân với trên 29.000 hộ gia đình tham gia; đã có 2 cơ sở giết mổ động vật tập trung đạt tiêu chuẩn đi vào hoạt động. 2 “mũi nhọn” kinh tế khác của Bình Định là khai thác thủy sản và lĩnh vực lâm nghiệp cũng ngày càng tăng trưởng.

“Chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi nhận thức của người dân, ngày càng thu hút người dân tham gia. Trước đây đa số bà con mang tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước, nay đã chuyển dần sang chủ động tham gia tích cực, họ đã không tiếc công tiếc của đóng góp vào công cuộc xây dựng NTM. Trong giai đoạn 2016 – 2018, riêng nguồn vốn cộng đồng dân cư đóng góp lên đến 653 tỷ đồng”, ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định.

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tánh Linh tận dụng thế mạnh đặc sản để xây dựng sản phẩm OCOP

Huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận đã tận dụng những nông sản đặc trưng, thế mạnh như gạo, sầu riêng, yến sào…để xây dựng sản phẩm OCOP có giá trị.