Tại họp báo thường kỳ quý IV/2023 của tỉnh Lạng Sơn, trả lời câu hỏi liên quan đến tiến độ xây dựng hệ thống cửa khẩu thông minh, ông Nguyễn Vĩnh Phú, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn (BQL) cho biết, tỉnh đã xây dựng và hoàn thiện xong đề án để trình Chính phủ, trong đó gồm nhiều giải pháp đồng bộ để xin ý kiến Trung ương và các Bộ, ngành liên quan.
Theo lãnh đạo của BQL, nếu không phải điều chỉnh và được phê duyệt thì tỉnh sẽ tập trung đầu tư, xây dựng cơ sở đồng bộ và nâng cao tối đa năng lực thông quan cho các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn.
“Nếu hệ thống cửa khẩu thông minh được đưa vào sử dụng, năng lực thông quan và kim ngạch xuất nhập khẩu có thể tăng từ 2 - 3 lần so với hiện nay vào năm 2027 và tăng 4 - 5 lần vào năm 2030”, Phó Trưởng ban Nguyễn Vĩnh Phú chia sẻ.
Cũng theo ông Phú, không chỉ nâng cao được năng lực thông quan mà cửa khẩu thông minh còn giúp giảm từ 30 - 40% chi phí bến bãi, thông quan tại cả 2 khu vực cửa khẩu là Hữu Nghị và Tân Thanh.
Bên cạnh đó, cửa khẩu thông minh sẽ thúc đẩy việc chuyển đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp theo hướng chính ngạch và chuyên nghiệp; giảm thiểu các rủi ro về kinh tế cho doanh nghiệp Việt Nam khi giao thương theo hình thức hiện tại.
Ngày 26/6/2023, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc và dự Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Thiên Tân của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn và Chủ tịch Chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã ký “Thỏa thuận khung về cùng thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh” tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ 2 nước.
Việc xây dựng cửa khẩu thông minh là phù hợp với định hướng chuyển đổi số của Chính phủ nhằm nâng cao năng lực, hiệu suất thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu đường bộ, đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng giữa Việt Nam - Trung Quốc và các nước ASEAN.
Cửa khẩu thông minh sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), xe tự hành không người lái AGV, hệ thống quản lý kho có sử dụng camera thông minh. Bên cạnh đó, hai bên sẽ nghiên cứu xây dựng Trung tâm chỉ huy để điều phối thông minh cũng như chia sẻ, kết nối dữ liệu và các điều kiện cần thiết khác đối với phía Trung Quốc.
Từ đó, tạo ra một hệ thống thống nhất, bảo đảm năng lực tính toán, xử lý, lưu trữ, bảo mật... thông qua "Nền tảng cửa khẩu số" Lạng Sơn, Việt Nam và "Cơ chế một cửa" thương mại quốc tế Quảng Tây, Trung Quốc để tương tác thông tin về thủ tục hải quan và logistics tại khu vực cửa khẩu giữa hai bên.
Trong năm 2023, thời điểm xảy ra ùn ứ nông sản tại khu vực cửa khẩu là ngày 23/5, nguyên nhân do mặt hàng sầu riêng tăng đột biến và cục bộ. Đến ngày 26/5, BQL đã phối hợp với các đơn vị liên quan, nghiên cứu và đưa ra các phương án giải quyết vấn đề bằng cách sử dụng tối đa năng lực của các bến bãi trên khu vực biên giới để giảm tải cho cửa khẩu.
Từ đó đến nay, không còn hiện tượng ùn ú xảy ra trên khu vực các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn. Bên cạnh đó, năng lực thông quan tại cửa khẩu tiếp tục tăng so với thời gian trước. “Nếu trước đây chỉ thông quan được 700 - 800 xe/ngày thì hiện nay con số này đã tăng lên 1.100 - 1.300 xe/ngày”, ông Nguyễn Vĩnh Phú thông tin thêm.