| Hotline: 0983.970.780

Sản phẩm OCOP 'đất mỏ' vươn mình nhờ khoa học công nghệ

Thứ Hai 09/12/2024 , 13:18 (GMT+7)

Đẩy mạnh đầu tư về khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến sâu, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh ngày càng nâng cao được giá trị, khẳng định thương hiệu.

Hội chợ OCOP tại Quảng Ninh luôn thu hút đông đảo du khách đến tham quan, mua sắm. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hội chợ OCOP tại Quảng Ninh luôn thu hút đông đảo du khách đến tham quan, mua sắm. Ảnh: Nguyễn Thành.

Quảng Ninh tiên phong trong chương trình OCOP

Từ năm 2013, chương trình OCOP được triển khai và Quảng Ninh là địa phương tiên phong. Thời gian đầu, tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như chưa có kinh nghiệm, chưa có mô hình học tập. Các cán bộ chủ chốt của tỉnh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu các chuyên đề quốc tế về phong trào OCOP tại các nước khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á...

Cùng với đó, tỉnh đã cử đoàn công tác học tập kinh nghiệm của Nhật Bản, Thái Lan. Đồng thời nghiên cứu, xem xét, đánh giá hiệu quả của các chương trình hỗ trợ sản xuất, chính sách hiện hành, hiệu quả của mô hình đã triển khai tại Việt Nam.

Từ đó, Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án OCOP giai đoạn 2013 – 2016 theo hướng vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Đề án đặt mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống, góp phần tái cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy nội sinh và gia tăng giá trị.

Chương trình OCOP được thiết kế để các chủ thể sản xuất, bao gồm cá thể, hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp có sự chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, xúc tiến thương mại.

Từ chủ trương của tỉnh, chương trình đã nhanh chóng lan tỏa rộng khắp tới các địa phương, tổ chức và người dân, trở thành điểm nhấn quan trọng để nâng cao chất và lượng của Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới.

Những năm qua, các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định được thương hiệu khi được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận. Sản phẩm OCOP đã được tiêu thụ ở khắp các vùng miền của tỉnh, dần trở thành hàng tiêu dùng thiết yếu của mỗi gia đình. Chương trình OCOP đã làm thay đổi nhiều vùng miền và cuộc sống của người dân.

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (Bavabi) đầu tư hệ thống máy móc trong sản xuất. Ảnh: Nguyễn Thành.

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (Bavabi) đầu tư hệ thống máy móc trong sản xuất. Ảnh: Nguyễn Thành.

KHCN nâng tầm OCOP đất mỏ

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những đột phá về công nghệ, tích hợp và kết nối internet. Đây vừa là thách thức và cũng là cơ hội đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững, việc ứng dụng KHCN trong sản xuất là hết sức cần thiết.

Xuất phát từ những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, hiện có rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh áp dụng KHCN trong các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, tạo được lòng tin của người tiêu dùng.

Thời gian qua, các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất OCOP đã có nhận thức đúng đắn các lợi ích của KHCN và chủ động nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất, nâng tầm giá trị sản phẩm. Đơn cử là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Quy Hoa (huyện Hải Hà); Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (Bavabi); Công ty TNHH MTV Newstar (Vân Đồn); Trang trại gà Tân An (TX Quảng Yên)...

Đặc biệt, với cuộc cách mạng 4.0, giao dịch thương mại điện tử cũng là xu hướng của sự phát triển. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động tham gia các lớp tập huấn, tiếp cận, học hỏi các kỹ năng hút khách hàng, chiến lược xây dựng, phát triển video ngắn; kỹ năng livestream bán hàng… để đưa sản phẩm lên trên mạng xã hội và các sàn TMĐT, mở ra thị trường mới, cơ hội hợp tác và nguồn khách hàng mới.

Ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tham gia buổi livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tham gia buổi livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội. Ảnh: Nguyễn Thành.

Quảng Ninh hiện có 161 website đã đăng ký, thông báo bán hàng với Bộ Công Thương. Theo thống kê của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, toàn tỉnh có 417 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt từ 3-5 sao. Nhiều sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-5 sao được đưa lên các sàn TMĐT, như: Voso 160 sản phẩm; Postmart 108 sản phẩm… Qua đó, góp phần đẩy mạnh việc tiêu thụ, thúc đẩy quảng bá mạnh mẽ các sản phẩm OCOP, làm lợi rất nhiều cho doanh nghiệp sản xuất.

Theo định hướng đến năm 2025, cùng với phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm và ổn định về sản lượng, Quảng Ninh tiếp tục phát triển 12 sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh, 6 sản phẩm OCOP định hướng cấp quốc gia, gắn với triển khai Quyết định số 4078/QĐ-BNN-VPĐP (ngày 28/10/2019) của Bộ NN-PTNT "Phê duyệt kế hoạch khung chỉ đạo điểm triển khai Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm". Để hoàn thành được mục tiêu này, việc áp dụng, đưa KHCN vào sản xuất tại các doanh nghiệp, cơ sở, HTX, hộ kinh doanh rất cần thiết và phải triển khai nhanh chóng, đồng bộ.

Bên cạnh sự chủ động của các chủ thể sản xuất, tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp, HTX, người dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ của KHCN vào sản xuất sản phẩm OCOP. Trong đó, quan tâm những cơ chế, chính sách hỗ trợ về xây dựng thương hiệu; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; kết nối người dân, nhà quản lý, nhà khoa học và hỗ trợ vốn vay xây dựng nhà xưởng, đầu tư công nghệ...

Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Thu Đông 2024 sẽ được diễn ra từ ngày 11- 15/12/2024 tại Trung tâm Truyền thông và Văn hóa TP Móng Cái. Hội chợ sẽ có quy mô trên 200 gian hàng với các khu vực giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của Quảng Ninh; khu vực trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của các tỉnh, thành phố, trong nước cùng các tổ chức xúc tiến thương mại khu vực các nước ASEAN và TP Đông Hưng (Trung Quốc)...

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tánh Linh tận dụng thế mạnh đặc sản để xây dựng sản phẩm OCOP

Huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận đã tận dụng những nông sản đặc trưng, thế mạnh như gạo, sầu riêng, yến sào…để xây dựng sản phẩm OCOP có giá trị.