Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập và quán triệt nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương - Phạm Minh Chính nêu ra một biểu hiện không thể chấp nhận: “Chúng ta quy định các cấp chính quyền tiếp dân, nhưng cấp ủy, Bí thư cấp ủy ít khi tiếp dân. Thậm chí có nơi dân biểu tình kéo đến trụ sở Tỉnh ủy, Huyện ủy, các đồng chí có trách nhiệm còn báo cáo là thôi Bí thư Tỉnh ủy, Huyện ủy đừng về nữa, dân đang bao vây”.
Tình trạng lãnh đạo ngại tiếp dân, không phải quá cá biệt ở nhiều địa phương. Trong chiến lược xây dựng đội ngũ các cấp, thì yếu tố thắt chặt quan hệ giữa Đảng với dân rất quan trọng. Để ngăn chặn đẩy lùi suy thoái, nâng cao công tác cán bộ, đổi mới toàn diện và hoàn thiện tổ chức bộ máy, thì tiếp dân cũng là một đòi hỏi cần thiết đối với người đứng đầu mỗi đơn vị.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, đã có 1.300 tổ chức và gần 70.000 đảng viên bị kỷ luật. Đây là con số không lấy gì làm vui vẻ, nhưng góp phần giữ gìn kỷ cương của xã hội. Lãnh đạo ngại tiếp dân, hay lãnh đạo muốn xa dân, đều dẫn đến hậu quả triệt tiêu giá trị tai mắt của quần chúng và nảy sinh tiêu cực tha hóa.
Tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 14, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy của thành phố Đà Nẵng, trình bày: “Việc buông lỏng kỷ cương, vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý tài nguyên, đất đai, công sản, đầu tư xây dựng cơ bản xảy khá phổ biến và kéo dài. Khi một việc xảy ra phổ biến và kéo dài thì phải tìm nguyên nhân ở cơ chế, pháp luật.
Tiếc rằng báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ không có một địa chỉ trách nhiệm nào, vẫn là “chỉ là một số nơi, một số cá nhân”... dù rằng không ít lần tại các báo cáo thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội đã yêu cầu phải nêu rõ địa chỉ trách nhiệm”.
Chưa bao giờ vai trò của người đứng đầu được đề cao như hiện nay. Người dân luôn tin cậy và gửi gắm những kiến nghị chính đáng đến cơ quan chức năng, thông qua vai trò người đứng đầu.
Do vậy, lãnh đạo không tiếp dân sẽ không thể nào lắng nghe được những tâm tư và những nguyện vọng của bá tánh một cách đầy đủ và nghiêm túc. Bí thư Tỉnh ủy hoặc Bí thư huyện ủy mà ngại tiếp dân, thì dân còn biết kêu ai?
Lãnh đạo là một nghề cần dân và gần dân. Lãnh đạo mà ngại tiếp dân, cũng đồng nghĩa với biểu hiện thoái thác sứ mệnh được giao phó. Lãnh đạo mà ngại tiếp dân, thì bất cứ sai phạm hoặc khuất tất gì xảy ra cũng không thể giải quyết thấu đáo và triệt để. Do đó, cái trách nhiệm kiểu “chung chung” sẽ khiến kỷ cương bị buông lỏng và pháp luật bị vô hiệu.
Tiếp dân, khó hay dễ? Rất khó, nếu lãnh đạo muốn xa dân. Và rất dễ, nếu lãnh đạo muốn gần dân. Khoảng cách giữa xa dân và gần dân rất mơ hồ, nhưng quyết định sự thành bại của lãnh đạo và sự được mất của cộng đồng.