| Hotline: 0983.970.780

Lãnh đạo Formosa: 'Cá nuôi trong kênh thải vẫn sống, không hiểu sao cá biển lại chết'

Thứ Sáu 22/04/2016 , 13:30 (GMT+7)

Trước nghi vấn hệ thống kênh trực tiếp xả thải ra biển khiến cá chết hàng loạt, lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh bác bỏ lập luận đó bởi "cá nuôi trong hệ thống kênh vẫn sống".

Sau khi cá chết hàng loạt dọc bờ biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, nhiều người dân và cả một số nhà khoa học đưa ra nghi vấn hệ thống kênh xả thải của dự án Formosa ở Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Thực tế, một số ngư dân lặn biển đã phát hiện cống ngầm nối từ dự án của Formosa ra biển. Nơi phát hiện cá chết đầu tiên vào đầu tháng tư là ở bờ biển sát với khu kinh tế Vũng Áng. Ban đầu cá nuôi ở lồng bè trên biển chết, sau đó đến cá tự nhiên ở các tầng nước từ nông đến sâu, cả xa bờ cũng chết.

Sáng 22/4, trao đổi với PV, một lãnh đạo cao cấp của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cho biết, phía Formosa gọi cống ngầm chôn dưới lòng biển là hệ thống kênh xả thải. Kênh rộng một mét, dài 1,5 mét, nằm cách mặt nước biển 17 mét và cách bờ khoảng 1,5 km.

"Hệ thống kênh này được xây từ tháng 12/2012. Hồi trước theo thiết kế công ty muốn xây một đường ống ngầm dưới lòng đất, nhưng nhà chức trách địa phương không cho, họ muốn kiểm tra thường xuyên, do đó chúng tôi thay đổi thiết kế xây hệ thống kênh", vị lãnh đạo Formosa nói.


Hệ thống kênh xả thải của Formosa. Ảnh: Đ.P.

Theo ông này, bất kỳ khu công nghiệp nào cũng phải có kênh xả thải. Hàng ngày công ty xả khoảng chục nghìn khối nước thải qua kênh. Trước khi xả thải ra, công ty luôn kiểm tra từng giờ xem có ảnh hưởng tới môi trường hay không. Các mẫu nước đều theo tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có máy tự động kiểm tra nước và đều được ghi rất chi tiết vào máy tính.

"Xung quanh hệ thống kênh xả thải, chúng tôi có nuôi cá để kiểm tra chất lượng nước. Thực tế trong kênh của chúng tôi, cá vẫn sống. Nếu do xả thải, thì cá trong này phải chết trước cá ngoài biển. Do vậy công ty yên tâm về việc mình không làm gì ảnh hưởng tới môi trường biển Việt Nam", lãnh đạo Formosa giải thích.

Ông Phạm Khánh Ly, Vụ phó Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), cho biết hôm nay đoàn kiểm tra tiếp tục đi lấy mẫu, tìm hiểu nguyên nhân cá chết ở ven biển các tỉnh miền Trung. "Chúng tôi sẽ đem mẫu về nghiên cứu, xem xét cẩn thận. Để đưa ra một kết luận xác đáng cần có thời gian", ông Ly nói.


Cá chết dọc bờ biển phường Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh). Ảnh: Đức Hùng

Khoảng ba tuần qua, dọc bờ biển Hà Tĩnh xảy ra hiện tượng cá nuôi và cá tự nhiên trên biển chết hàng loạt. Hàng chục tấn cá bị sóng đánh vào bờ, giắt vào khe đá, nhiều con thối rữa.

Hiện tượng bất thường này sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Nhiều ngư dân đành gác chèo, treo lưới vì đánh bắt về cũng không bán được do người dân lo sợ cá chết, không dám ăn. Thực tế một số người tiếc của đã nhặt cá chết về cho vịt ăn và vịt đã chết.

Một lãnh đạo Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh thông tin "phải có áp lực gì đó tác động rất lớn gây chết tức thì, hoặc xảy ra hiện tượng ngộ độc rất mạnh khiến cá tắc thở". Đơn vị đã có văn bản khuyến cáo gửi về các địa phương yêu cầu người dân ngừng việc lấy nước biển vào nuôi thủy sản, chờ có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng về nguyên nhân cá chết mới lấy nước trở lại.

Khu kinh tế Vũng Áng được thành lập năm 2006 với tổng diện tích gần 22.800 ha nằm trên 9 xã phía Nam huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Đây là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông lâm ngư nghiệp; trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp luyện kim.

Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh thuộc tập đoàn Formosa Đài Loan, hoạt động tại Khu kinh tế Vũng Áng.

Đây là nhà máy liên hợp sản xuất gang thép từ nguyên liệu thô ban đầu là quặng sắt và than đá thành các sản phẩm gang thép thành phẩm cung cấp cho thị trường thế giới. Dự án gồm 6 lò cao dung tích 4.350 m, công suất ước đạt 15 triệu tấn gang thành phẩm một năm.

 

VnExpress

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đông Nam bộ hướng đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, hữu cơ

Đây là một trong những phương hướng phát triển về nông, lâm nghiệp, thủy sản được đặt ra trong Phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.