| Hotline: 0983.970.780

Lạng Sơn chưa phát hiện vận chuyển lợn trái phép qua biên giới

Thứ Tư 24/08/2022 , 15:37 (GMT+7)

Các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn ra quân siết chặt các biện pháp quản lý nhằm ngăn chặn tình trạng vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới trái phép.  

Các cơ quan chức năng thường xuyên đi kiểm tra đối với mặt hàng thịt lợn. Ảnh: Nguyễn Thành

Các cơ quan chức năng thường xuyên đi kiểm tra đối với mặt hàng thịt lợn. Ảnh: Nguyễn Thành

Lạng Sơn là tỉnh có trên 231km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, địa hình đồi núi nhiều đường mòn, lối mở. Thời gian qua, với sự chủ động trong việc kiểm tra, kiểm soát khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở nên tỉnh Lạng Sơn chưa xuất hiện tình trạng vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn qua biên giới. 

Hiện Việt Nam và Trung Quốc chưa ký thỏa thuận kiểm dịch xuất nhập khẩu về lợn và sản phẩm từ lợn nên mặt hàng này chưa được xuất, nhập khẩu chính ngạch. Bởi vậy, sự chênh lệch về giá cả lợn và sản phẩm từ lợn giữa Việt Nam và các nước láng giềng vẫn tương đối cao nên không loại trừ khả năng mặt hàng này có thể bị các đối tượng đầu nậu trà trộn đi qua cửa khẩu chính ngạch.

Để ngăn chặn tình trạng này, các lực lượng chức năng khu vực cửa khẩu đang thường xuyên giám sát chặt chẽ người và phương tiện vận chuyển xuất, nhập cảnh.

Bà Hứa Thị Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện các lực lượng chức năng trên cửa khẩu cũng phối hợp chặt chẽ với phía nước bạn để kiểm soát chặt khu vực biên giới, trong đó có các đường mòn, lối mở để ngăn chặn kịp thời hiện tượng xuất nhập cảnh trái phép cũng như là buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Trước tình hình giá lợn trong nước tăng cao, để tăng cường việc phòng, chống việc buôn bán, vận chuyển trái phép mặt hàng lợn sống, các sản phẩm từ lợn qua biên giới, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tăng cường nhiều biện pháp kiểm soát chặt chẽ, tránh xảy ra hiện tượng các đối tượng lợi dụng hàng hóa xuất nhập khẩu chính ngạch qua biên giới để buôn lậu và vận chuyển trái phép mặt hàng lợn và các sản phẩm từ lợn qua cửa khẩu.

Tại các khu vực đường mòn, lối mở, lực lượng hải quan, biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát, phân công lực lượng thường trực 24/24h tại các chốt chặn, điểm xung yếu. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền đến người dân để nâng cao ý thức trách nhiệm không tiếp tay cho cho buôn lậu đặc biệt là hoạt động liên quan đến vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới.

Song song với việc kiểm soát tuyến biên giới, trong khu vực nội địa, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cũng theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu thị trường. Từ đó, phối hợp tuyên truyền kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về giá bán đối với các hộ kinh doanh vi phạm. Không để xảy ra hiện tượng lợi dụng biến động của thị trường để găm hàng, tăng giá bất hợp lý. 

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra nguồn gốc xuất xứ đối với mặt hàng thịt lợn, góp phần bình ổn giá thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Mặc dù giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thời điểm này đã hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức cao từ 65.000 - 75.000đ/kg. Do vậy, nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh chủ động tái đàn lợn, mở rộng quy mô chăn nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Tính đến giữa tháng 8/2022, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra rải rác tại 549 hộ ở 09 huyện, số lợn chết và buộc phải tiêu hủy là 2.209 con với tổng trọng lượng trên 108 tấn.

Nhằm kiểm soát bệnh dịch tả lợn Châu Phi, ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị các huyện, thành phố thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.

Nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã chủ động tái đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã chủ động tái đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi. Ảnh: Nguyễn Thành.

Đặc biệt là tăng cường kiểm soát nguồn lợn giống trước khi tái đàn lợn, kiểm soát, kiểm dịch trong vận chuyển, trong giết mổ. Cùng với đó, các phòng chuyên môn, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố cũng tăng cường rà soát, nắm rõ nhu cầu tái đàn, mở rộng đàn của các hộ chăn nuôi lợn.

Ngoài ra, các ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn cần hướng dẫn, hỗ trợ các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các điều kiện để thực hiện tái đàn lợn, tăng đàn lợn. Tuyên truyền cho người chăn nuôi chủ động khai báo về nguồn lợn giống mua về để tái đàn, từ đó hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp kiểm soát bệnh dịch trước khi nhập đàn.

Chị Nông Thanh Phượng, Trưởng bộ phận Chăn nuôi thú y, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cao Lộc, Lạng Sơn chia sẻ, trong thời điểm này, trung tâm cũng khuyến cáo bà con, nếu có tái đàn phải lựa chọn cơ sở cung cấp con giống đảm bảo, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Cùng với đó là chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, khi lợn có hiện tượng ốm, bỏ ăn phải báo ngay cơ quan chuyên môn để có phương án hỗ trợ kịp thời, không mua bán giết mổ, không tiêu thụ sản phẩm lợn ốm, chết và không vứt xác lợn chết ra môi trường.

Đặc biệt, công tác phun tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi cũng được đẩy mạnh, riêng trong tháng 8, Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn đã cấp phát trên 7.000 lít thuốc sát trùng để phun khử trùng tiêu độc tại các chợ, nơi tập kết gia súc, gia cầm sống.

Đến thời điểm này, tổng đàn lợn của tỉnh Lạng Sơn dự ước gần 170.000 con, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. Việc chủ động kiểm soát thị trường cũng như khuyến cáo các hộ chăn nuôi cẩn trọng khi tái đàn lợn, góp phần bảo đảm nguồn cung cầu để bình ổn giá thịt lợn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuả người dân.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.