| Hotline: 0983.970.780

Lạng Sơn đạt nhiều mục tiêu về chuyển đổi số trong năm 2021

Thứ Sáu 31/12/2021 , 19:43 (GMT+7)

Tại Hội nghị Tổng kết ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, Giám đốc Sở Nguyễn Khắc Lịch nêu 8 thành tựu quan trọng.

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Lạng Sơn.

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Lạng Sơn.

Ngày 31/12, Sở Thông tin & Truyền thông Lạng Sơn tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết ngành Thông tin và Truyền thông năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Tới dự và chỉ đạo hội nghị có ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Hội nghị còn sự tham gia của ông Hồ Đức Thắng, Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT).

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Lạng Sơn cho biết, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều mục tiêu, chương trình, kế hoạch, tiến độ, quá trình phát triển của cả nước, của tỉnh và của ngành bị thay đổi 

"Hội nghị này thể hiện những quyết tâm của toàn ngành trong phòng chống COVID-19, đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, cửa khẩu số, góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, vượt qua những khó khăn, thử thách cao độ nhất trong tình hình mới", ông Lịch nói.

Theo lãnh đạo ngành thông tin, truyền thông Lạng Sơn, suốt từ năm 2020 đến nay, nhiều thay đổi đã diễn ra với ngành. Xuất phát từ việc nhiều dịch vụ xã hội bị ngừng trệ, hoạt động y tế, giáo dục, dân sinh … đảo lộn,  phương thức truyền thống không thể giải quyết những vấn đề này.

Trong bối cảnh ấy, công nghệ số nổi lên, đi vào cuộc sống với vai trò là sứ mệnh, là giải pháp hữu hiệu thích ứng với những khó khăn, thách thức. Sau một năm triển khai, tỉnh đã đạt một số kết quả đáng chú ý. Cụ thể:

(1). Lạng Sơn là tỉnh thứ 6 ban hành Nghị quyết của Ban thường vụ tỉnh ủy về chuyển đổi số tổng thể và toàn diện tỉnh Lạng Sơn.

(2). Lạng Sơn là tỉnh nhanh nhất về xây dựng chính quyền số, và là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên của cả nước đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4. 

(3). Lạng Sơn đã phát triển được hơn 116.000 và gần 100.000 tài khoản thanh toán điện tử, doanh thu tăng hơn 180 lần, đứng thứ 2/63 tỉnh thành trên toàn quốc về số lượng giao dịch thành công.

(4). Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trên toàn quốc hoàn thành việc đưa toàn bộ hoạt động quản lý dạy, học của 674/674 trường từ mầm non đến PTTH, với 20.000 giáo viên, 200.000 học sinh, hơn 8.000 lớp lên một nền tảng số. Lạng Sơn là tỉnh duy nhất trang bị cho mỗi giáo viên có 1 chữ ký số để ký bảng điểm điện tử, học bạ điện tử.

(5). Lạng Sơn là tỉnh duy nhất đã phát triển, triển khai được nền tảng số ATM mềm, thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức 4, kinh tế số, cửa hàng số và giúp cho giáo viên, nhân dân thuận tiện trong cuộc sống. Hiện tỉnh tiếp tục triển khai, hướng dẫn đào tạo được 68 cây ATM mềm, phấn đấu phát triển  hơn 200 cây ATM mềm trang bị tốt thiểu mỗi xã ít nhất 1 cây ATM.

(6). Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên và duy nhất hoàn thiện sản phẩm Nền tảng cửa khẩu số, dựa trên các công nghệ số hiện đại, như: AI, Bigdata, Cloud, và kết nối thời gian thực với CSDL hải quan điện tử, CSDL dữ liệu đăng kiểm quốc gia. Đây là Nền tảng dùng chung, chia sẻ cho các lực lượng Cảnh sát giao thông, Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch Y tế, động, thực vật, thuế, Ban quản lý kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn, Các doanh nghiệp bến bãi, vận chuyển xuất nhập khẩu hàng hóa trên cùng 1 nền tảng.

(7). Lạng Sơn cũng thành lập hơn 1.600 tổ công nghệ công đồng, với hơn 6.000 thành viên đã được đào tạo và tiếp tục đào tạo hướng dẫn các kỹ năng số, công nghệ số, đây chính là lực lượng nòng cốt, chủ lực để lan tỏa các ứng dụng số, công nghệ số, nền tảng số vào mọi ngõ ngách của cuộc sống.

(8). Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên phát triển, triển khai nền tảng trợ lý ảo và vừa cho ra mắt sản phẩm ISee Lạng Sơn. Đây là trợ lý ảo sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính công. 

Lạng Sơn sử dụng cửa khẩu số như một biện pháp giải quyết ùn tắc nông sản.

Lạng Sơn sử dụng cửa khẩu số như một biện pháp giải quyết ùn tắc nông sản.

"Tỉnh có nhiều chỉ đạo quyết liệt về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, cửa khẩu số. Kinh tế, xã hội trên các nền tảng số tiếp tục phát triển mở rộng, dòng chảy vật chất tiếp tục được quản lý, khơi thông, phát triển tích cực song hành với dòng chảy số", ông Lịch chia sẻ.

Dù đạt được những thành tựu, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Lạng Sơn thừa nhận những hạn chế của ngành. Ông lấy dẫn chứng, việc một số nơi chưa có sự đồng đều về cơ chế, chính sách; các nguồn lực vẫn còn phân tán.

Giám đốc Lịch tin rằng, đây là động lực cho những người làm thông tin, truyền thông trong năm 2022. Để thực hiện những mục tiêu trong năm mới, ông kêu gọi cán bộ, công nhân viên của ngành thay đổi tư duy, phương thức đầu tư và những mục tiêu hướng tới có giá trị cao hơn; các lĩnh vực cần có sự liên kết để hình thành một không gian văn hóa, tư tưởng; nhân lực, tổ chức bộ máy trong ngành tiếp tục điều chỉnh theo hướng tinh gọn.

Kết thúc bài phát biểu, ông Nguyễn Khắc Lịch nêu 3 định hướng cho thời gian tới. Một, xác định rõ kết quả, cách thức chuyển đổi số, sao cho ngang tầm với vai trò của ngành thông tin và truyền thông tỉnh. Hai, dẫn dắt và tạo khí thế sôi nổi trong truyền thông xã hội. Ba, xây dựng mục tiêu, giải pháp cụ thể đến từng đơn vị, cơ sở.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.