| Hotline: 0983.970.780

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Đừng mong 'quà cáp' gì trong cuộc chơi này!

Thứ Hai 23/03/2020 , 13:54 (GMT+7)

Doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư mạnh hơn vào nông nghiệp, tạo chuỗi giá trị liên kết với quốc tế, nâng cao tỷ lệ chế biến, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch...

TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung Ương trong buổi tọa đàm với các doanh nghiệp do BSA tổ chức. Ảnh: Nguyễn Thủy.

TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung Ương trong buổi tọa đàm với các doanh nghiệp do BSA tổ chức. Ảnh: Nguyễn Thủy.

NNVN đã có cuộc trao đổi với TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương về thách thức và cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam trước tác động dịch bệnh Covid-19…

Đa dạng thị trường nguyên liệu và xuất khẩu

Tiến sĩ có đánh giá thế nào về tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu, cũng như nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn và dự báo dài hạn?

Dịch Covid-19 đang lan rộng ra thế giới, gây tác động nhiều mặt không chỉ đến đời sống mà còn ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế toàn cầu. Nó cũng đang diễn biến phức tạp, chưa thấy điểm dừng, tác động rất lớn đến nền kinh tế thế giới và cũng rất khó dự đoán vì còn phụ thuộc vào năng lực kiểm soát và khống chế dịch bệnh của từng nước.

Tác động kinh tế thực chất diễn ra trên các mặt như làm đứt gẫy các hoạt động, nhà máy phải đóng cửa vì dịch bệnh, hay gián đoạn chuỗi giá trị như linh kiện ngành dệt may, da - giày, xe ô tô, linh kiện điện tử từ Trung Quốc, vận tải hàng hóa và hành khách giảm sút, du lịch bị ngưng trệ, thậm chí bị tê liệt ở vùng dịch, doanh số bán lẻ sụt giảm nghiêm trọng, số công ty phá sản tăng mạnh, lao động thất nghiệp tăng cao.

Đến nay, đã có trên 186 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc Covid-19, song song đó nhiều nước hạn chế nhập cảnh từ Trung Quốc và các nước có dịch.

Trước tình hình đó, nhiều tập đoàn và công ty lớn như Samsung, Hyundai ở Hàn Quốc; các công ty Nhật Bản và của Trung Quốc phải đóng cửa hoặc dịch chuyển sản xuất sang nước khác.

Vì vậy, việc dự báo tác động tới nền kinh tế thế giới còn phụ thuộc vào quá nhiều biến số đang biến động và khó chính xác.

Nhiều tổ chức kinh tế, hãng tư vấn, chuyên gia thế giới đã đưa ra những dự báo khác nhau, nhưng thống nhất về xu hướng tác động tiêu cực và hy vọng sẽ giới hạn trong ngắn hạn là đến hết quý II/2020.

Tác động có yếu tố tâm lý hoảng loạn nhất thời như các chỉ số trên thị trường chứng khoán thế giới mất điểm kỷ lục, rồi lại hồi phục một phần ngay ngày sau đó.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng 1/2020 đã dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu từ 3,3% giảm xuống còn 2,9%. Ngày 2/3, IMF dự báo dịch Covid-19 có thể làm giảm GDP thế giới năm 2020 khoảng 0,1% nữa và dự báo kinh tế thế giới sẽ hồi phục nhanh và mạnh mẽ sau khi dịch chấm dứt.

Các tập đoàn tư vấn như Mc Kinsey dự báo mức giảm sút cao hơn, từ 0,3 - 0,7% GDP toàn cầu. Các dự báo đều đưa ra nhiều kịch bản khác nhau, lạc quan, trung bình và thấp, tùy theo diễn biến của dịch và hiệu quả đối phó của các nền kinh tế.

Hiện nay, sản xuất tăng chậm, năng suất tăng thấp, tín dụng và lãi suất đều thấp. Tăng trưởng GDP của kinh tế Trung Quốc năm 2020 có thể giảm từ  6,9% theo dự báo 2019 xuống còn khoảng 2,5% do tác động của dịch Covid-19. Kinh tế Hàn Quốc, Nhật Bản cũng bị giảm mạnh, kinh tế EU và Mỹ cũng tăng trưởng thấp hơn. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam cũng bị tác động tiêu cực, có đánh giá GDP năm 2020 có thể bị giảm khoảng 1 - 1,2%.

