Đỡ rượu bia khách khứa
Phát biểu tại tòa đàm "Làm tổ cho đại bàng nội" được tổ chức tại FLC Hạ Long (Quảng Ninh) hôm 05/3, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - đánh giá nền kinh tế tư nhân Việt Nam đã có sự phát triển "kỳ diệu".
Ông Doanh dẫn chứng: "Ở các vùng cao như Sơn La, Tuyên Quang, trước kia chỉ nổi tiếng có nhà tù, bây giờ có bưởi da xanh, xoài, chanh leo, nhà máy, du lịch,… rất phát triển. Cho thấy kinh tế tư nhân đã đóng góp để đất nước phát triển rất năng động, đồng đều. Những vùng đó nếu không có kinh tế tư nhân thì rất khó đạt được mức phát triển như hiện nay".
Bên cạnh đó, theo TS. Lê Đăng Doanh, nền kinh tế tư nhân đã góp phần nâng cao sự bình đẳng giới tại Việt Nam, khi giám đốc các doanh nghiệp tư nhân là nữ hiện chiếm 28%, tỉ lệ rất cao trong khối doanh nghiệp Nhà nước, đây cũng là tỉ lệ cao trong khu vực Đông Nam Á.
"Phụ nữ Việt Nam anh dũng trong chiến tranh, bây giờ nhiều người quản lý, điều hành doanh nghiệp rất giỏi. Tôi thường nói với các vị lãnh đạo rằng, phụ nữ mà lãnh đạo các doanh nghiệp thì chi phí về bia rượu giảm hẳn đi, chi phí tiếp khách cũng tiết kiệm", ông Doanh nói và tái khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc phát triển kinh tế tư nhân, đóng góp lớn cho sự tiến bộ xã hội tại Việt Nam.
Phải tham gia kinh tế số
Theo TS. Lê Đăng Doanh, kinh tế tư nhân hiện nay đang có nhiều Tập đoàn đi đầu trong việc chuyển đổi kinh tế số. Tuy nhiên, chúng ta đang chậm so với thế giới, nhất là Trung Quốc về kinh tế số. Sự chậm này là một trong những trở ngại quan trọng nếu muốn tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị của các Tập đoàn.
"Chúng ta phải tham gia kinh tế số, không còn cách nào khác", ông Doanh nhấn mạnh, cho biết người Nhật Bản rất muốn Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của họ, xem chúng ta nuôi cá tra thế nào, đầu vào, sản xuất làm sao,…
"Họ muốn bất kỳ lúc nào bật lên cũng có thể giám sát, đối thoại được với chúng ta", ông Doanh nói và mong muốn thời gian tới đây, Chính phủ, các hiệp hội, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ quan tâm, thúc đẩy chuyển đổi toàn diện, đồng bộ, mạnh mẽ kinh tế số.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương khẳng định, việc kinh tế tư nhân phát triển đóng góp cho sự cải cách của thể chế. Luật doanh nghiệp mới, không cần Chủ tịch tỉnh ký quyết định thành lập doanh nghiệp, đã mở ra cho người dân, mỗi công dân đều có quyền đăng ký kinh doanh.
Ông Doanh kể lại câu chuyện: "Khi bảo vệ Luật Doanh nghiệp, có một vị nữ Chủ tịch của một tỉnh tôi không tiện nêu tên, cũng ở trong ủy ban kinh tế của Quốc hội nói rằng tôi là Chủ tịch tỉnh, tôi biết anh A tốt, chị B không tốt, tôi cho phép anh A thành lập doanh ngiệp, chị B thì không. Tôi (TS. Doanh - PV) chất vấn ngay, luật pháp nào cho phép Chủ tịch tỉnh được xếp hạng công dân là tốt và xấu, căn cứ vào đâu và vì sao chị làm như thế? Chị Chủ tịch không trả lời được".
Theo TS. Lê Đăng Doanh, Luật Doanh nghiệp đã được thông qua một cách khó khăn, mất một tuần thảo luận từng câu, từng chữ, nhiều vị Chủ tịch tỉnh e ngại nhưng cuối cùng cũng biểu quyết thông qua. Đây là bước tiến vượt bậc, phát huy quyền tự do kinh doanh, sáng tạo của người dân.
Áp lực của doanh nghiệp Việt từ Hiệp định RCEP
Về thách thức của Việt Nam khi hội nhập, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng sẽ có sự đa dạng hóa, phân hóa. Chúng ta không muốn phụ thuộc vào một nền kinh tế nào nên đã ký nhiều Hiệp định thương mại, trong đó đáng chú ý có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hiệp định này có 10 nước ASEAN và Trung Quốc.
"Ấn Độ ở phút cuối cùng đã không ký Hiệp định RCEP, lý do là có Trung Quốc trong đó. Hiệp định này khác hẳn các Hiệp định thương mại tự do khác. Như Hiệp định tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu, chúng ta xuất cái gì thì Liên minh Châu Âu sẵn sàng mua cái đó, bởi các sản phẩm sẽ bổ sung cho kinh tế Châu Âu và kinh tế Châu Âu cũng bổ sung cho chúng ta. Việt Nam chưa làm ra máy bay Airbus nên chúng ta nhập máy bay của họ, hai bên làm ăn hết sức vui vẻ. Nhưng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực lại khác. Hàng hóa của Trung Quốc nhập vào nước ta với thuế suất bằng 0, tạo ra áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam", TS. Lê Đăng Doanh quan ngại.
Ông nhận định, đây là vấn đề hoàn toàn không nhẹ nhàng. "Anh Trương Đình Tuyển (nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam - PV) có nói rằng, cố gắng đàm phán 8 năm trời để đạt được sự thỏa thuận hợp lý nhất nhưng Trung Quốc sau khi thấy không được tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã ép cái này để phát huy được vai trò", ông Doanh cho hay, đồng thời khẳng định đây là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
"Dịch bệnh Covid-19 khiến cho doanh nghiệp đã rất khó khăn, chúng ta phải có phương án đối phó với RCEP, nhanh chóng chuyển sang kinh tế số, cải cách thể chế, công khai minh bạch, giúp đỡ các doanh nghiệp phát triển", TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.