| Hotline: 0983.970.780

Lãnh đạo Kiến Thụy nói áy náy, mất ăn mất ngủ vì nước dân dùng bẩn

Thứ Ba 11/07/2023 , 21:00 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy vừa đối thoại trực tiếp với người dân liên quan đến những bức xúc về nước sinh hoạt ở xã Đông Phương.

Người dân tập trung trước hội trường UBND xã Đông Phương nghe nội dung cuộc đối thoại. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân tập trung trước hội trường UBND xã Đông Phương nghe nội dung cuộc đối thoại. Ảnh: Đinh Mười.

Khoảng nửa tháng qua, vùng quê ven đô xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy bỗng dưng “nóng” lên bởi vụ việc hàng nghìn hộ dân kiến nghị nhà máy nước của Công ty TNHH Xây dựng và dịch vụ thương mại Đại Thái (nhà máy nước Đại Thái) bán nước “bẩn” cho người dân.

Theo tìm hiểu, nhà máy nước này do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng và Dịch vụ thương mại Đại Thái đầu tư, khai thác, vận hành và kinh doanh từ năm 2009, công suất thiết kế 500m3/ngày đêm, công suất thực tế 600m3/ngày đêm, đang cung cấp nước sạch cho 1.948 hộ dân (1.900 hộ dân xã Đông Phương và 48 hộ dân xã Đại Đồng).

Năm 2020, Nhà máy nước Đại Thái đã từng bán nước không đảm bảo cho khách hàng. Sau sự việc đó, Nhà máy nước Đại Thái đã cam kết không tái diễn, nếu tái diễn sẽ đóng cửa nhà máy.

Dù vậy, vào tháng 6/2023, sự việc tiếp tục tái diễn, người dân gay gắt phản ứng bằng nhiều hình thức như: lập các trang nhóm trên mạng xã hội để phản ánh ý kiến, đăng tải các hình ảnh, clip liên quan, treo băng rôn, khẩu hiệu trước cửa nhà...

Băng rôn với nội dung 'tẩy chay' nhà máy nước được các gia đình treo trước cổng. Ảnh: Đinh Mười.

Băng rôn với nội dung "tẩy chay" nhà máy nước được các gia đình treo trước cổng. Ảnh: Đinh Mười.

Sau khi có phản ánh của người dân về nguồn nước từ nhà máy nước Đại Thái không đảm bảo, UBND xã Đông Phương đã làm việc với nhà máy và được cam kết khắc phục trước ngày 3/7.

Bên cạnh đó, huyện Kiến Thụy cũng đã thành lập tổ công tác về quy trình sản xuất cung cấp nước, chất lượng nước tại nhà máy; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) lấy mẫu nước của nhà máy nước sau xử lý.

Ngày 7/7, kết quả kiểm tra được công bố, theo đó kết quả xét nghiệm cho thấy, các mẫu nước đều đạt tiêu chuẩn theo quy định. Tuy nhiên, người dân địa phương chưa yên tâm về chất lượng nước, tiếp tục kiến nghị và yêu cầu chủ doanh nghiệp thực hiện theo đúng cam kết tại cuộc họp với các hộ dân về chất lượng nước từ năm 2020.

Trước tình hình như vậy, ông Đỗ Đức Hòa, Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy và ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện vừa có cuộc đối thoại trực tiếp với đại diện hộ gia đình, cá nhân có phản ánh, kiến nghị về chất lượng nước của nhà máy nước Đại Thái ở xã Đông Phương.

Ông Đỗ Đức Hòa - Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy khẳng định sẽ chỉ đạo kiểm tra toàn diện vấn đề bà con phản ánh. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Đỗ Đức Hòa - Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy khẳng định sẽ chỉ đạo kiểm tra toàn diện vấn đề bà con phản ánh. Ảnh: Đinh Mười.