Thưa Tiến sĩ, những ngành nghề nào bị tác động mạnh? Với phân tích của ông ở trên thì các doanh nghiệp cần phải làm gì trong tình hình hiện nay?

Các lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất là vận tải, hàng không, du lịch, nhà hàng, khách sạn. Do người dân thận trọng hơn, tự hạn chế đi lại, du lịch để tránh lây lan dịch bệnh, ít ăn ở nhà hàng hơn để tránh nơi đông người và tránh rủi ro về chất lượng thức ăn.

Ngành du lịch Việt Nam có thị phần rất lớn từ khách du lịch Trung Quốc, đặc biệt là đối với Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng thì thiệt hại rất rõ ràng. Chúng ta phải nỗ lực để thu hút được khách du lịch từ các nước như Nga, Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đặc biệt, nguồn du lịch từ Nhật Bản và Hàn Quốc là mảng thị trường tương đối cao và có các yêu cầu cũng cao, chúng ta cần nỗ lực hợp tác với các doanh nghiệp từ Nhật Bản.

Sản xuất các sản phẩm điện tử, ô tô theo chuỗi giá trị xuyên quốc gia cũng bị ảnh hưởng. Các dự báo đều hy vọng các ngành sản xuất sẽ hồi phục nhanh sau dịch…

TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung Ương. Ảnh: Nguyễn Thủy.

TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung Ương. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tránh "cho tất cả trứng vào một giỏ”

Ngành hàng không nên giảm giá vé hơn nữa, mở các đường bay mới hoặc tiếp cận lại khách du lịch Nga đến nghỉ dưỡng tại Việt Nam, bởi một số nơi của Nga đang lạnh đến -50oC, nên có thể tiếp cận để đón khách qua Việt Nam nghỉ dưỡng.

Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị ngắt quãng chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất từ Trung Quốc (giày da, may mặc, điện tử, hóa chất...), ông nhận định thế nào về vấn đề này? Đối với các doanh nghiệp còn lệ thuộc nhiều vào phía Trung Quốc cần làm gì để giảm thiểu rủi ro?

Kinh tế Trung Quốc bị tác động nặng nề của dịch Covid-19, tỉnh Hồ Bắc với 56 triệu dân, thành phố Vũ Hán với 11 triệu dân, khiến cho trung tâm công nghiệp lớn bị ngưng trệ, chuỗi giá trị bị gián đoạn, nhiều nhà máy phải đóng cửa để bảo vệ người lao động.

Vì nhiều lý do như giá cả thấp hơn, điều kiện cung ứng thuận lợi, chi phí thấp hơn các đối thủ cạnh tranh, các doanh nghiệp Trung Quốc rất linh hoạt và thiện chí đối với những yêu cầu của khách hàng, sẵn sàng điều chỉnh mẫu mã, kiểu dáng theo yêu cầu của khách hàng trong thời hạn ngắn nhất mà không tính thêm chi phí, tỷ lệ “lại quả” cao…, vì thế nhiều ngành hàng của Việt Nam từ dệt - may, da - giày đến điện tử, hóa chất... đều có tỷ lệ nhập nguyên, vật liệu, phụ liệu cao từ Trung Quốc.

Trong dịch Covid-19, các doanh nghiệp Trung Quốc phải tạm thời ngừng sản xuất, các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế từ Ấn Độ, Đài Loan...

Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, Hyundai ở Việt Nam nhập linh kiện từ các nhà máy của họ từ Trung Quốc cũng gặp khó khăn và điều chỉnh nguồn nhập nguyên, vật liệu. Phía Trung Quốc hy vọng sẽ sớm khôi phục sản xuất và tiếp tục mối giao thương truyền thống.

Tổng Công ty May 10 cũng là một trong những doanh nghiệp đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: May 10.

Tổng Công ty May 10 cũng là một trong những doanh nghiệp đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: May 10.

Dệt may cũng là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh bởi phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp chỉ còn có nguyên liệu cho đến hết tháng 3.

