Cửa khẩu thông minh
"Ngay khi Thủ tướng phê duyệt đề án cửa khẩu thông minh, Ban quản lý kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng Lạng Sơn sẽ phối hợp các cơ quan của Quảng Tây, Trung Quốc triển khai. Tỉnh sẽ khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng, đường chuyên dụng, phục vụ xe chở hàng hóa. Khi hoạt động, cửa khẩu thông minh có đường ray tự chạy, tự gắp container”, ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn xác định năm 2026 sẽ hoàn thành và chạy thử nghiệm từ 1/1/2026 đến 31/12/2028. Việc thử nghiệm nhằm đánh giá công nghệ, hạ tầng để triển khai hoàn tất. Nguồn lực Nhà nước tập trung vào xây dựng hạ tầng, trang thiết bị sẽ xã hội hoá. Ông Huyên cho biết Trung Quốc hiện có cửa khẩu thông minh Nội Mông, Vân Nam nên phía nước này đã có kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam thực hiện.
Kinh phí thực hiện khoảng 8.000 tỷ đồng. Kinh phí xã hội hóa đầu tư thực hiện đầu tư các hạng mục hạ tầng logistics, phương tiện, trang thiết bị máy móc bao gồm xe tự hành AGV, cẩu gắp container, hệ thống giám sát tự động, hệ thống viễn thông 5G, hệ thống thông quan thông minh.
Dự kiến huy động vốn từ các doanh nghiệp kinh doanh bến bãi, các tập đoàn, tổng công ty lớn có kinh nghiệm, năng lực phối hợp triển khai thực hiện dựa trên hạ tầng sẵn có của các doanh nghiệp để sử dụng tối đa nguồn lực của nhau, đảm bảo hiệu quả Đề án khi đưa vào sử dụng.
Mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119-1120 thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) từ 4 làn xe lên 6 làn xe.
Mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1119-1120 thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) giai đoạn 1 từ 6 làn xe lên 8 làn xe.
Mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) từ 4 làn xe lên 8 làn xe.
Đầu tư xây dựng nhà làm việc liên ngành cho các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh. Mua sắm các thiết bị chuyên dùng kiểm tra giám sát hải quan để phục vụ cửa khẩu thông minh; nâng cấp cổng Thông tin một cửa quốc gia để thực hiện việc tiếp nhận, chia sẻ thông tin các lô hàng xuất nhập nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh với phía Hải quan Nam Ninh - Trung Quốc và các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để phục vụ hoạt động quản lý chuyên ngành do Tổng cục Hải quan trang bị.
Mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa
Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá, trong tháng 11/2023 tỉnh đã khởi công thi công công trình mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119 - 1120 thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.
Đồng thời, trong dự thảo Đề án triển khai xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh trình Chính phủ thì xây dựng hạ tầng sẽ đảm bảo khớp nối với nhau, theo đó dự kiến sẽ tổ chức đầu tư xây dựng cửa khẩu thông minh đến năm 2025 và có thể triển khai thực hiện thí điểm từ 1/1/2026.
Việc triển khai thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh dự kiến sẽ mang lại hiệu quả như sau: Hiệu suất thông quan, sản lượng và kim ngạch xuất nhập khẩu dự báo sẽ tăng từ 2-3 lần vào năm 2027 và tăng 4-5 vào năm 2030.
Dự kiến cửa khẩu thông minh sẽ giảm từ 30-40% chi phí thông quan, chi phí bến bãi/vận chuyển, dịch vụ tại các cửa khẩu hai bên.
Góp phần phát triển các dịch vụ liên quan khác như bảo hiểm, ngân hàng, viễn thông,… hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ kho vận - logistics, thương mại và các dịch vụ phụ trợ tại cửa khẩu.
Thúc đẩy việc chuyển đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp theo hướng chính ngạch và chuyên nghiệp; giảm thiểu các rủi ro về kinh tế cho doanh nghiệp Việt Nam khi giao thương theo hình thức tiểu ngạch thời điểm hiện tại.
Tạo nguồn lực đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân biên giới.
Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; giảm chi phí trong xuất nhập khẩu hàng hóa; đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa thường xuyên kể cả trong trường hợp khẩn cấp như dịch bệnh, tình trạng ùn ứ hàng hóa sẽ căn bản được giải quyết.