Tại hội nghị, đại diện cho hàng nghìn hộ dân dùng nước sạch tại xã Đông Phương đã có 10 ý kiến được đưa ra liên quan đến việc yêu cầu thanh tra, kiểm tra toàn diện năng lực, điều kiện hoạt động của nhà máy nước do Công ty TNHH Xây dựng và dịch vụ thương mại Đại Thái làm chủ đầu tư.

Một số ý kiến gay gắt yêu cầu xét nghiệm lại mẫu nước của nhà máy tại Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, có sự chứng kiến của người sử dụng nước. Trong trường hợp, nếu công ty không đáp ứng được các điều kiện, tiêu chí theo quy định, đề nghị huyện không để đơn vị này tiếp tục cung cấp nước trên địa bàn…

Chia sẻ với người dân ông Đỗ Đức Hòa cho biết: Quan điểm của chúng tôi sức khỏe của người dân là trên hết, những kiến nghị của người dân là hoàn toàn chính đáng, huyện sẽ chỉ đạo giải quyết thấu đáo, triệt để nhưng cần có lộ trình cụ thể, đúng quy định pháp luật.

Việc để tái diễn tình trạng người dân bức xúc về nguồn nước sạch nêu trên là do lãnh đạo địa phương chưa thực sự vào cuộc quyết liệt trong việc bảo vệ quyền lợi của người dân.

Đại diện các hộ dân trình bày tâm tư nguyện vọng. Ảnh: Đinh Mười.

Đại diện các hộ dân trình bày tâm tư nguyện vọng. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Hòa giao Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp cùng người dân trong công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện hoạt động của nhà máy nước xã Đông Phương để có câu trả lời thỏa đáng.

“Lãnh đạo địa phương vào cuộc chưa quyết liệt, chưa tới nơi tới chốn trong việc bảo vệ quyền lợi người dân để việc này kéo dài, từ năm 2020 đã xảy ra rồi, đến năm 2023 lại tiếp tục. Lỗi ở chính quyền địa phương, còn lỗi đến đâu chúng tôi sẽ xem xét thấu đáo”, ông Hòa khẳng định.

Cũng tại cuộc đối thoại này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện khẳng định, sẽ nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của người dân và chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan liên quan tổng hợp, trả lời các kiến nghị.

Thời gian qua, cùng với các nhà máy nước khác trên địa bàn thành phố và huyện, nhà máy nước xã Đông Phương có vai trò nhất định trong việc cung cấp nước sinh hoạt nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy khẳng định sẽ kiểm tra 11 nội dung liên quan đến nhà máy nước Đại Thái. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy khẳng định sẽ kiểm tra 11 nội dung liên quan đến nhà máy nước Đại Thái. Ảnh: Đinh Mười.

Hiện tại, nhà máy chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Vì vậy, ngay sau hội nghị đối thoại, huyện thành lập tổ công tác liên ngành, phân công đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện làm trưởng đoàn kiểm tra theo kiến nghị của các hộ dân.

Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra 11 nội dung liên quan đến nhà máy nước như: Thỏa thuận dịch vụ cấp nước giữa nhà máy với UBND xã; hợp đồng dịch vụ cung cấp nước giữa nhà máy với các hộ dân; nhật ký theo dõi vận hành, sổ lưu mẫu nước thành phẩm, báo cáo tổng hợp kết quả chất lượng nước sạch; hóa đơn, chứng từ nộp thuế,…

Để đảm bảo an ninh trật tự địa phương, ông Tuấn đề nghị người dân phối hợp, hỗ trợ cung cấp hồ sơ, tài liệu, chứng cứ liên quan trong quá trình kiểm tra để có kết luận công tâm, khách quan.

Sau khi có báo cáo của tổ công tác, căn cứ mức độ lỗi của nhà máy nước để xem xét hướng giải quyết phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong thời gian kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư nhà máy nước Đại Thái giữ nguyên trạng, không nâng cấp, cải tạo, sửa chữa và phối hợp giải quyết các kiến nghị, phản ánh của người dân. "Chúng tôi cảm thấy áy náy, thậm chí là mất ăn mất ngủ khi nhìn thấy sự việc như vậy", ông Tuấn kể.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.