Theo tôi, cố gắng tìm các nguồn nguyên liệu mới từ các nguồn khác như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Bangladesh, đấy là các nước có nền công nghiệp về dệt may khá phát triển để chúng ta có thể bù đắp vào nguồn nguyên liệu đang thiếu hụt.

Kinh nghiệm này cho thấy, cần tránh rủi ro, tránh cho tất cả “trứng vào một giỏ”, cần đa phương hóa, đa dạng hóa nguồn nguyên vật liệu cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ.

Việc tích trữ lương thực thực phẩm là điều không cần thiết. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Việc tích trữ lương thực thực phẩm là điều không cần thiết. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Với tình hình dịch bệnh hiện nay, nhiều khả năng người dân sẽ tăng cường tích trữ lương thực thực phẩm giống như người dân Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Mỹ... Đây là điều cần chú ý cho thị trường nội địa. Theo Tiến sĩ, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì lúc này?

Việc dự phòng lương thực, thực phẩm để phòng ngừa khả năng bị cách ly là dễ hiểu và hợp lý. Tuy vậy, với kết quả kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam, cần tránh tâm lý đầu cơ, trục lợi, tích trữ quá mức, gây áp lực không cần thiết lên cân đối cung - cầu của thị trường.

Đặc biệt, Việt Nam lại là nước có nền sản xuất nông nghiệp lớn và hiện đang ở Top 15 những nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Ở lĩnh vực hàng tiêu dùng, năng lực sản xuất của Việt Nam cơ bản đáp ứng được nhu cầu của thị trường nội địa. Nên việc tích trữ quá mức là không cần thiết.

Mới đây, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc cho biết, hiện tại, phía Hoa Kỳ đang cân nhắc khả năng nhập khẩu một số vật tư và trang thiết bị y tế từ Việt Nam để phục vụ cho phòng chống dịch tại Hoa Kỳ. Đây là những sản phẩm mà Việt Nam có đủ năng lực sản xuất để phục vụ công tác y tế trong nước và xuất khẩu, đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong phòng chống dịch.

Ngay tại vùng dịch của Trung Quốc, việc giao hàng tận nhà, giao dịch qua thương mại điện tử đã phát huy hiệu quả tốt. Vì vậy, chúng ta cần thuyết phục người dân tránh tâm lý hoảng loạn tích trữ lương thực, thực phẩm quá mức cần thiết. Chính quyền có thể áp dụng những biện pháp hành chính cần thiết như đã làm đối với việc đầu cơ khẩu trang... Đồng thời, cần phát triển mạnh thương mại điện tử, giao hàng tận nhà trong thời gian tới.

Chúng ta cần phải đánh giá đúng tình hình và phải lường trước những khó khăn trước tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với nền kinh tế thế giới và nền kinh tế của nước ta. Cách của chúng ta bây giờ là phải tái cơ cấu, phải điều chỉnh các chương trình hoạt động.

Thực tế, tất cả các kênh đầu tư đều có giảm sút, cho nên các nhà đầu tư cũng cần phải là xem xét lại các phương án đầu tư và tìm cách đầu tư vào những lĩnh vực mới, xem xét cung cầu để điều chỉnh kế hoạch phù hợp. Lĩnh vực y tế cũng là một trong những lĩnh vực có thể đầu tư được trong tình hình hiện nay.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải liên kết lại với nhau, tạo thành một “thể” đủ lớn, để có thể chống chọi, hợp tác cùng tham gia vào chuỗi giá trị. Và để hợp tác được như vậy thì các doanh nghiệp phải trao đổi rất là chân thành với nhau, để thấy rõ thực chất, thế mạnh và công nghệ của đối tác để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Theo tôi, từ trước đến nay chúng ta chưa hợp tác được đầy đủ, bây giờ là cơ hội để chúng ta phải hợp tác với nhau, để chúng ta tham gia được vào chuỗi giá trị và chiếm lĩnh được thị trường.

TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung Ương. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung Ương. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đừng mong "quà cáp" gì trong cuộc chơi này!

Những thị trường lớn của nông sản Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc... cũng đang đối mặt với dịch Covid-19. Tuy nhiên, ảnh hưởng sẽ ít hơn Trung Quốc vì hàng xuất sang những thị trường này đều là chính ngạch, chất lượng cao. Mặt khác, những thị trường này đang có xu hướng tăng tích trữ lương thực, thực phẩm trong dân để phòng dịch. Đó cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam? Có ý kiến cho rằng, đây cũng là cơ hội để nông nghiệp Việt Nam thay đổi toàn diện, bớt lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nhất là khi Việt Nam và châu Âu đã ký hiệp định EVFTA?

Trong nguy có cơ, trong họa có phúc, lửa thử vàng gian nan thử sức, chính trong tình hình biến động này, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư mạnh hơn vào nông nghiệp, tạo lập chuỗi giá trị liên kết với quốc tế, nâng cao tỷ lệ chế biến, giá trị gia tăng của nông, lâm, thủy sản Việt Nam, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch, đáp ứng nhu cầu cao của các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Đồng thời, cần nỗ lực đa dạng hóa thị trường sang Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi… Nền nông nghiệp của các nước này bổ sung cho nông nghiệp nước ta là chủ yếu, các mặt hàng cạnh tranh hạn chế.

Đó là cơ hội để nông nghiệp tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị với các đối tác, đáp ứng yêu cầu đặc thù của từng thị trường như Nhật Bản khác với Mỹ hay Châu Âu. Cũng nên lưu ý đến thị trường Đài Loan nhiều tiềm năng.

Thị trường Trung Quốc bị ngưng trệ chỉ là tạm thời, ngắn hạn, chính vì vậy nông, lâm, thủy sản Việt Nam cần duy trì quan hệ với khách hàng Trung Quốc, chuẩn bị cho sự khôi phục xuất - nhập khẩu. Đồng thời, cần đa dạng hóa, đa phương hóa đối tác và thị trường như đã trình bày ở trên.

Hiệp định Thương Mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) là một bước tiến quan trọng trong tiến trình hội nhập của nước ta. Đây là hiệp định có mức cam kết cao nhất Việt Nam từng ký kết, mở ra cơ hội to lớn cho thương mại và cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Một số sản phẩm như dệt may, giày dép, nông hải sản được hưởng lợi nhiều nhất vì hiện nay thuế nhập khẩu khá cao sẽ đưa về 0% khi EVFTA có hiệu lực. Ví dụ hàng dệt may đang phải chịu thuế từ 7 - 17%, khi thuế về 0% thì xuất khẩu của Việt Nam vào EU có thể tăng thêm 1,54 tỷ USD năm 2023 và 5,82 tỷ USD năm 2028 (so với không có EVFTA).

Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Hàm lượng nội địa và nguồn gốc xuất xứ nguyên, phụ liệu phải bảo đảm (hạt điều, đồ gỗ, dệt may, da giày...).

Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.

Riêng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU chiếm đến 15,3% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến cho thanh long Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó. Nhiều doanh nghiệp Việt đã chung tay cùng bà con nông dân hỗ trợ tiêu thụ thanh long bằng cách đưa thanh long vào trong chế biến như bánh mì thanh long, bún thanh long... Ảnh: Nguyễn Thủy

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến cho thanh long Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó. Nhiều doanh nghiệp Việt đã chung tay cùng bà con nông dân hỗ trợ tiêu thụ thanh long bằng cách đưa thanh long vào trong chế biến như bánh mì thanh long, bún thanh long... Ảnh: Nguyễn Thủy

Tiến sĩ đánh giá thế nào về cơ hội lớn đối với nhóm nông sản, lâm sản, thủy sản nhiệt đới Việt Nam như gạo, đường, thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm, trái cây, cao su, tiêu, điều, cà phê, đồ gỗ... do được hưởng ưu đãi ngay từ những năm đầu tiên ký EVFTA?

Ngành nông nghiệp, thủy sản nhiệt đới của Việt Nam có thể tiếp cận thị trường EU với GDP của EU lên đến 18.000 tỷ USD, 430 triệu dân. Chính vì vậy, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ bổ sung cho thị trường EU là chủ yếu, các mặt cạnh tranh ít (như rượu vang, khoai tây…) với thuế suất bằng 0%. 

Mặt khác, yêu cầu của EU về vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ, yêu cầu về lao động, công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng rất cao, đòi hỏi nông nghiệp Việt Nam phải có bước phát triển nhảy vọt để biến thách thức thành cơ hội. Không nên mong đợi có ai mời mọc, ưu đãi quà cáp biếu không gì trong cuộc chơi này. Biết người biết mình, trăm trận trăm thắng.

Cụ thể như, nông dân phải chuyển hướng sang canh tác bền vững, đạt chứng nhận quốc tế; có sự phối hợp và kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà phân phối tại EU, từ đó làm gia tăng giá trị nông sản xuất khẩu.

EU đã quy định mức giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRLs) được sử dụng trong và trên các sản phẩm thực phẩm. Đối với các sản phẩm rau quả tươi, doanh nghiệp phải tuân thủ chặt chẽ theo các quy định về MRLs và ngăn ngừa tình trạng nhiễm vi khuẩn là những điều kiện tiên quyết khi muốn thâm nhập thị trường EU.

Khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ bảo hộ trên 160 chỉ dẫn địa lý của EU (bao gồm 27 thành viên) và EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về những tác động đối với ngành nông nghiệp trong thời gian tới?

Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức to lớn để đối phó với tình hình xâm hạn mặn nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì vậy, cần thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển sang những cây trồng chịu mặn, nuôi tôm, cá; đẩy mạnh liên kết nhà nông - doanh nghiệp chế biến, xuất nhập khẩu - ngân hàng - viện nghiên cứu - trường đại học, cao đẳng dạy nghề.

Thêm vào đó, khi hiệp định có hiệu lực, các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam bảo hộ đều liên quan tới nông sản, thực phẩm. Đây chính là điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU.

Các doanh nghiệp nhỏ phải liên kết lại với nhau tạo thành một

Các doanh nghiệp nhỏ phải liên kết lại với nhau tạo thành một "thể" lớn để bước ra thế giới. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thời gian tới, nghề nông trở thành nghề đòi hỏi chuyên môn cao, kỹ năng hiện đại, vận dụng công nghệ sinh học, tưới tiêu hiện đại, áp dụng kinh tế số hóa, thương mại điện tử, am hiểu ngoại ngữ, kinh tế đối ngoại.

Đó là những cơ hội và thách thức lớn hơn nhiều, phức tạp và mới mẻ hơn nhiều so với nông nghiệp truyền thống trước đây. Các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), nguồn gốc, xuất xứ đòi hỏi người nông dân phải liên kết với nhau, hình thành những nông trại quy mô đủ lớn để hợp tác trong nước và quốc tế. “Chậm là chết”, chậm đổi mới là mất cơ hội, chịu nhiều thua thiệt không đáng có.

Xin cảm ơn ông!

Tôi nghĩ rằng, Chính phủ sẽ có một gói hỗ trợ, một là sẽ có nguồn vốn tín dụng rẻ hơn, hoãn - giãn nộp thuế đối với các doanh nghiệp đang chịu thiệt hại nặng nề. Mặt khác, Chính phủ sẽ có những gói cứu trợ đối với những vùng bị dịch bệnh hoặc là bị tác hại nặng nề như là vùng khô hạn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Có lẽ là các bạn (truyền thông) cứ lên tiếng và tôi nghĩ rằng Chính phủ sẽ cố gắng thúc đẩy, để đáp ứng nhu cầu càng sớm càng tốt.

Thêm nữa, theo tôi, dịch bệnh là thách thức rất lớn. Thời gian qua, Chính phủ đã có những quyết định rất xông xáo nhưng vấn đề cần đặt ra lúc này là phải giảm bớt bộ máy để tiết kiệm chi phí, bởi chi thường xuyên của ngân sách còn quá lớn và còn phải chi trả nợ nước ngoài.

TS Lê Đăng Doanh

Tại phiên họp của Bộ Chính trị sáng 20/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cùng với chống dịch, cần chủ động, tích cực xây dựng và triển khai thực hiện thật tốt các chính sách, biện pháp nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra; có kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển du lịch, bảo đảm đời sống sinh hoạt bình thường của nhân dân, nhất là vùng có dịch. 

Bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng là thời cơ để tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu sản xuất kinh doanh. Trước mắt, cần thúc đẩy đầu tư công trên cơ sở nguồn lực đã được bố trí để kích cầu, đồng thời bảo đảm nguồn lực dự phòng; tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, sản xuất lương thực, thực phẩm, bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội, chú trọng thị trường nội địa, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Bình luận mới nhất